“Ấm”, chứ chưa đến mức nóng, là sự thể đang diễn ra tại quân cảng Ream của Campuchia dịp cuối năm này, khi nhóm tàu Trung Quốc xuất hiện tại đây để thực hiện cái gọi là “tham gia chương trình huấn luyện”.
Ream, trong khoảng 2 năm trở lại đây, là một cái tên nhạy cảm. Thậm chí, có thời điểm dư luận quốc tế cho rằng, đây là điểm “tranh chấp” giữa các cường quốc.
Tại sao có chuyện “tranh chấp” ở đây, khi Ream là quân cảng nằm bên bờ vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Sihanoukville của Campuchia?
“Tranh chấp” chỉ là một cách nói. Cách nói đó hàm ý việc cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đều nhòm ngó, muốn được sử dụng quân cảng Ream như một địa bàn quan trọng để cạnh tranh nhau trong một địa bàn chiến lược là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ thèm là phải nhẽ. Dù đã được đồng minh Philippines biệt đãi, cho tiếp cận một số căn cứ quân sự, nhưng thêm một biệt đãi sử dụng Ream từ Phnom Penh nữa, Mỹ sẽ lợi thế hơn trong khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên Biển Đông, trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Chiều ngược lại, nếu được ưu ái sử dụng một căn cứ quân sự có vị trí ví như tiền đồn chiến lược, như Ream, Trung Quốc có điều kiện hơn trong mục tiêu hiện thực hóa tham vọng lấn sân Mỹ và các cường quốc đồng minh của Washington, trước hết là trên khu vực Biển Đông, sau nữa, xa hơn, là vươn ra “biển lớn” Ấn Độ dương và Thái Bình dương – điều mà lâu nay thèm lắm nhưng “lực bất tòng tâm” nên Bắc Kinh chưa mơ tới được.
Phàm cái gì khiến thiên hạ thèm, thì cao giá. Nhưng khốn nỗi, trong thế kẹt giữa hai người khổng lồ Mỹ và Trung Quốc, Phnom Penh lâm thế khó. Không cư xử khéo, cả hai ông siêu cường này mà nổi cáu, thì nguy. Thế nên, mặc cho những nghi ngờ rằng Trung Quốc đã được Phnom Penh gật đầu cho sử dụng Ream; Trung Quốc đã và đang đổ tiền, đổ người vào để xây dựng lại, biến nơi này thành một căn cứ quân sự hiện đại – căn cứ đó, tiếng là của Campuchia, nhưng lợi hại nhất trong việc sử dụng, lại thuộc về Trung Quốc…, Phnom Penh vẫn chỉ khăng khăng rằng: Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận căn cứ này – như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, ngày 2/6/2021.
Thậm chí, như thấy cần phải trấn an dư luận, trước nhiều eo xèo, tháng 5/2022, Thủ tướng Hun Sen đã đích thân lên tiếng: “Campuchia không cần hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình”.
Dù vậy, sự thề thốt của Phnom Penh không làm Washington đủ tin. Tiếp tục các hành động giận dữ gắn với những cáo buộc Phnom Penh hành xử thiếu lịch sự với tùy viên sứ quán Mỹ tại Campuchia khi nhân vật này thực hiện chuyến thị sát quân cảng Ream hồi tháng 6/2021, tới cuối năm này, Mỹ thậm chí còn đưa Campuchia vào danh sách các nước bị cấm nhập khẩu vũ khí Mỹ, do “lo ngại Phnom Penh chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc”, và một số lý do khác tù mù khác, trong đó có những cáo buộc về nhân quyền.
Những chao chát miệng bùng lên một hồi, rồi lắng xuống khi cả thế giới quay cuồng với đại dịch COVID-19. Tiếp đó, chuyện càng nguội đi khi bùng lên lò lửa chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, chắc chắn, những diễn biến trong khu vực nhạy cảm Ream hẳn vẫn được sự quan tâm dư luận, đặc biệt là sự soi mói của Mỹ. Từng có lúc, Mỹ đã trưng ra hàng loạt tấm ảnh chụp từ vệ tinh như bằng chứng về sự hiện diện đáng ngờ của quân đội Trung Quốc tại quân cảng này. Ngay cả Austraylia, cũng “nhảy” vào bênh Mỹ với phát biểu ngày 6/6/2022 của Thủ tướng Anthony Albanese, rằng, những báo cáo về những gì diễn ra tại căn cứ Ream là “đáng lo ngại”.
Thời gian không đợi. Hai năm qua, khi Mỹ bị phân tán, bận rộn với cuộc chiến Ukraine, thì hóa ra, quá trình cải tạo, xây dựng Ream đã tiến một bước dài. Từ lễ động thổ 8/6/2022 với sự tham dự của quan chức quân sự Trung Quốc và Campuchia, vẻ như quân cảng này đã chu toàn những hạng mục quan trọng nhất, để bắt đầu vào giai đoạn khai thác từng phần. Sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc trong tuần đầu tháng 12 này là bằng chứng cho điều đó. Thông tin nhà nước Campuchia không cho biết rõ số lượng, nhưng chắc chắn cái gọi là “nhóm tàu” này không chỉ là con số 2 như hình ảnh truyền thông nhà nước Campuchia loan tin, mà phải nhiều hơn.
Về mục đích, dư luận cho rằng, “tham gia chương trình huấn luyện” với hải quân nước sở tại, chỉ là cái cớ. Rất có thể, đây là kịch bản được Bắc Kinh và Phnom Penh tính toán. Bằng những cuộc “huấn luyện” kiểu này, Bắc Kinh sẽ dần dần đưa số lượng lớn chiến hạm cùng các khí tài cần thiết để bắt tay vào chặng khai thác quân cảng Ream như một cứ điểm quân sự thực sự, đúng như những gì dư luận, nhất là giới chuyên gia quân sự, đã làm ồn lên từ cách đây 3 năm trước.
T.V