Lực lượng không quân Mỹ đang lên kế hoạch đưa sân bay trên đảo Tinian ở Thái Bình Dương, nơi từng dùng để thực hiện các vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, trở lại hoạt động.
Theo quan chức cấp cao của Lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, động thái trên nhằm mở rộng các lựa chọn căn cứ trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asia, tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy Lực lượng không quân Thái Bình Dương, cho biết sân bay Bắc (North Field) trên đảo Tinian sẽ trở thành một cơ sở rộng rãi, sau khi lực lượng này hoàn thành dọn dẹp khu rừng đã phát triển quá mức trong khu vực.
Căn cứ này đã bị bỏ hoang kể từ khi lực lượng Mỹ cuối cùng rời đi vào năm 1946.
“Nếu để ý trong vài tháng tới, các bạn sẽ thấy sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là ở phía Bắc Tinian. Không quân cũng đang bổ sung cơ sở vật chất tại sân bay quốc tế Tinian ở trung tâm hòn đảo”, tướng Wilsbach nói.
Tinian là một trong ba đảo chính của auần đảo Bắc Mariana, một lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cách đảo Hawaii khoảng 6.000km về phía tây. Chỉ có khoảng 3.000 người sống trên hòn đảo rộng 101km2 này.
Theo thông tin của Nikkei Asia, tướng Wilsbach không đưa ra mốc thời gian khi nào sân bay trên Tinian sẽ hoạt động.
Sân bay Tinian cùng Saipan và Guam gần đó đã phục vụ không quân Mỹ từ khá lâu.
Trong Thế chiến 2, sau khi kiểm soát cả 3 hòn đảo từ Nhật Bản, Mỹ đã biến các nơi này thành căn cứ của máy bay ném bom B-29 Superfortress để tấn công ngược lại Nhật.
Cuộc tấn công ném bom nguy hiểm nhất trong lịch sử diễn ra vào ngày 10-3-1945 ở Tokyo khiến 100.000 người thiệt mạng và 1 triệu người bị thương. Vụ ném bom này do những chiếc B-29 cất cánh từ ba hòn đảo thực hiện.
Trong suốt thời gian Nhật Bản bị ném bom năm 1945, sân bay North Field, với 4 đường băng dài hơn 2.400m và 40.000 nhân viên, đã trở thành sân bay lớn nhất và bận rộn nhất trên thế giới.
North Field chứng kiến một cột mốc lịch sử trong Thế chiến 2. Vào sáng sớm ngày 6-8-1945, máy bay ném bom B-29 tên Enola Gay lăn xuống đường băng Able, mang theo quả bom nguyên tử “Little Boy” và sau đó thả xuống thành phố Hiroshima, giết chết 70.000 người.
3 ngày sau, một chiếc B-29 khác, tên là Bockscar, cất cánh từ Tinian để thả quả bom nguyên tử tên “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki, giết chết 46.000 người trong vụ nổ đầu tiên.
Phần lớn sức mạnh không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương tập trung vào một số căn cứ không quân lớn, như căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam hay căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản.
Một cuộc tấn công vào những căn cứ đó có thể làm tê liệt khả năng đánh trả kẻ thù của quân đội Mỹ nếu Washington tập trung quá nhiều khí tài không quân ở đó.
Và khi Trung Quốc – quốc gia mà Lầu Năm Góc xác định là mối đe dọa hàng đầu – đang phát triển lực lượng tên lửa, Lực lượng không quân Mỹ phải tìm kiếm thêm địa điểm phân tán hạm đội, nhằm khiến việc bị nhắm mục tiêu trở nên khó khăn hơn với địch, theo Nikkei Asia.