Tuesday, December 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTự kỷ về lịch sử để thực hiện giấc mộng bá chủ...

Tự kỷ về lịch sử để thực hiện giấc mộng bá chủ Biển Đông

Dường như các quan chức Trung Quốc không ý thức được các quốc gia khác sẽ đánh giá lời nói và hành động của họ như thế nào, điều này dẫn đến chính sách…

Ông Ngô Sĩ Tồn, ảnh: hk.crntt.com.

The Straits Times ngày 18/5 đăng bài phỏng vấn các học giả đến từ Trung Quốc, Singapore và Anh để tìm hiểu tại sao các chuyên gia lịch sử và pháp lý quốc tế không thể chấp nhận cách giải thích lịch sử và pháp luật hiện đại của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là đường lưỡi bò 9 đoạn.

Hội chứng “tự kỷ về lịch sử” của các nhà lãnh đạo và học giả Trung Quốc

Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc thành lập ở Hải Nam được The Straits Times mô tả tỏ ra rất tự hào và phấn chấn khi khoe về kho lưu trữ “tài liệu lịch sử” của phía Trung Quốc: “Viện chúng tôi có những tài liệu lưu trữ và tài liệu lịch sử về Biển Đông từ thời cổ đại đến Trung Hoa Dân quốc.

Chúng bao gồm hình ảnh các tàu chiến Trung Quốc điều động để chiếm các đảo và rặng san hô ở Biển Đông sau khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối Chiến tranh Thế giới II. Nhiều phóng viên và các học giả nước ngoài đã rất ngạc nhiên sau khi thấy những bức ảnh này.”

Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Barack Obama, ông Bình tuyên bố quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại. Ông nhắc lại điều này 2 lần sau đó khi thăm Anh và Singapore.

Ông Ngô Sĩ Tồn nói: “Đối với nhiều thế hệ, chúng tôi đã được học trong sách giáo khoa địa lý từ cấp tiểu học rằng, các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc và đường 9 đoạn ăn sâu vào tiềm thức của chúng tôi. Có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào dám tuyên bố bỏ đường 9 đoạn hay các bãi triều thấp (ở Biển Đông)?”

Ngô Sĩ Tồn tuyên bố, Trung Quốc có rất nhiều dữ liệu lịch sử để chứng minh người Hán đã đi thuyền trên Biển Đông từ thời nhà Tây Hán, và các ngư dân Trung Quốc đã đánh cá ở Biển Đông nhiều thế hệ. Vì vậy Trung Quốc có “quyền lịch sử” đối với đánh cá và khai thác các tài nguyên cũng như quyền tự do hàng hải ở Biển Đông?!

Bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc – Chủ tịch Ủy ban Học thuật Viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc cùng ông Ngô Sĩ Tồn viết một bài báo khá dài để quảng cáo cho cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông đăng trên The National Interest và được truyền thông Trung Quốc phổ biến rộng rãi.

Trong bài báo này, bà Oánh và ông Tồn viết: “Nhân dân Trung Quốc không bao giờ quên đất nước mình đã bị chiếm đóng bởi quân đội đế quốc vào thế kỷ 20. Trong hơn một thế kỷ Trung Quốc phải chịu đựng sự sỉ nhục từ các cuộc xâm lược của ngoại bang.

Đó là lý do tại sao người dân và chính phủ Trung Quốc rất nhạy cảm trước bất cứ điều gì liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ và không cho phép điều này tái diễn. Đây là điều mà thế giới bên ngoài cần lưu ý khi tìm hiểu Trung Quốc và hãy cố gắng hiểu hành vi của Trung Quốc”, bà Oánh – ông Tồn viết.

Bà Phó Oánh, ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, The Straits Times lưu ý, theo quan điểm của các nước Đông Nam Á thì đâu phải chỉ Trung Quốc bị xâm lược mà chính nước này cũng đã xâm lược các nước láng giềng nhỏ hơn.

Mặt khác, lịch sử Trung Quốc bị sỉ nhục là chuyện của người Trung Quốc, điều đó không có nghĩa là yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông “nặng” thêm hay nhận được bất kỳ sự đặc cách nào khi xem xét tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Chính những hùng biện ngoại giao mạnh mẽ của các nhà ngoại giao và chủ nghĩa dân túy Trung Quốc như trên khiến các nhà quan sát lo lắng, Bắc Kinh đang kỳ vọng các nước láng giềng phải hành xử với Trung Quốc như “phiên thuộc với thiên triều”, “chư hầu với thiên tử” trong thời đại nhà Minh, nhà Thanh.

Giáo sư Wang Gungwu, Chủ tịch Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng dù không đến mức các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn trở lại thời kỳ Minh – Thanh buộc các nước láng giềng phải xưng thần và triều cống, nhưng vẫn còn rơi rớt trong họ một “cảm giác ưu việt”. 

“Nhiều người Trung Quốc vô tình tiết lộ những cảm giác họ ưu việt hơn trong lời nói, xuất phát từ tiềm thức, và họ thường không nhận thức được cảm xúc của các dân tộc khác.

Điều này càng nổi bật khi Trung Quốc đem lại lợi ích kinh tế cho các nước láng giềng, đặc biệt là một số trường hợp các nước tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc”, Giáo sư Wang Gungwu lưu ý.

“Nhà nước tự kỷ” không thể viết lại luật pháp quốc tế

Học giả Bill Hayton, Phó Giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Á thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House của Vương quốc Anh khẳng định, không có bất cứ bằng chứng khảo cổ nào cho thấy tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông trước thế kỷ 10.

Và đặc biệt các thương thuyền, tàu cá hoạt động ở Biển Đông thời kỳ này hoàn toàn thuần túy là hoạt động tự phát liên quan đến kinh tế, thương mại và không có bất cứ dấu ấn nào của một nhà nước xác lập và thực thi chủ quyền.

Ông Hayton bình luận, dường như các quan chức Trung Quốc không ý thức được các quốc gia khác sẽ đánh giá lời nói và hành động của họ như thế nào, điều này dẫn đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Một nhà ngoại giao cấp cao Đông Nam Á đã nói với Hayton, Trung Quốc không phải một quốc gia vĩ đại, mà là một nước lớn bị tự kỷ.

Khái niệm “nước lớn tự kỷ” được chiến lược gia quân sự người Mỹ Edward Luttwak đưa ra. Nó có nghĩa là các nước lớn không biết làm thế nào để điều chỉnh hành vi của mình một cách thích hợp do sự “vô hồn” của họ đối với mối quan tâm của các nước khác.

Bill Hayton nói với tờ Zaobao của Singapore: “Đường 9 đoạn hoàn toàn mâu thuẫn với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS. Nhưng Trung Quốc đang tìm mọi cách để sử dụng các luật quốc tế khác nhằm tạo cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn.

UNCLOS là một bộ luật quốc tế tương đối hiện đại và gần như tất cả các nước trên thế giới bao gồm Trung Quốc, đã tham gia đàm phán và xây dựng nên.

Trớ trêu thay, để tránh UNCLOS, Trung Quốc đang chuyển sang dựa vào pháp luật quốc tế truyền thống – một phiên bản của luật pháp chủ nghĩa đế quốc mà họ vẫn thường xuyên chỉ trích”.

Isaac B. Kardon, một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nói rằng, các chuyên gia pháp lý của Trung Quốc hiếm khi tiến hành nghiên cứu độc lập về tính hợp pháp của yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông. Họ dành hầu hết thời gian để tìm cách giải thích yêu sách hay tìm kiếm cơ sở pháp lý cho chúng.

Giáo sư Wang Gungwu thì đưa ra nhận xét: “Người Trung Quốc tin rằng luật pháp do con người làm ra, và có thể được giải thích lại thông qua tham vấn và đàm phán. Họ cũng tin rằng luật pháp quốc tế liên quan đến lợi ích chính trị. Đối với Trung Quốc, họ không tin rằng trật tự quốc tế là rõ ràng, khách quan và phải được thực hiện đầy đủ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới