Tuesday, December 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc trúng thầu thiết bị đường sắt: Phải chấp nhận vì...kém

Trung Quốc trúng thầu thiết bị đường sắt: Phải chấp nhận vì…kém

Ngành cơ khí Việt Nam chưa làm được toa xe container hoàn chỉnh, trong khi chỉ có Trung Quốc còn sản xuất toa xe khổ 1m.

Trung Quốc trúng gói thầu thiết bị đường sắt

Việt Nam chưa làm được

Liên danh Công ty Hữu hạn thương mại Tam Nguyên Hà Khẩu và Công ty Hữu hạn Toa xe Trường Giang Trung Xa (Trung Quốc) vừa trúng thầu Gói thầu GS4 – Mua 500 giá chuyển hướng toa xe hàng khổ đường 1m.

Gói thầu thuộc Dự án Đóng mới 250 toa xe container do ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I (trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) làm bên mời thầu.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 18/5, PGS.TS Bùi Xuân Phong – Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam cho biết:

“Việc chúng ta nhập khẩu các sản phẩm trên của Trung Quốc cũng không có gì lạ, bởi vì, Việt Nam hoàn toàn chưa thể làm được.

Thậm chí nếu làm thì giá thành cũng đắt hơn của Trung Quốc rất nhiều, trong khi nhập rẻ hơn không mất công chế tạo, thậm chí bền hơn. Đặc biệt, toa xe cho đường sắt khổ 1m hiện nay cũng chỉ còn Trung Quốc sản xuất, nên đây là lựa chọn tất yếu”.

Theo ông Phong, sản xuất ra toa xe lửa, khó nhất là hệ thống di động gầm bên dưới cần đến kỹ thuật đúc, còn khung bên trên, gò hàn thì kỹ thuật cũng bình thường, không khó, kỹ sư cơ khí Việt Nam vẫn làm được.

Về chất lượng sản phẩm nhập khẩu, ông Phong tin chắc rằng sẽ đảm bảo, bởi vì, trước đây, toa xe, đầu máy là của nhà nước, còn bây giờ đã tiến hành cổ phần hóa, các công ty tự đi mua toa xe để chạy, vận chuyển hàng, nên họ phải tự đảm bảo lợi nhuận khai thác.

Cho nên chắc chắn các hợp đồng mua bán sẽ xem xét kỹ từ đặc tính, kết cấu, vật liệu, độ bền, công suất, tất cả đều được đánh giá đầy đủ. Chỉ cần thiết bị nhập về đảm bảo tuân theo quy định của nhà nước, phù hợp chiến lược công nghệ.

Về khối lượng vận chuyển hàng hóa của đường sắt hiện nay, ông Phong nhận định:

“Sau khi đường bộ làm chặt vấn đề xe quá tải, một số chủ hàng cũng chuyển qua đường sắt. Tuy nhiên, từ khi sập cầu Ghềnh phải chuyển tải, nên lượng hàng cũng giảm.

Chỉ có duy trì được luồng hàng không thể thay thế vận chuyển bằng loại hình khác như Apatid, quặng…từ Lào Cai về phía Nam. Toa xe trong đường sắt có hai chiều, chiều nặng và chiều rỗng nên giá cước cao hơn so với loại hình khác”.

Băn khoăn vì lãng phí

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội lại lo ngại, hiện nay, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt vô cùng ít, sản lượng vận chuyển đường bộ chiếm ít nhất 50% tổng lưu lượng vận chuyển, trong khi đường sắt chỉ chiếm 2%, đường biển chiếm khoảng trên 30% do có lợi thế từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong đó, khối lượng vận chuyển bằng container khoảng 9% khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt, như vậy nhập thêm toa xe liệu có lãng phí.

Hơn nữa, toa xe lại được mua phục vụ cho khổ đường 1m, mà theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt, nâng cấp lên khổ đường 1.435mm.

“Tôi chỉ thiết nghĩ, nếu đầu tư mua đắt tiền, sau một thời gian dùng bỏ đi thì vô cùng lãng phí. Chi bằng mua lại toa xe cũ, sử dụng cũng ít nhất 20-25 năm, đợi đến lúc thay đổi khổ đường”, ông Liên nhấn mạnh.

Bởi hiện nay nhu cầu vận chuyển không quá nhiều, các chủ hàng đã từng áp dụng cả 3 phương thức vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển từ Hà Nội vào TP HCM nhưng cuối cùng vẫn quay về với đường bộ vì tính năng động, tiện lợi của nó.

Ông Liên phân tích: “Đường biển tuy chi phí rẻ nhất nhưng phải vận chuyển quá dài ngày trong khi với thị trường, hàng hóa được vận chuyển nhanh ngày nào là lợi ngày đấy.

Đường sắt thì giá cước vận chuyển không rẻ hơn đường bộ là bao nhưng vận chuyển phức tạp, mất thời gian, khâu vận chuyển hàng từ nơi sản xuất lên tàu, từ tàu về kho cũng khiến chi phí đội lên.

Vận tải đường bộ tuy giá cao nhất, không an toàn nhưng lại năng động, mất ít thời gian và đáp ứng được yêu cầu hàng hóa thị trường nên được các chủ xe chuộng”.

Cụ thể, theo ông Liên, cước vận chuyển bằng đường sắt cao hơn vận tải đường biển khoảng 15%, mà khách hàng còn phải tự chuyển hàng ra điểm tập kết của nhà tàu mới chuyển đi được. Trong khi các loại hình vận tải khác thường sắp xếp để có thể vào tận nhà máy vận chuyển.

Vì thế, nên việc đầu tư thêm nhiều toa xe mới, bản thân ông Liên rất lo ngại về bài toán hiệu quả kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới