Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ ngồi trên đống lửa vì 'sát thủ đảo Guam' Trung Quốc

Mỹ ngồi trên đống lửa vì ‘sát thủ đảo Guam’ Trung Quốc

Có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách gần 5.500 km, tên lửa DF-26 Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với các cơ sở quân sự Mỹ cũng như sự ổn định ở Thái Bình Dương.

Xe chở tên lửa DF-26 “sát thủ đảo Guam” của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Ủy ban Hợp tác An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung tuần trước đưa ra bản báo cáo cảnh báo về sự nguy hiểm của loại tên lửa DF-26, mệnh danh “sát thủ đảo Guam”, trong kho vũ khí Trung Quốc, trước bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang sau vụ việc chiến hạm Mỹ tiến sát đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang bồi đắp trái phép, theo CNN.

Trung Quốc ra mắt DF-26 từ tháng 9 năm ngoái. Loại tên lửa tầm trung này có khả năng vươn tới tận lãnh thổ Mỹ. “So sánh với những vũ khí quân sự khác của Trung Quốc đủ sức vươn tới đảo Guam, tên lửa đạn đạo DF-26 đi trước hàng thập kỷ”, bản báo cáo cho hay.

Dù công nghệ dẫn đường Trung Quốc hiện chưa thể tạo ra mối đe dọa nào quá lớn nhưng báo cáo cũng lưu ‎ý rằng vì Bắc Kinh vẫn đầu tư mạnh tay cho công cuộc hiện đại hóa quân đội nên nguy cơ rủi ro sẽ không ngừng gia tăng.

Mối nguy tiềm ẩn

Ủy ban Hợp tác Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung thành lập năm 2000 nhằm rà soát, đánh giá các vấn đề tồn tại giữa hai cường quốc Thái Bình Dương. Ủy ban có nhiệm vụ đệ trình lên quốc hội Mỹ báo cáo thường niên về quan hệ hai nước, từ đó khuyến nghị các giải pháp phù hợp.

Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra, là địa điểm mang ý nghĩa chiến lược bởi từ đây Washington vừa có thể triển khai lực lượng qua Thái Bình Dương vừa giữ được khoảng cách an toàn với các mối nguy tiềm tàng, bao gồm cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Theo đánh giá từ hãng tư vấn RAND, Andersen là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở bờ tây Thái Bình Dương không bị đe dọa bởi các tên lửa đạn đạo truyền thống.

Một nghiên cứu đăng tải trên trang web Misslethreat.com thuộc Viện George Marshall, Washington, hồi năm ngoái cho biết “trước khi triển khai tên lửa DF-26, Trung Quốc chỉ có một cách để tấn công Guam là dùng máy bay ném bom chiến lược H-6K. Nhưng hiệu quả tấn công từ phi cơ này không cao nếu phải đối diện với hệ thống phòng thủ chặt chẽ của quân đội Mỹ”.

Khoảng 6.000 lính Mỹ hiện đồn trú tại căn cứ Guam. Không quân Mỹ cũng điều động thường xuyên các loại máy bay ném bom B-1, B-2, B-52 cùng hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại tới Andersen. Hải quân Mỹ có 4 tàu ngầm tấn công đóng tại Apra và có thể biến căn cứ Anderson thành điểm tiếp nhiên liệu cho tàu chiến nếu cần.

Guam cách Bắc Kinh 4.000 km, nằm ngoài phạm vi của hầu hết các tên lửa tầm trung truyền thống Trung Quốc. Nhưng tên lửa DF-26 có tầm bắn lên đến 5.500 km, do vậy nơi đây hoàn toàn nằm trong tầm công kích của “sát thủ” này.

RAND ước tính một đợt không kích sử dụng khoảng 100 tên lửa DF-26 sẽ buộc căn cứ không quân Anderson phải đóng cửa không tiếp nhận máy bay cỡ lớn trong 11 ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến DF-26 trở thành mối đe dọa đối với an ninh, ổn định của khu vực châu Á –  Thái Bình Dương, đặc biệt tại những địa điểm đang xảy ra tranh chấp trên Biển Đông.

“Lãnh đạo Trung Quốc sẽ sẵn sàng dùng tới các biện pháp quân sự nếu họ cô lập được Guam”, bởi đây là điểm chiến lược giúp quân đội Mỹ củng cố lực lượng nhằm tăng cường khả năng hoạt động về phía tây, báo cáo nhấn mạnh đồng thời thêm rằng dù mới ra mắt cách đây không lâu nhưng tên lửa DF-26 hoàn toàn có thể triển khai tác chiến ngay lập tức.

my-ngoi-tren-dong-lua-vi-sat-thu-dao-guam-trung-quoc-1

Tàu khu trục tên lửa USS William P. Laurence mà hải quân Mỹ điều áp sát đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép. Ảnh: USNI

Thời điểm báo cáo được công bố cũng là lúc hải quân Mỹ cử tàu tới gần đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đang bồi đắp trái phép và xây dựng ở đây một đường băng quân sự ở đây. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, điều máy bay, chiến hạm bám đuôi tàu Mỹ.

Đây là lần thứ ba Mỹ điều tàu chiến tới thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Washington khẳng định việc điều động này nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế nhưng nó vẫn khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

“Các hành động khiêu khích của tàu chiến và máy bay Mỹ thể hiện nước này có âm mưu gây bất ổn khu vực nhằm trục lợi. Nó cũng cho thấy việc Trung Quốc xây dựng những cơ sở phòng vệ tại các đảo là điều cần thiết”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố.

Đáp lại, Washington khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự cần thiết. “Mỹ sẽ hoạt động trên không và trên biển tại bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép. Điều này áp dụng không chỉ ở Biển Đông mà còn đối với mọi nơi khác trên thế giới”, một thông cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới