Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBùng nổ khách nội địa và quốc tế năm 2023, ngành du...

Bùng nổ khách nội địa và quốc tế năm 2023, ngành du lịch đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2024

Trong bối cảnh kinh tế được dự đoán còn nhiều khó khăn, tâm lý khách hàng thay đổi, việc làm mới sản phẩm du lịch cũng như tạo sự khác biệt được đánh giá là hướng đi bắt buộc để các doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong năm 2024.

Khách nước ngoài tham quan Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1).

Năm 2023, Việt Nam ước đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách đề ra từ đầu năm và “cán đích” mục tiêu 12,5-13 triệu lượt theo điều chỉnh hồi tháng 10. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỉ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Về đích nhưng chưa phục hồi

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được vinh danh là “Cơ quan Quản lý Du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng Du lịch Quốc tế 2023 (WTA), Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”.

Bên cạnh đó, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch của Việt Nam đạt các giải thưởng danh giá ở các hạng mục khác.

Điểm nổi bật của ngành du lịch năm 2023 là sự bùng nổ của thị trường khách nội địa và quốc tế, theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report. Theo đó, chính sách thị thực (visa) thông thoáng là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường inbound. Dù tốc độ tăng trưởng về lượng khách khả quan, chưa thể coi ngành du lịch đạt thành công lớn trong năm 2023 khi mới phục hồi gần 70% so với năm 2019, trước đại dịch.

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Flamingo Holding Group – đánh giá, năm 2023 là năm du lịch Việt Nam từng bước phục hồi cả ba thị trường nội địa, thị trường khách inbound và outbound. Khách tăng, nhưng không tỉ lệ thuận với chi tiêu và thời gian lưu trú. Doanh thu từ du lịch của các doanh nghiệp cũng chưa khả quan, trong bối cảnh khách có xu hướng hạn chế chi tiêu, du lịch tự túc hoặc mua dịch vụ lẻ, thay vì đặt tour trọn gói như trước dịch.

Đồng quan điểm, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Vietluxtour, đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mới đạt khoảng 60% so với trước dịch. Dù vậy, đó cũng là tín hiệu khá tích cực, trong bối cảnh ngành du lịch toàn vẫn phải chịu ảnh hưởng từ những bất ổn về chính trị như xung đột Nga – Ukraina hay trên Dải Gaza, phí xăng dầu tăng cao, lạm phát…

Bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Kinh doanh của Mustgo cho rằng, du lịch chưa hoàn toàn phục hồi bởi khách nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong vấn đề đi lại giữa các nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho 3 quý đầu năm 2023, nền du lịch Việt Nam vẫn dựa vào khách nội địa khoảng 60%.

“Trong năm 2023, kinh tế trở nên khó khăn; người dân thắt chặt chi tiêu; trong khi đó, giá phòng khách sạn lại tăng lên; giá vé máy bay cũng tăng lên; các quốc gia Đông Nam Á kích cầu du lịch giá rẻ… Tất cả những điều này khiến cho lượng khách du lịch nội địa tại các điểm du lịch trong nước giảm hẳn so với 2022, trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều và thời gian cũng khá muộn, chưa đủ để giúp tình hình thị trường trở về cân bằng”, đại diện nền tảng du lịch trực tuyến là đối tác của hơn 2.000 khách sạn trên toàn quốc bày tỏ.

Hướng đến 2024

Trả lời Lao Động, ông Caesar Indra – Chủ tịch Traveloka, bày tỏ quan điểm lạc quan thận trọng về khả năng du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.

“Khi nền kinh tế đất nước đang dần phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ du lịch trong nước và quốc tế và điều này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm tới” – ông Indra nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đón 14-15 triệu lượt khách nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu về doanh thu là chỉ tiêu được các doanh nghiệp kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhất với 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu này sẽ tăng trong năm 2024; theo sau là lợi nhuận và lượt khách với 85,7%.

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám Đốc Flamingo Holding Group tin tưởng rằng, thành tựu trong năm 2023 sẽ thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng tốc trong năm 2024. “2023 là năm rất thành công về các sự kiện hợp tác, ngoại giao. Các sự kiện này đã góp phần vào việc quảng bá du lịch, hình ảnh của Việt Nam đến với quốc tế”, ông Hoan nói và kể đến những sự kiện góp phần lan tỏa như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân đi dạo Hồ Gươm; Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe trên các tuyến phố Hà Nội…

Hướng đến năm 2024, chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị những sản phẩm có tính khác biệt để tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế được dự đoán còn nhiều khó khăn, tâm lý khách hàng thay đổi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới