Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCanh bạc nguy hiểm

Canh bạc nguy hiểm

16 tháng và một tuần là con số đáng chú ý trong quan hệ giữa Quân đội Mỹ và Quân đội Trung Quốc. Mới đây lãnh đạo Bộ quốc phòng Trung Quốc lại chỉ trích quân đội Mỹ đang sa vào “canh bạc nguy hiểm”.

Chẳng là hôm cuối tháng 12, sau 16 tháng “từ mặt” nhau, Trung Quốc và Mỹ vừa nối lại liên lạc quân sự cấp cao. Thế nhưng không khí tưởng như “nồng ấm” ấy đã nhanh chóng ghẻ lạnh khi Trung Quốc chỉ trích Mỹ “kích động đối đầu”. Chẳng phải ai xa lạ, chính Mỹ đã kích động Đài Loan chơi trò hỗn láo với Đại Lục khi cuộc bầu cử ở Hòn đảo sắp đến.

Cũng rất lạ vì hôm 29/12, Trung Quốc vừa bổ nhiệm ông Đổng Quân làm Tân Bộ trưởng Quốc phòng của nước này. Thượng tướng Đổng Quân, 62 tuổi, lại có vẻ như không có va chạm gì với Lầu năm Góc. Theo học giả quan hệ quốc tế Li Mingjiang (Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam – Singapore): “Ông Đổng đã quen với việc quản lý các cuộc đụng độ xuýt xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này rất hữu ích khi ông ấy phải giải quyết các cuộc khủng hoảng giữa quân đội hai nước”.

Còn trước đó, trong 7 tháng tại vị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc chưa lần nào gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Phía Trung Quốc giải thích có sự đóng băng trong quan hệ là do Washington không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà họ áp lên ông Lý vào năm 2018. Phía Mỹ “phạt” ông Lý vì ông liên quan việc mua máy bay và thiết bị của Nga khi còn là giám đốc Cục Phát triển vũ khí của quân đội Trung Quốc.

Chuyện quốc gia đại sự mà thật lằng nhằng (!)

Nhưng thôi, những tưởng đến ông Bộ trưởng mới Đổng Quân thì mọi việc sẽ êm đẹp. Cả hai bên đã cam kết sẽ nỗ lực khôi phục lại liên lạc để tránh những hiểu lầm và tính toán sai lệch. Lầu Năm Góc nhấn mạnh cần “làm nhiều hơn” để bảo đảm việc liên lạc quân sự luôn cởi mở và hiệu quả thực chất đáng.

Vậy mà sự khởi đầu cho cái bắt tay hữu hảo giữa hai cường quốc đã có sự cản ngại.

Theo các nhà phân tích, những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên, cùng với các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (bị bãi nhiệm hồi tháng 10/2023) là nguyên nhân trực tiếp khiến Bắc Kinh từ chối thẳng thừng việc khôi phục các kênh liên lạc quân sự với Washington.

Bức tường ngăn cách vừa bị phá bỏ thì thật bất ngờ hôm 28/12, Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ việc tiếp tục can thiệp vào hoạt động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, duy trì thứ tư duy “Chiến tranh Lạnh” lỗi thời.

Người phát ngôn Ngô Khiêm cảnh cáo: “Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của hành động này là nhằm phục vụ những mưu toan ích kỷ của mình và duy trì quyền bá chủ. Thực chất là để kích động đối đầu.

Trước đó, Lầu Năm Góc hy vọng hai nước có thể phục hồi rộng rãi hơn trong quan hệ quân sự qua hội nghị truyền hình giữa Đại tướng Charles Brown của Mỹ và đại diện phía Trung Quốc, Thượng tướng Lưu Chấn Lập. Phía Trung Quốc trông đợi Washington sẽ “thực hiện các hành động cụ thể dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của mối quan hệ quân sự giữa hai nước”.

Thực tế thay đổi đến chóng mặt.

Khi nói đến Đài Loan, Bắc Kinh cáo buộc chính quyền hòn đảo này cố tình thổi phồng mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc để trục lợi trước thềm bầu cử vào ngày 13/1 sắp tới. Nhân dịp này Wasinghton đã cố tình nhúng tay can thiệp, trắng trợn nhất là việc bán vũ khí cho hòn đảo này. Những tiếp xúc mang tính chính thức và quân sự với Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào đều là một canh bạc rất nguy hiểm.

Thật ra, Đài Loan, hay cuộc bầu cử sắp tới ở đây chỉ là cái cớ để Trung Quốc và Mỹ đổ lỗi cho nhau. Cằng thẳng Mỹ-Trung chủ yếu vẫn thông qua đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Hiện nay, ở xứ Cờ hoa, xu hướng bảo thủ, dân túy vẫn gia tăng, khiến chính sách đối ngoại, nhất là chính sách đối với Trung Quốc, ngày càng cứng rắn. Còn ở quê hương của chủ nghĩa Đại Hán, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ngày càng gây sức ép mạnh mẽ lên chính sách đối ngoại. Thế cho nên bất đồng giữa hai quốc gia ngày càng khó giải quyết.

Căng thẳng Mỹ – Trung bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2030, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Tuy nhiên, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), thì GDP của Trung Quốc hiện nay (12/2023) đã vượt Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc cũng là hai cường quốc thương mại. Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ nhì thế giới. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới. Trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ có dấu hiệu suy giảm còn Trung Quốc đang bộc lộ tham vọng thay thế Mỹ ở vị trí thống lĩnh bàn cờ địa chính trị thế giới, sự căng thẳng trên đường đua là một tất yếu.

Hai đối thủ đang gầm ghè nhau trên đường về đích không thể có sự nhân nhượng để mong “cả hai cùng thắng”. Nhưng đó là câu chuyện đại sự. Trở lại chuyện hai Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc vừa nối lại liên lạc đã vội choảng nhau bươu đầu sứt trán cũng chẳng có gì lạ.

“Canh bạc nguy hiểm” chẳng ai chơi được một mình.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới