Thursday, November 21, 2024
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaQuần đảo Hoàng Sa nhìn lại 50 năm đã qua

Quần đảo Hoàng Sa nhìn lại 50 năm đã qua

Ngày 19/1/2024 là tròn 50 năm Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 1/1974, lợi dụng tình thế quân đội Việt Nam Cộng hòa đang phải tập trung đối phó với quân đội Bắc Việt và bị Mỹ bỏ rơi, Trung Quốc đã tập trung lực lượng hải quân để phát động cuộc tấn công vũ lực chống lại hải quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đỉnh điểm là cuộc hải chiến đẫm máu ngày 19/1/1974 để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, khiến 64 sĩ quan và binh sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh. Như vậy, kể từ năm 1974 Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Trong suốt 50 năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực củng cố sự hiện diện phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa, ngay trong năm 1974 Trung Quốc ban hành “Quy tắc kỹ thuật kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa”, trong đó thành lập “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa” (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa); năm 2020 Trung Quốc tiến hành sửa đổi bản quy tắc này, trong đó gọi vùng biển giữa Hải Nam và Hoàng Sa là “vùng ven biển” thay cho cụm từ “vùng biển ngoài khơi” nhằm biến vùng biển này thành nội thủy của Trung Quốc với 28 điểm cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Tháng 7/2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm với mưu đồ nhằm thâu tóm cả các đảo ở Biển Đông.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp mở rộng các thực thể ở Hoàng Sa, xây dựng các căn cứ quân sự với sân bay, đường băng cho máy bay chiến đấu và cầu cảng lớn cho tàu chiến các loại có thể neo đậu. Bắc Kinh đã triển khai máy bay chiến đấu, UAV tàng hình, bố trí tên lửa và các trang thiết bị quân sự trên các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, biến nơi đây thành các tiền đồn quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc còn liên tục tiến hành diễn tập quân sự bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ra, Trung Quốc đã triển khai các tour du lịch ra quần đào Hoàng Sa, xây dựng siêu thị, các nhà hàng trên các thực thể ở Hoàng Sa, tập trung ở Phú Lâm nhằm dân sự hóa các hoạt động ở Hoàng Sa với mục tiêu hợp pháp hóa sự chiếm đóng bất hợp pháp của họ ở Hoàng Sa. Mặt khác, các lực lượng chức năng của Trung Quốc thường xuyên ngăn cản, uy hiếp tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa; tàu hải cảnh, tàu dân quân nhiều lần truy đuổi, đâm va, phun vòi rồng, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa này.

 Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực kể trên của Trung Quốc đều là vô nghĩa bởi các hoạt động này đều là bất hợp pháp. Bắc Kinh sẽ không bao giờ có thể xác lập được chủ quyền đối với Hoàng Sa vì những lý do sau:

Thứ nhất, chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ (dù là các đảo hay quần đảo) phải được thực hiện theo các nguyên tắc pháp lý về thụ đắc lãnh thổ. Theo đó, việc xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải đảm bảo các tiêu chí chính sau: (i) Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành; (ii) Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (res derelictae). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ là hành động phi pháp; (iii) Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó; (iv) Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Chiểu theo những tiêu chí nói trên thì việc chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa là hoàn toàn bất hợp pháp. Trước hết, Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực khi tấn công các tàu của Hải quân Việt Nam Cộng hòa vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 ghi rõ, lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. 

Cần phải nhấn mạnh rằng cho đến thời điểm Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Hoàng Sa, Việt Nam Cộng hòa đang quản lý và thực thi chủ quyền hợp pháp ở Hoàng Sa theo Hiệp định Geneve năm 1954 (theo đó, Việt Nam Cộng hòa quản lý tất cả các vùng đất từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam tức là bao gồm quần đảo Hoàng Sa).

Trung Quốc đưa ra lập luận nước này phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa bằng việc năm 1909 đô đốc Lý Chuẩn đã dẫn đầu 2 chiến hạm Phục Ba và Sâm Hạm cùng 170 quan binh đến “thu phục Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa)”. Cần phải nhấn mạnh rằng khi đô đốc Lý Chuẩn cùng 2 chiến hạm tới Hoàng Sa thì lúc đó quần đảo này không phải còn là vô chủ bởi ít nhất từ thế kỷ 16-17, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa. Hiện Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều Châu bản của triều đình nhà Nguyễn chứng minh triều đình đã cử các đội tàu với tên gọi “Hải đội Hoàng Sa” ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khảo sát, tiến hành đo đạc vẽ bản đồ, khai thác hải sản, cứu vớt tàu thuyền nước ngoài bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Năm 1816, vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa để cắm cờ, khẳng định chủ quyền. Như vậy, trước khi Lý Chuẩn tới Hoàng Sa thì nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thực thi chủ quyền ở quần đảo này từ 200 đến 300 năm trước đó.

Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Hiện tại các trung tâm lưu trữ tại Pháp và Việt Nam còn lưu giữ nhiều văn bản của chính quyền bảo hộ Pháp về việc này. Đến năm 1956, Pháp rút khỏi Việt Nam chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính quyền Bảo Đại và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa theo các điều khoản của Hiệp định Geneve năm 1954.

Như vậy, theo nguyên tắc pháp lý về thụ đắc lãnh thủ thì các nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến (thế kỷ 16-17) đã xác lập, thực thi chủ quyền và quản lý hợp pháp quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục. Trung Quốc sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn bất hợp pháp.

Thứ hai, trong 50 năm qua, bất chấp việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam luôn lên tiếng phản đối các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo này, do vậy mà danh nghĩa chủ quyền đã được xác lập đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không hề mất đi.

Từ sau khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đến ngày 30/4/1975 Việt Nam hoàn toàn thống nhất, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra nhiều tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc như: ngay trong ngày 19/1/1974 ra “Tuyên cáo của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về những hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực đảo Hoàng Sa”; ngày 14/2/1974  ra “Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng hòa”; năm 1974, Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Cục Tâm lý chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa xuất bản Tài liệu “Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa”; năm 1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra “Sách trắng về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Việt Nam Cộng hòa cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, phản đối hành động của Trung Quốc trước Liên hợp quốc; đề nghị các quốc gia đồng minh đưa vấn đề Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc, trong đó có việc ngày 20/1/1974 ra Tuyên bố phản đối hành động xâm lược Hoàng Sa của Trung Quốc. Sau ngày tiếp quản miền Nam (30/4/1975), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Vào ngày 5/6/1976, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên tiếng khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.

Chính quyền của nước Việt Nam thống nhất được thành lập trên cơ sở hợp nhất chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và phản đối việc Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; nhất mạnh bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Ngoài ra, không chỉ có Việt Nam trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Hoàng Sa, nhất là việc Bắc Kinh bồi đắp mở rộng các thực thể và quân sự hóa Hoàng Sa. Mỹ đi đầu trong việc triển khai các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Hoàng Sa với việc cho các các tàu chiến Mỹ đã nhiều lần đi cắt ngang qua quần đào Hoàng Sa nhằm phá bỏ “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc ngang nhiên vạch ra ở quần đảo này, bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở khu vực Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung.

Tóm lại, dù hiện nay, Trung Quốc đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, nhưng theo luật pháp quốc tế, việc dùng vũ lực để chiếm đóng, kiểm soát một vùng lãnh thổ đang thuộc chủ quyền của nước khác là không thể chấp nhận được. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong suốt 50 năm qua, các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ không ngừng phản đối việc chiếm đóng và các hành động Trung Quốc triển khai ở Hoàng Sa, điều này khiến danh nghĩa về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa không hề bị suy yếu đi mà sẽ trường tồn theo thời gian. Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới