Theo dữ liệu chính thức do chính phủ Trung Quốc công bố, năm 2022, lần đầu tiên trong hơn 60 năm, Trung Quốc đã ghi nhận dân số nước này bị sụt giảm. Năm 2022, dân số Trung Quốc đã giảm khoảng 850.000 người và sẽ tiếp tục giảm trong vài thập kỷ tới. Thực trạng này sẽ tác động sâu sắc đến thế giới.
Tháng 4/2023, Ấn Độ chính thức vươn lên trở thành quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu này thay thế Trung Quốc kể từ thế kỷ 21 trở đi, khi dân số nước này tiếp tục tăng lên, trong khi dân số Trung Quốc thì ngày càng giảm đi. Dự kiến, dân số của Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và chạm mốc 1,7 tỷ người trong vòng chưa đầy 40 năm nữa, tức vào khoảng năm 2060, trước khi dân số nước này đạt mức ổn định và giảm nhẹ vào cuối thế kỷ. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình kéo dài hàng thập kỷ. Trong khi đó, tốc độ sụt giảm của dân số Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trong vòng chưa đầy 30 năm nữa. Vào năm 2050, có khả năng dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 100 triệu đến 200 triệu người so với con số hiện tại. Đến năm 2100, dân số sẽ chỉ còn khoảng 800 triệu người mà thôi. Đây là sự sụt giảm dân số nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đến thời điểm đó, dân số Trung Quốc có thể chỉ bằng một nửa so với dự báo dân số của Ấn Độ, ước tính là từ 1,6 đến 1,7 tỷ người.
Hiện nay, dân số Trung Quốc chiếm khoảng 18% dân số thế giới, trong suốt hàng thế kỷ từ những năm 1700 trở lại đây, gần 1/5 dân số thế giới luôn sống tại Trung Quốc. Quy mô dân số vô cùng lớn như vậy đã giúp cho chính phủ Trung Quốc gây dựng tầm ảnh hưởng to lớn trong các vấn đề toàn cầu trong hàng trăm năm qua.
Bởi trong khi dân số Trung Quốc đang bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài, dân số của Mỹ- đối thủ chính trị lớn nhất của Trung Quốc, lại sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Cũng theo dự báo của Liên Hợp Quốc, cuối thế kỷ thứ 21, dân số của Mỹ có thể tăng từ mức hiện tại lên khoảng 400 triệu người, tương đương với một nửa dân số 800 triệu người của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra một cục diện hoàn toàn khác so với hiện tại gây bất lợi cho Trung Quốc.
Nếu bây giờ xảy ra xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh Trung Quốc vẫn chiếm được lợi thế vì sẵn có nguồn lực dân số để tận dụng. Nhiều quốc gia trong mạng lưới đồng minh của Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số đáng kể, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý… Tuy nhiên, cũng có những quốc gia khác trong liên minh như Mỹ, Úc, Canada và Pháp, dân số vẫn tăng trưởng liên tục. Điều đó có nghĩa mạng lưới đồng minh do Mỹ cầm đầu tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và Đông Á có khả năng vẫn giữ nguyên tổng số dân trong thế kỷ 21. Vào một thời điểm trong tương lai không quá xa sau năm 2050, mạng lưới đồng minh phương Tây của Mỹ sẽ bắt đầu tiến gần đến mốc dân số và nguồn nhân lực Trung Quốc đang sở hữu. Mỹ sẽ có thêm một lợi thế về dân số bên cạnh những lợi thế về công nghệ quân sự và tài chính mà Mỹ đã có từ trước.
Từ giờ đến hết thế kỷ 21, việc dân số của Trung Quốc ngày càng giảm đi sẽ tác động sâu sắc và có ảnh hưởng to lớn đến chính sách ngoại giao cũng như sự hiện diện chính trị trên trường quốc tế của cả Trung Quốc và Mỹ trong tương lai. Đặc biệt là khi Trung Quốc đang cân nhắc khả năng và thời điểm hợp lý để tiến hành triển khai quân tấn công Đài Loan. Trung Quốc cũng nhận ra cánh cửa của việc sở hữu sức mạnh về dân số để thiết lập trật tự thế giới cũng như kiểm soát chính trị trên đảo Đài Loan đang dần đóng lại và rất có thể sẽ đóng lại hoàn toàn vào đầu những năm 2030. Vì vậy, vấn đề sáp nhập Đài Loan của Trung Quốc đang được thôi thúc hơn bao giờ hết, Trong 8 năm tới, chính là thời cơ tốt nhất để sáp nhập đảo Đài Loan – theo nhận định của nhiều người.
Vậy, lý do gì đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng dân số giảm mạnh
Trên thực tế, từ thời nhà Thanh vào đầu thế kỷ thứ 17, Trung Quốc đã liên tục là quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần 4 thập kỷ từ năm 1911 đến năm 1948, Trung Quốc đã phải trải qua nội chiến cũng như những cuộc tấn công từ bên ngoài làm chết rất nhiều người, đã kìm hãm sự tăng trưởng của dân số nước này. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi đã lật đổ triều đại nhà Thanh tồn tại gần 300 năm và nó cũng chấm dứt luôn hơn 2.500 năm cai trị của chế độ phong kiến Trung Quốc. Khi nhà Thanh bị lật đổ, Trung Quốc rơi vào một tình thế hỗn loạn, các vùng có sắc tộc riêng như Mông Cổ và Tây Tạng tuyên bố độc lập. Chính phủ trung ương tự xưng là Trung Hoa Dân Quốc đã không thể duy trì được quyền kiểm soát đất nước.
Đến năm 1927, đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã bắt đầu một cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ với chính phủ Quốc dân Đảng. Cuộc chiến tàn khốc này đã bị gián đoạn một thời gian khi Nhật Bản, nhân tình hình hỗn loạn nội bộ của Trung Quốc, đã xâm lược và chiếm đóng Mãn Châu vào năm 1931, sau đó tiến hành càn quét khắp Trung Quốc từ năm 1937 đến năm 1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người.
Trong thời gian bị Nhật đánh, Chính phủ Quốc dân Đảng và đảng Cộng sản Trung Quốc tạm thời gác lại nội chiến để cùng nhau chống ngoại bang. Năm 1945, sau khi đánh lùi quân Nhật, hai phe Quốc – Cộng tiếp tục đánh nhau thêm 4 năm nữa cho đến năm 1949. Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng cũng đã giành chiến thắng và tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên lãnh thổ đại lục mà chúng ta biết. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút về đảo Đài Loan và nắm quyền kiểm soát hòn đảo này cho đến ngày nay.
Không có bất cứ hiệp định hay lệnh ngừng bắn nào được ký kết giữa hai bên, vì vậy có thể coi cuộc nội chiến Quốc-Cộng vẫn là chưa kết thúc.
Sau khoảng 40 năm chiến tranh và nội chiến liên miên trên khắp đất nước cướp đi sinh mạng của hơn 30 triệu người làm giảm tốc độ tăng trưởng của dân số Trung Quốc. Nhưng sau năm 1951, với sự tập trung quyền lực của một chính phủ duy nhất là Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã trỗi dậy từ hố sâu hỗn loạn, từ đó xây dựng một thời kỳ tương đối hòa bình và ổn định; Trung Quốc đại lục và Đài Loan vẫn âm ỉ, nhưng chỉ là chiến tranh lạnh mà thôi đã giúp tỷ lệ sinh tăng cao hơn.
Một đợt bùng nổ dân số tương tự như những đợt bùng nổ dân số xảy ra ở châu Âu với Bắc Mỹ sau chiến tranh đã diễn ra tại Trung Quốc. Chỉ trong vòng 25 năm, từ năm 1950 đến năm 1975, dân số Trung Quốc đã tăng vọt thêm gần 66%, ngay cả khi đã tính đến nạn đói nghiêm trọng trong thời kỳ Đại nhảy vọt kéo dài từ năm 1959 đến năm 1961, khiến khoảng 50 triệu người thiệt mạng, dân số Trung Quốc vẫn tăng thêm khoảng 370 triệu người. Năm 1960 và 1961 là 2 năm duy nhất mà dân số Trung Quốc giảm trong thế kỷ 20. Vào năm 1970, trung bình mỗi phụ nữ Trung Quốc sinh tới 6,1 con, trong khi đó phụ nữ ở Mỹ và Đức chỉ sinh trung bình 2,3 con.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thời điểm đó đã lo ngại rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề rất lớn, đó là quá tải dân số. Điều đó sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe và cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng cho số lượng trẻ mới sinh tăng đột biến. Vì vậy, để đối phó với mối nguy hại quá tải dân số, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng chiến dịch “kết hôn muộn hơn, khoảng cách giữa các lần sinh dài hơn và sinh ít con hơn”. Năm 1973 chiến dịch này đã nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 23 đối với nữ giới và 25 đối với nam giới, mạnh mẽ khuyến khích khoảng thời gian chờ 3 năm giữa các lần sinh con và hạn chế mỗi gia đình chỉ được sinh hai con, đồng thời phạt tiền đối với những người không tuân thủ quy định.
Chính sách đã thành công khi chỉ trong 10 năm, tỷ lệ sinh trung bình của mỗi phụ nữ tại Trung Quốc giảm từ 6,1 trẻ vào năm 1970 xuống còn 2,7 trẻ vào năm 1980. Tuy nhiên, tỷ lệ 2,7 trẻ đối với mỗi phụ nữ vẫn là cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ mục tiêu là 2,1 trẻ, nghĩa là dân số Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mặc dù đã áp dụng những chiến dịch kìm hãm dân số.
Chính phủ Trung Quốc cảm thấy rằng, các chính sách của mình vẫn chưa đủ mạnh để kiềm chế tình trạng quá tải dân số trong tương lai, nên đã ban hành thêm chính sách mới, đó chính là chính sách một con. Chính sách này được triển khai trên khắp cả nước vào năm 1980, chính sách này giới hạn mỗi cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được phép sinh một con duy nhất. Tuy nhiên, chính sách này đã được nới lỏng hơn vào giữa những năm 1980 để cho phép các nhóm dân tộc thiểu số và các gia đình nông thôn có tối đa hai con, nhưng với điều kiện con đầu lòng là con gái thì mới được sinh tiếp con thứ hai.
Tình trạng này kéo dài hàng thập kỷ và trở nên phổ biến đến mức nó đã tạo ra nhiều hệ lụy về dân số cho Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Nhiều gia đình vì sợ bị phạt khi sinh con thứ hai nên đã không dám khai sinh cho đứa con gái của mình hoặc là mang con gái của mình cho người nước ngoài nhận nuôi. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 trong tạp chí Dân số và Phát triển Trung Quốc cho biết, hiện nay có khoảng 62 triệu phụ nữ và bé gái “mất tích” ở Trung Quốc.“Mất tích” ở đây là để trong ngoặc kép, tức là họ đáng lẽ đã được sinh ra hoặc sẽ không phải bị người nước ngoài nhận nuôi nếu không áp dụng chính sách một con.
Hậu quả của chính sách này là tỷ lệ giới tính trong dân số Trung Quốc hiện nay đang rất mất cân đối, ước tính số nam giới hiện đang nhiều hơn số nữ giới là 35 triệu người.
Sau 10 năm thực hiện chính sách một con, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 1,5 trẻ. Tính đến năm 2020, mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ còn 1,3 trẻ trên một phụ nữ.
Năm 2010, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra nước này chuyển sang tình trạng suy thoái dân số. Năm 2013, chính sách một con đã được nới lỏng. Trung Quốc cho phép mọi gia đình có thể sinh thêm một đứa con thứ hai, bất kể giới tính. Đến năm 2016, chính sách một con chính thức bị bãi bỏ sau 36 năm, tất cả các cặp vợ chồng trong nước đều đã được phép sinh hai con. Chỉ vài năm sau, vào năm 2021, khi nhận ra được tính nghiêm trọng của các vấn đề mà chính sách một con của những năm 70 và 80 để lại, chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách ba con mới và áp dụng cho đến hiện tại.
Chính sách mới cho phép và thậm chí là khuyến khích, bằng cách cho tiền và ưu đãi về thuế cho tất cả các gia đình Trung Quốc có tới ba con, từ chỗ cấm và phạt tiền, nay Trung Quốc đã hỗ trợ và khuyến khích việc sinh con. Tuy nhiên đã quá muộn. Hơn nữa, những người trẻ hiện nay thích lối sống hưởng thụ, họ không muốn sinh con vì chi phí ăn học cho trẻ đã tăng quá cao.
Dựa theo tháp dân số hiện tại của Trung Quốc theo các nhóm tuổi với tổng 1,4 tỷ người năm 2020. Dân số ở khoảng từ 45 đến 60 tuổi đã tăng đột biến, đó chính là thế hệ “Baby Bom” (bùng nổ trẻ sơ sinh) của Trung Quốc, được sinh ra sau nạn đói từ năm 1961 đến năm 1975. Đây là nhóm dân số đông nhất trong tháp dân số của quốc gia này. Hiện tại, thế hệ này đang bắt đầu nghỉ hưu hàng loạt khi bước qua độ tuổi 60, còn nhóm dân số trẻ hơn có thể tiếp tục lao động, tạo ra của cải vật chất thì lại có số lượng khiêm tốn.
Trong lĩnh vực nhân khẩu học hiện nay, khái niệm dân số trong độ tuổi lao động là những người có độ tuổi từ 15 đến 64, những người trẻ hơn độ tuổi này là trẻ em, không thuộc lực lượng lao động và chưa có đóng góp gì cho nền kinh tế. Những người lớn tuổi hơn, chủ yếu là những người đã phải hưu, ít có cơ hội được tuyển dụng và ít có khả năng đóng góp cho nền kinh tế. Còn nhóm dân số vàng là những người trong độ tuổi từ 25 đến 54, là những người tham gia lao động sản xuất nhiều nhất, có thu nhập cao nhất và đóng thuế nhiều nhất.
Nhìn chung, nếu một đất nước có nhiều dân ở dân số vàng thì tiềm năng để phát triển kinh tế càng cao.
Điều này có nghĩa là kể từ năm 2016, Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt lao động ngày càng gia tăng do ngày càng có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu trừ khi Trung Quốc có thể thu hút lượng lớn người nước ngoài lao động đến nhập cư để thay thế cho các nhóm nhân lực đó. Nhiều chuyên gia đánh giá rất thấp khả năng thu hút lượng lớn người lao động nhập cư của Trung Quốc. Bởi vì nước này hiện đang có tỷ lệ nhập cư thấp nhất trong số các nước công nghiệp hóa trên thế giới. Đức, Mỹ, Pháp, Vương quốc Anh, Ý và các quốc gia khác về cơ bản đều giải quyết mối lo về tỷ lệ sinh thấp bằng cách thu hút hàng triệu người trẻ từ các quốc gia khác. Nhờ đó, họ có thể bổ sung chỗ trống mà nhóm dân số già nghỉ hưu bỏ lại.
Nhật Bản chính là một ví dụ điển hình cho Trung Quốc. Ở nhiều khía cạnh, Nhật Bản dường như đi trước Trung Quốc khoảng 30 năm, cả về dân số và kinh tế. Nhật Bản của những năm 1980 giống hệt với Trung Quốc sau 30 năm. Tại thời điểm đó, tháp dân số của Nhật Bản đang ở mức lý tưởng, khi dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất, có độ tuổi trung bình là 21, trẻ hơn Mỹ nhiều khi Mỹ ở mức là 29 tuổi. Và khi nhóm dân số có khả năng làm việc năng suất nhất này dần già hóa, tiến về phía đỉnh tháp dân số, thì họ sẽ dần trở thành nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng dân số Nhật Bản. GDP bình quân đầu người ở Nhật Bản đã tăng vọt từ mức chỉ bằng 16% GDP của Mỹ vào năm 1960 lên 154% vào năm 1995. Trong suốt những năm 80 và đầu những năm 90, Mỹ lo ngại rằng Nhật Bản sắp vượt qua mình để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 1995, Nhật Bản đã suýt làm được kỳ tích này, khi nền kinh tế của họ đã đạt khoảng 73% quy mô của nền kinh tế Mỹ. Đây là một tỷ lệ tương tự như vị thế hiện tại của Trung Quốc vào năm 2023. Hiện tại, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đang tương đương với khoảng 76% quy mô của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, kỳ tích năm 1995 này của Nhật cũng chỉ là một sự kiện chóng nở tối tàn, bởi tỷ lệ sinh của Nhật trong những thời điểm đó lại tỷ lệ nghịch với tiềm lực phát triển kinh tế. Những năm 1990, cùng thời điểm khi GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đạt mức cao nhất, dân số trong độ tuổi lao động chính thức của nước này cũng đã đạt đỉnh. Độ tuổi trung bình của người dân Nhật Bản cũng trẻ hơn so với Mỹ, nhưng kể từ năm 1995 trở đi, tỷ lệ người cao tuổi Nhật Bản từ 64 tuổi trở lên luôn tăng đều. Kết quả là, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chứng kiến sự sụt giảm liên tục trong nhiều năm trời.
Trong gần 30 năm qua, phần lớn nền kinh tế Nhật Bản vẫn trong trạng thái trì trệ, và tính đến năm 2022, GDP của Nhật Bản thậm chí không tăng trưởng bằng so với 27 năm trước, cũng kể từ năm 2008, dân số Nhật Bản đã liên tục già hóa và liên tục bị giảm.
Hiện tại, tình hình dân số và kinh tế của Trung Quốc dường như cũng đang đi theo quỹ đạo tương tự như của Nhật Bản trong quá khứ. Trong nhiều thập kỷ gần đây, nhờ có lực lượng lao động đông đảo mà Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, nhóm dân số có năng suất lao động cao nhất này đang dần nhích về tầng dân số già trên tháp dân số và chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng số dân số Trung Quốc.
Khi lực lượng lao động ngày càng khan hiếm và tiền lương ngày càng tăng cao, cũng chính là lúc mà các doanh nghiệp và các quốc gia phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao. Tình hình đó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ và Mexico, những nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Những quốc gia này có lực lượng dân số trẻ đông đảo, chiếm tỷ lệ cao nhất trên tháp dân số và có nhiều tiềm năng bùng nổ trong những thập kỷ tới khi tỷ lệ người trẻ dần bước vào độ tuổi lao động. Ấn Độ và Mexico có lẽ là những quốc gia có tiềm năng nhất để thay thế ngành sản xuất ngày càng rơi vào thế yếu của Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều công ty toàn cầu đã rời nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các đất nước khác có chi phí nhân công rẻ hơn. Ví dụ, như khi Foxconn rời đi, cả thành phố Trịnh Châu sầm uất nay bỗng dưng hoang vắng lạ thường. Đến năm 2030, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc sẽ lớn hơn khoảng 5 tuổi rưỡi so với tuổi trung bình của Mỹ và đến năm 2033, tỷ lệ dân số trên 64 tuổi của Trung Quốc sẽ bắt đầu vượt Mỹ. Vào khoảng những năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự đoán là sẽ chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và gần như không có khả năng bắt kịp Mỹ nữa, khi dân số Trung Quốc giảm đi, nguồn nhân lực sẵn sàng cho nghĩa vụ quân sự của nước này sẽ tiếp tục giảm, từ những năm 2030 trở đi thì tình trạng suy giảm dân số của Trung Quốc sẽ ổn định theo từng năm. Nhưng Trung Quốc vẫn được dự đoán là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vài thập kỷ nữa.
T.P