Cơ quan phòng vệ Đài Loan vừa cho biết họ đã phát hiện hơn 30 máy bay quân sự của Trung Quốc bay quanh hòn đảo.
Theo đó, tính từ 6 giờ sáng 26.1 đến 6 giờ sáng 27.1, Đài Loan đã ghi nhận 33 máy bay quân sự và 7 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh hòn đảo. Theo Đài Loan, 13 máy bay được cho là đã “vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan”, AFP đưa tin.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã theo dõi tình hình và sử dụng máy bay tuần tra trên không, tàu của lực lượng trên biển cùng hệ thống tên lửa ven biển để đáp trả các hoạt động trên.
Đây được cho là đợt xuất hiện quy mô lớn nhất của Trung Quốc xung quanh Đài Loan kể từ khi hòn đảo này tổ chức cuộc bầu cử lãnh đạo và nhà lập pháp.
Phía Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, Bắc Kinh trước đây nhiều lần tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc và sẽ không loại trừ biện pháp vũ lực để thu hồi hòn đảo.
Trong khi đó, Reuters đưa tin Đài Loan sẽ là chủ đề được nêu ra tại cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bangkok (Thái Lan) vào hôm nay 27.1.
Đài Loan bắt đầu áp dụng nghĩa vụ quân sự kéo dài một năm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên: “Trong vòng gặp mới, ông Vương sẽ nêu quan điểm của Trung Quốc về quan hệ Trung – Mỹ, bao gồm vấn đề Đài Loan, đồng thời trao đổi quan điểm với phía Mỹ về các vấn đề quốc tế và khu vực mà 2 bên cùng quan tâm”.
Trước đó, hôm 26.1, ông Sullivan và ông Vương cũng có cuộc trao đổi không công khai tại Bangkok trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt quan hệ Mỹ – Trung. Thông tin về cuộc gặp không được tiết lộ với báo giới.
Cuộc gặp mới nhất diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Mỹ.
Khi đó, ông Biden và ông Tập đã đồng ý mở đường dây nóng giữa 2 lãnh đạo, nối lại liên lạc giữa các quân đội và nỗ lực hạn chế sản xuất fentanyl. Tuy nhiên, 2 bên vẫn mâu thuẫn về Đài Loan.
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Kausea Natano của Tuvalu, người có quan điểm ủng hộ Đài Loan, đã mất ghế trong quốc hội sau khi kết quả bầu cử được công bố ngày 27.1. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng đất nước này có thể chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, theo AFP.
Tuvalu là một trong 12 quốc gia trên thế giới công nhận Đài Loan. Trong tháng này, Nauru đã cắt quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao Bắc Kinh và có những đồn đoán rằng Tuvalu có thể là quốc gia tiếp theo.