Trung Quốc mới đây đã công bố quy chế hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của “nền kinh tế tóc bạc”, đánh dấu văn bản chính sách đầu tiên dành riêng cho mô hình kinh tế này.
Nền “kinh tế tóc bạc” là tổng hòa của một loạt các hoạt động kinh tế như cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho người cao tuổi và chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số. Với sự gia tăng của dân số cao tuổi, mức sống được nâng cao, mong muốn luôn được khỏe mạnh, tiềm năng tiêu dùng của dân số cao tuổi ở Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Phát triển “kinh tế tóc bạc” được xem là một biện pháp quan trọng của Trung Quốc để chủ động đối phó với sự già hóa dân số, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả hiện tại và tương lai.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược quốc gia tích cực đối phó với sự già hóa dân số, xem vấn đề của mỗi gia đình là vấn đề nhà nước. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển sự nghiệp người già và hệ thống dịch vụ dưỡng lão quốc gia” nhấn mạnh, ra sức phát triển “kinh tế tóc bạc”, thúc đẩy sự phát triển hài hòa sự nghiệp người già với công nghiệp, dịch vụ công cơ bản và đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng, nhiều cấp độ của người cao tuổi. Điều này đã tạo sự xem trọng cho các địa phương phát triển “kinh tế tóc bạc”.
Mới đây, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về phát triển “kinh tế tóc bạc” để thúc đẩy phúc lợi cho người cao tuổi”. “Ý kiến” bao gồm 26 biện pháp cụ thể trong 4 lĩnh vực, gồm: giải quyết những thách thức cấp bách mà người cao tuổi phải đối mặt, mở rộng nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn.
Đây là văn kiện chính sách đầu tiên của Trung Quốc đặt tên bằng “kinh tế tóc bạc”, là việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương của nước này, khẳng định việc coi trọng của Chính phủ Trung Quốc đối với loại hình kinh tế này, đồng thời cũng phát ra một tín hiệu rõ ràng trong việc đẩy nhanh việc xây dựng sự nghiệp người già và hệ thống dịch vụ dưỡng lão.
Theo “Ý kiến về phát triển “kinh tế tóc bạc” để thúc đẩy phúc lợi cho người cao tuổi” của Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được khuyến khích và hướng dẫn tích cực mở rộng kinh doanh liên quan đến “kinh tế tóc bạc”. Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được trao toàn bộ vai trò trong nền kinh tế này và chính quyền cũng sẽ xoá bỏ những rào cản tiếp cận thị trường chưa hợp lý để mở cửa cho khối này.
Ngoài ra, một trong số những nội dung chính là kế hoạch thành lập 10 “khu công nghiệp kinh tế tóc bạc cấp cao” ở các khu vực như: Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và Khu vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao. “Ý kiến” cũng cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho phát triển công nghiệp, bao gồm tối ưu hóa ngân sách chính phủ trung ương để hỗ trợ nâng cấp các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mới đủ tiêu chuẩn và thúc đẩy việc sử dụng thiết bị thông minh.
Bên cạnh việc kêu gọi cải thiện các dịch vụ trong nước, “Ý kiến” này còn khuyến khích các công ty du lịch và công ty văn hóa phát triển thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người cao tuổi.
Quy mô “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc chiếm khoảng 6% tổng GDP
Dữ liệu ước tính từ China Media Group, quy mô “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc ở mức khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 6% tổng GDP của nước này và dự báo quy mô của nền kinh tế này có thể đạt 30.000 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 4,18 nghìn tỷ USD) vào năm 2035, chiếm khoảng 10% tổng GDP của cả nước.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, cuối năm 2023, số người trên 60 tuổi trở lên đạt 296,97 triệu người, chiếm 21,1% dân số. Có nghĩa là Trung Quốc đã bước vào xã hội già hóa trung bình. Điều này không chỉ tác động lên thị trường lao động, an sinh xã hội mà còn cả thị trường tiêu dùng. Vì thế, việc Chính phủ Trung Quốc tích cực đẩy mạnh nền “kinh tế tóc bạc”, được xem là động lực mới thúc đẩy phát triển nền kinh tế của nước này.
Nhóm dân số già tại Trung Quốc có tiền tiết kiệm và lương hưu. Ngoài ra, họ cũng có sự hỗ trợ từ con cái. Và quan trọng, họ là nhóm khách hàng càng ngày càng lớn. Chẳng hạn như trên nền tảng mua sắm Taobao và T-mall, có tới 30 triệu người dùng là trên 50 tuổi với mức chi tiêu hơn 5.000 Nhân dân tệ, tương đương 17 triệu đồng mỗi tháng.
Theo Equal Ocean, một công ty nghiên cứu đầu tư tại Bắc Kinh, sức tiêu dùng của những người cao tuổi tại Trung Quốc có thể đạt 20.000 tỷ Nhân dân tệ – tương đương hơn 3.000 tỷ USD. Một trong những thị trường tiềm năng nhất chính là các dịch vụ, ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khoẻ.
Tuy nhiên, có một thực trạng là khi lượng dân số về hưu đạt một con số lớn cũng sẽ tiêu tốn nguồn lực lớn của xã hội. Một số nhà phân tích dự báo, lực lượng lao động sẽ suy giảm hơn nữa trong khi các quỹ hưu trí bị cạn kiệt và hệ thống y tế bị quá tải. Do đó, song song với phát triển nền “kinh tế tóc bạc”, chính phủ Trung Quốc cũng phải đưa ra các biện pháp, chính sách khuyến khích các gia đình kết hôn sớm và sinh nhiều con bằng nhiều cách như miễn giảm nhiều loại thuế, hỗ trợ việc con sinh, cũng như hỗ trợ giá mua nhà.
T.P