Friday, January 17, 2025
Trang chủBiển nóngThấy gì qua phát biểu của ông Từ Hồng tại Hội nghị...

Thấy gì qua phát biểu của ông Từ Hồng tại Hội nghị hàng năm của Hội luật pháp quốc tế Trung Quốc

Từ ngày 06-08/5/2016, tại Đại học Cát Lâm, Hội Luật pháp quốc tế Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị hàng năm với chủ đề “Việc áp dụng và phát triển luật pháp quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với Trung Quốc” với sự tham dự của trên 200 đại diện từ phía chính quyền, các trường đại học, viện nghiên cứu và những người hành nghề luật pháp quốc tế tại Trung Quốc. 

 

Trong số khách mời tham dự hội nghị năm nay, ông Từ Hồng, Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có bài phát biểu chính, trong đó tập trung vào giải thích về lập trường 3 không của Trung Quốc đối với vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Tiếp đó, ngày 12/5/2015, trang mạng của Đài tiếng nói Trung Quốc đã cho đăng tải toàn văn bài phát biểu tại cuộc họp báo của ông Từ Hồng về vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Trong đó, ông Từ Hồng tập trung lập luận của mình vào 3 vấn đề chính nhằm phản bác vụ kiện: phạm vi quyền tài phán của Tòa trọng tài; tính chất của vụ kiện; và việc không tham gia và chấp nhận phiên tòa có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không?

1. Về phạm vi quyền tài phán của Tòa trọng tài: ông Từ Hồng, một mặt, thừa nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc bằng trọng tài là một bước phát triển tiến bộ của Công ước Luật biển 1982 và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình là một trong những nguyên tắc chính của luật pháp quốc tế. Song mặt khác, ông Từ Hồng cho rằng để áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc bằng trọng tài cần thỏa mãn 4 điều kiện sau: i) tranh chấp đó phải liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982. Nếu nội dung tranh chấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Luật biển 1982 thì tranh chấp đó không được giải quyết theo thủ tục trọng tài bắt buộc. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước Luật biển, do đó, các quốc gia có liên quan không thể khởi động thủ tục trọng tài bắt buộc hoặc nếu có khởi động thủ tục này thì tòa trọng tài cũng sẽ không có quyền tài phán; ii) một quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 có thể ra tuyên bố bằng văn bản không chấp nhận thủ tục trọng tài bắt buộc đối với tranh chấp liên quan đến phân định biển, vịnh lịch sử hay danh nghĩa lịch sử, các hoạt động quân sự và hoạt động thi hành pháp luật. Tuyên bố này có giá trị đối với các quốc gia thành viên Công ước khác. Theo đó, các quốc gia thành viên Công ước khác không thể khởi động thủ tục trọng tài bắt buộc đối với các tranh chấp đã được loại trừ; và cũng tương tự như trên, nếu có khởi động thủ tục này thì tòa trọng tài cũng không có quyền tài phán; iii) nếu các bên trong vụ tranh chấp đã nhất trí lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng một thủ tục khác, một bên tranh chấp không thể khởi động thủ tục trọng tài bắt buộc hoặc nếu khởi động thì tòa trọng tài cũng không có thẩm quyền; và iv) các quốc gia tranh chấp trước tiên có nghĩa vụ trao đổi quan điểm về biện pháp giải quyết tranh chấp được sử dụng. Trong trường hợp các bên không thực hiện nghĩa vụ này, một bên tranh chấp không thể tiến hành khởi kiện hoặc nếu khởi kiện thì tòa cũng sẽ không có thẩm quyền.

Trên cơ sở lập luận nêu trên về 4 “hàng rào” của thủ tục trọng tài bắt buộc, ông Từ Hồng cho rằng việc khởi kiện của Philippines là vi phạm luật quốc tế ở 4 điểm và được coi là lạm dụng thủ tục do: i) bản chất vụ kiện là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, không liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982; ii) giả sử cứ cho rằng một số nội dung kiện liên đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982 thì những nội dung này cũng thuộc nhóm tranh chấp liên quan đến việc phân định biển mà đã được Trung Quốc tuyên bố loại trừ ra khỏi nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bắt buộc, do đó, không thuộc đối tượng của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc; iii) Trung Quốc và Philippines đã nhất trí giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, do đó, Philippines không được khởi kiện đơn phương; iv) Philippines đã không thực hiện nghĩa vụ trao đổi quan điểm với Trung Quốc. Ông Từ Hồng cũng cho rằng Tòa trọng tài đã không thực hiện các điều kiện tiên quyết nêu trên trong quá trình tố tụng.

2. Về tính chất của vụ kiện: Theo ông Từ Hồng, các vấn đề mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài giải quyết là vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân định biển, thể hiện ở các điểm sau:

Trong quá trình xét xử, Tòa trọng tài đã quá vội vã trong việc ủng hộ quan điểm đơn phương của Philippines là Philippines không yêu cầu Tòa giải quyết vấn đề chủ quyền mà không xem xét mối liên quan giữa các yêu cầu của Philippines với vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Ông Từ Hồng cho rằng, mặc dù đưa ra tiêu chí để xác định các yêu cầu của Philippines trong vụ kiện có liên quan đến vấn đề chủ quyền hay không, song Tòa trọng tài đã vội vã ủng hộ quan điểm của Philippines và phớt lờ tiêu chí của chính mình trong quá trình xét xử.

Ông Từ Hồng khẳng định mục đích thực chất của Philippines trong việc đơn phương khởi kiện là nhằm bác bỏ quyền của Trung Quốc và “hợp pháp hóa hành vi ăn cắp” các cấu trúc trên biển thuộc về Trung Quốc ở Biển Đông. Viện dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 23/1/2013 là vụ kiện nhằm “bảo vệ lãnh thổ và vùng biển quốc gia”, ông Từ Hồng nhanh chóng khẳng định rằng chính Philippines đã thừa nhận đây là “tranh chấp về chủ quyền” và cáo buộc Philippines đã tìm cách che đậy các yêu cầu khởi kiện của mình để mọi người không nhận ra đây thực chất là vấn đề chủ quyền.

Thêm vào đó, ông Từ Hồng nhấn mạnh việc Tòa trọng tài khẳng định có thẩm quyền giải quyết vụ việc và ủng hộ lập trường của Philippines đã ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền đối với toàn bộ Nam Sa (Trường Sa) và các đảo, đá, bãi ngầm thuộc về Nam Sa là thuộc lãnh thổ lục địa Trung Quốc. Việc Philippines phân tách một cách có chủ ý các cấu trúc trên biển thuộc Nam Sa và đề xuất Tòa trọng tài ra phán quyết về quy chế pháp lý và vùng biển của các thực thể này nếu được Tòa trọng tài chấp nhận và ủng hộ sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với toàn bộ Nam Sa. Chính báo chí cũng khẳng định việc Tòa trọng tài ra phán quyết sẽ thu hẹp yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thực tiễn quốc tế cho thấy có mối liên hệ mật thiết giữa quy chế pháp lý, quyền có vùng biển của các cấu trúc trên biển với vấn đề phân định biển và các tranh chấp có liên quan đến các vấn đề trên cũng là tranh chấp liên quan đến phân định biển. Ý kiến của Tòa trọng tài cho rằng vấn đề quy chế pháp lý và quyền có vùng biển của các thực thể được tách rời khỏi vấn đề phân định biển là ít có trong thực tiễn pháp lý quốc tế và đi ngược lại cả quan điểm mà chính 2/5 Trọng tài viên của vụ kiện đã viết trong các công trình nghiên cứu của mình trước đây. Trên các lập luận này, ông Từ Hồng cho rằng các lập luận của Tòa là không thuyết phục và khiếm khuyết và yêu cầu các Trọng tài viên phải giải thích cho cả thế giới về thay đổi quan điểm của mình.

3. Việc Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không? Ông Từ Hồng khẳng định việc Trung Quốc không chấp nhận hay tham gia vụ kiện là phù hợp với nghĩa vụ quốc tế theo chính Công ước Luật biển 1982 nhằm phản đối việc lạm dụng thủ tục trọng tài bắt buộc và tôn trọng tính tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982. Trung Quốc không có nghĩa vụ chấp nhận hay tham gia một tiến trình mang tính khiêu khích một cách có chủ đích. Cũng không thiếu gì tiền lệ về việc không chấp nhận, tham gia các tiến trình tòa án, trọng tài quốc tế được khởi xướng một cách trái phép và việc này không phải là sáng kiến của Trung Quốc.

Trên cơ sở phân tích và lập luận nêu trên, ông Từ Hồng đi đến kết luận là cũng như nhiều quốc gia khác, đối với các vấn đề lợi ích cốt lõi của quốc gia như vấn đề chủ quyền lãnh thổ, phân định biển, Trung Quốc không chấp nhận việc giải quyết bằng bên thứ 3 khi không được lựa chọn một cách tự nguyện. Đồng thời, ông này cho rằng việc giải quyết các tranh chấp về biển thông qua đàm phán và tham vấn nhận được sự ủng hộ đa số tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc cũng như thực tiễn quốc gia. Ông Từ Hồng cũng không quên đe dọa là việc lợi dụng cơ chế giải quyết bằng bên thứ 3 theo thủ tục bắt buộc nhằm gây sức ép lên Trung Quốc không giúp giải quyết vấn đề mà sẽ gặp phải sự đáp trả.

Vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông đang bước vào giai đoạn then chốt với việc phán quyết cuối cùng có thể giải quyết dứt điểm hai trong nhiều vấn đề gay cấn nhất trong tranh chấp ở Biển Đông đó là yêu sách theo đường lưỡi bò của Trung Quốc và vấn đề quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển. Do đó, việc một quan chức hàng đầu về luật pháp quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông qua hội nghị thường niên của Hội luật pháp quốc tế của Trung Quốc và tổ chức họp báo lên tiếng không phải là điều gì mới. Đây cũng không phải là lần đầu tiên, một quan chức chuyên ngành luật pháp quốc tế của Trung Quốc đưa ra quan điểm của mình về vụ kiện. Trước đó, bà Tiết Hãn Cần, cựu Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người hiện đang là Thẩm phán Tòa án công lý quốc tế (ICJ), ông Zhiguo Gao, Thẩm phán Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) cũng đã từng đưa ra các bào chữa tương tự, cho dù ở cương vị thẩm phán Tòa án quốc tế, những người này không nên đưa ra các nhận định như vậy, phá vỡ tính trung lập cần thiết của các thẩm phán quốc tế.

Quan điểm của ông Từ Hồng cũng không có gì khác biệt nhiều so với Tuyên bố lập trường mà chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 2014. Đây là những lập luận được xây dựng trên việc cố tình giải thích sai về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển 1982 và thực tiễn vụ kiện, bất chấp các lý lẽ và lập luận mà Tòa trọng tài đã đưa ra trong phán quyết về thẩm quyền ngày 29/10/2015. Bởi vậy, những luận điểm này là không có cơ sở vững chắc, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Chúng ta cùng phân tích các luận cứ của ông Từ Hồng để thấy rõ vấn đề này.

Thứ nhất, trước tiên, cần nói qua về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển 1982. Cơ chế giải này được xây dựng với mục đích bảo vệ các thành quả và thoả hiệp mà cộng đồng quốc tế đã đạt được tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc thông qua việc quy định nghĩa vụ giải quyết theo thủ tục bắt buộc bằng bên thứ 3 đối với các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Điều này có nghĩa các quốc gia thành viên Công ước sẽ phải giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước Luật biển 1982 bằng bên thứ 3 theo thủ tục bắt buộc và có quyền lựa chọn các cơ quan sau để giải quyết các tranh chấp: i) Tòa án Công lý Quốc tế; ii) Tòa án quốc tế về Luật biển; iii) Tòa trọng tài; và iv) Tòa trọng tài đặc biệt. Trọng tài sẽ được coi là hình thức giải quyết tranh chấp mặc định trong trường hợp các bên có sự lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp khác nhau hay không tiến hành lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.

Công ước Luật biển 1982 không cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu mà chỉ cho phép các quốc gia có thể đưa ra các tuyên bố loại trừ việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc (sẽ nói kỹ ở phần sau). Bởi vậy, các quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 không thể thoái thác trách nhiệm phải tôn trọng và tuân thủ các quy định này của Công ước. Chính ông Từ Hồng cũng biết rõ điều này nên dù không muốn cũng phải thừa nhận tính ưu việt các quy định giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển.

Điểm mấu chốt mà Trung Quốc tìm cách khai thác, vận dụng nhằm bác bỏ vụ kiện chính là vấn đề nội dung và tính chất của vụ kiện. Cách thức Trung Quốc bào chữa cho quan điểm của mình gồm 2 lớp: i) đây không phải là vụ kiện liên quan đến việc giải thích, áp dụng Công ước Luật biển; ii) nếu vụ kiện liên quan đến việc giải thích, áp dụng Công ước Luật biển thì đối tượng tranh chấp cũng nằm trong nhóm các vấn đề đã được Trung Quốc đề cập trong Tuyên bố năm 2006, tức là được loại trừ khỏi việc giải quyết bằng trọng tài bắt buộc. Điều này có nghĩa là theo quan điểm của Trung Quốc, Philippines không có quyền đơn phương khởi kiện hoặc khi Philippines đơn phương khởi kiện, Tòa trọng tài phải tuyên bố không có thẩm quyền.

Như chúng ta đã biết, theo luật pháp quốc tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là tranh chấp giữa 2 hay nhiều bên đến một phần “không gian trái đất” nhằm xác định ai là người có quyền sở hữu đối phần không gian trái đất đó. Hay nói cách khác, kết quả của việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là việc quyết định đối tượng tranh chấp sẽ thuộc về quốc gia nào. Đối tượng tranh chấp lãnh thổ phổ biến là các vùng đất, sông hồ giáp ranh giữa 2 nước và các cấu trúc trên biển như như đảo, đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi. Các cấu trúc trên biển ở Trường Sa là đối tượng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Malaysia, Brunei.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ được giải quyết bằng các chế định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Tranh chấp lãnh thổ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước Luật biển 1982, bởi vậy, không thể tìm thấy bất cứ một điều khoản nào trong Công ước, kể cả phần các Phụ lục về giải quyết tranh chấp đề cập tới vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Song điều cần lưu ý và làm rõ ở đây là các cấu trúc trên biển có quyền có các vùng biển khác nhau phụ thuộc vào tính chất của của các cấu trúc này (đảo, đá hay bãi cạn lúc chìm lúc nổi) và Công ước Luật biển 1982 là căn cứ để xác định quyền có vùng biển của các cấu trúc này. Đây chính là vấn đề quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển. Nói một cách cụ thể hơn, một đảo, đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi là đối tượng của hai loại tranh chấp khác nhau: tranh chấp về chủ quyền và tranh chấp về quy chế pháp lý.

Đây chính là điểm mà mọi người dễ nhầm lẫn và cũng chính là điểm ông Từ Hồng lợi dụng để tung hỏa mù, đánh lừa dư luận thông qua việc đánh đồng tranh chấp về chủ quyền (giải quyết vấn đề cái đó của ai) với vấn đề quy chế pháp lý (giải quyết vấn đề đó là cái gì) để từ đó cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền. Các yêu cầu mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài giải quyết trong tranh chấp với Trung Quốc là việc xác định quy chế pháp lý của 9 cấu trúc trên biển, vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, chứ không vấn đề xác định các cấu trúc đó thuộc về ai.

Cũng cần khẳng định luôn là việc xác định quy chế pháp lý của đảo không phải là vấn đề phân định vùng biển chồng lấn. Tranh chấp phân định biển xảy ra khi yêu sách vùng biển của một hay nhiều quốc gia được xác định theo Công ước Luật biển 1982 chồng lấn với nhau do điều kiện địa lý tự nhiên không cho phép các quốc gia hưởng đến mức tối đa yêu sách của mình. Ví dụ, khoảng cách vùng biển giữa 2 quốc gia đối diện nhau trên 400 hải lý tính từ đường cơ sở của mỗi bên, sẽ không có chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế, nếu vùng biển đó hẹp hơn 400 hải lý, sẽ có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.

Khi vấn đề chủ quyền đối với các cấu trúc biển chưa được giải quyết không thể diễn ra chuyện phân định biển vì điều kiện tiên quyết cho việc phân định biển là vấn đề tranh chấp chủ quyền phải được giải quyết trước hoặc chí ít cũng đồng thời. Hơn nữa, không thể đánh đồng vấn đề hiệu lực đảo, đá trong phân định với việc phân định biển. Đảo, đá có thể có hiệu lực đầy đủ, một phần hoặc không hiệu lực trong phân định biển, song việc đó phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên liên quan sở hữu đối với đảo, đá đó trong việc phân định, có tính đến các hoàn cảnh có liên quan, đặc biệt là vị trí của đảo, đá trong khu vực phân định.

Liên quan đến việc thỏa thuận lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ trao đổi mà Trung Quốc cáo buộc Philippines vi phạm, từ đó coi Tòa trọng tài không có thẩm quyền, điều này đã được Tòa trọng tài lập luận hết sức rõ ràng trong phán quyết ngày 29/10/2015 vừa qua, không cần giải thích thêm.

Việc Vụ trưởng Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện là phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật biển 1982 là việc làm vừa ngụy biện vừa thể hiện thái độ coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Công ước Luật biển 1982 được coi là “Hiến pháp về Biển và Đại dương”, đảm bảo cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ, có biển hay không có biển. Để thực hiện được điều này, như trên đã trình bày, Công ước Luật biển 1982 đã thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc. Tất cả các quốc gia khi tham gia Công ước đều phải có nghĩa vụ thực hiện một cách thiện chí Công ước như đã quy định trong Điều 300. Công ước đã trù định một số vấn đề có liên quan đến lợi ích sát sườn của quốc gia thành viên mà quốc gia thành viên có thể không muốn áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc. Chính vì vậy, Công ước cho phép các quốc gia có quyền ra tuyên bố loại trừ không áp dụng cơ chế này đối với một số tranh chấp nhất định liên quan đến việc phân định biển và một số hoạt động khác như hoạt động quân sự… Không chỉ Trung Quốc mà có tới trên 30 nước, kể cả những nước lớn như Anh, Úc, Canada ra tuyên bố loại trừ.

Tuy nhiên, trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa trọng tài đã xem xét hết sức kỹ lưỡng đối tượng và nội dung tranh chấp và đã đi đến kết luận là đây không phải là tranh chấp về chủ quyền và phân định biển, do đó, Tuyên bố của Trung Quốc không thể áp dụng. Điều đáng tiếc là Trung Quốc vẫn bất chấp các lập luận và lý lẽ của Tòa, cố gắng giải thích theo quan điểm riêng của mình.

Ông Từ Hồng miệng thì rêu rao là Trung Quốc đánh giá cao cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc trong Công ước Luật biển 1982 và giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế song lại từ chối và không công nhận Trọng tài đã được thành lập một cách hợp thức và hợp pháp theo đúng Công ước. Phán quyết sắp tới của Tòa là có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc không thể lấy lý do việc khởi kiện của Philippines và việc Tòa trọng tài ra phán quyết về mặt thẩm quyền “không hợp với chủ trương” của Trung Quốc để từ chối thi hành nghĩa vụ của mình.

Trung Quốc cũng không thể viện dẫn việc đã có tiền lệ không tham gia vụ kiện để chối bỏ trách nhiệm của mình về việc thực thi phán quyết. Thêm vào đó, việc Vụ trưởng Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc không làm rõ một cách thuyết phục, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế hay chính thực tiễn xét xử các tranh chấp quốc tế có liên quan mà tìm cách hạ thấp vai trò của Trọng tài viên là việc làm không phù hợp cả đạo lý lẫn thực tiễn hành nghề luật quốc tế. Chắc ông Từ Hồng hiểu hơn ai hết cá nhân con người với tư cách trọng tài viên một vụ kiện và với tư cách một nhà nghiên cứu là hoàn toàn khác nhau. Trên tư cách trọng tài viên, cá nhân đó phải nghiên cứu đầy đủ các yếu tố có liên quan đến vấn đề cần giải quyết và xử lý để sao cho có ý kiến và kết quả khách quan và công bằng nhất cho các bên, trong tiến trình này, họ có thể phải bỏ qua hoặc hy sinh các suy nghĩ cá nhân. Hơn nữa, không có một căn cứ, cơ sở nào nói rằng Trọng tài viên trong vụ kiện cụ thể phải thực hiện theo đúng các công trình, quan điểm nghiên cứu riêng mang tính học thuật của mình. Chính việc đòi trọng tài viên phải lồng ghép ý kiến cá nhân của mình vào tiến trình trọng tài sẽ làm vấn đề thêm méo mó, phán quyết không thể khách quan trong khi nhiệm vụ chính của trọng tài viên là việc căn cứ vào các bằng chứng do các bên liên quan đệ trình để có thể thông qua một phán quyết công bằng và khách quan nhất.

Tóm lại, thông qua bài phát biểu của mình, một lần nữa, đại diện chính phủ Trung Quốc lại xới lại những vấn đề đã được giải quyết một các thuyết phục bởi các trọng tài viên trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc, tiếp tục đánh lẫn lộn các vấn đề và cố tình biện minh cho các việc làm không phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế của mình. Việc này, chắc chỉ để giải quyết và xoa dịu các vấn đề nội bộ của Trung Quốc còn đối với cộng đồng quốc tế, chắc chắn giải thích trên của ông Từ Hồng sẽ chỉ mang đến những suy nghĩ thiếu thiện chí của cộng đồng quốc tế đối với các hành xử của Trung Quốc. 

RELATED ARTICLES

Tin mới