Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột số thông tin liên quan Hoàng Sa và Trường Sa

Một số thông tin liên quan Hoàng Sa và Trường Sa

Sử sách Trung Hoa suốt từ các đời Tần, Hán đến tận sau Thế chiến thứ hai không có tài liệu nào xác nhận Biển Đông với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Gói bánh chưng đón Tết trên đảo Trường Sa

Trước đây, biển Đông được người Trung Quốc và giới Hàng Hải gọi là Trung Quốc Nam Hải hay là Biển Hoa Nam, hay là South China Sea. Người Philippines từ năm 2012 gọi là Biển Tây Philippines (West Philippines Sea). Quần đảo Hoàng Sa được người Trung Quốc gọi là Tây Sa, tiếng Anh là Paracel. Còn quần đảo Trường Sa, người Trung Quốc gọi là Nam Sa, tiếng Anh là Spratly. Trong khi đó, không ít bản đồ phương Tây vẽ trước thế kỷ thứ 19, thư tịch cổ Trung Hoa do người Trung Hoa viết lại đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phía Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền quyền của họ đối với biển Đông có từ hơn 2000 năm trước, khi mà cả quận Giao Chỉ là của Trung Quốc. Nhưng những chứng cứ chủ yếu lại chỉ từ những ghi chép của người đương thời và người đời sau về các con đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, hoặc các hoạt động thám hiểm, buôn bán, đánh cá… qua đó có ghi chép về lịch sử, địa lý, phong tục ở các vùng mà những người chứng kiến đã đi qua. Cũng có những tài liệu nói người đánh cá Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khi buôn bán, đánh cá, hoặc gặp thiên tai trên biển đã từng sống trên các đảo tùy theo mùa vụ. Nhưng cụ thể là vào mùa nào, vụ nào, bao nhiêu lâu, chưa thấy tài liệu nào ghi chép rõ. Chỉ riêng điều đó thì cũng không có ý nghĩa về mặt chủ quyền.

Các nhà nghiên cứu đôi khi phát hiện sự nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn những người làm sử thiếu khách quan. Theo luật pháp quốc tế, việc thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền trên các biển đảo ngày nay không phụ thuộc vào việc phát hiện, thám hiểm hay thực thi việc buôn bán, làm ăn trên biển. Cũng không phụ thuộc vào sự hiểu biết của người quan sát về biển đảo. Bởi từ thế kỷ thứ 7, người châu Âu hay là những người ViKing, gồm những nhà thám hiểm, nhà buôn, chiến binh, và cả những hải tặc đã tung hoành trên nhiều vùng biển của trái đất. Những ghi chép của người Anglo-Saxon về Hải Dương từ lâu đã là nguồn tra cứu phong phú và quý giá của nhân loại. Tiếp theo là những người Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam cũng đã có mặt ở nhiều vùng biển trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Phương Đông không có các ViKing, ít các nhà thám hiểm nên người Phương Đông có mặt trên biển chủ yếu là để buôn bán, làm ăn và đánh cá. Trước đây, phía Trung Quốc còn đưa thêm nhà thám hiểm người Hồi tên là Trịnh Hòa và hồ sơ tranh chấp biển đảo. Nhưng thực ra, Trịnh Hòa chỉ đi ngang qua biển Đông. Các ghi chép về 7 chuyến đi của ông cũng không thấy nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa cả. Từ năm 1405 – 1433, Minh Thành Tổ đã cử đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy đoàn thám hiểm của Trung Quốc hạ Tây Dương bảy lần. Họ đã đi đến Ấn Độ và biển Ả Rập nhằm thiết lập mối quan hệ bang giao với trên 30 quốc gia vùng Duyên Hải, triển khai con đường tơ lụa trên biển tại Ấn Độ, Châu Phi và cả Trung Đông.

Những chuyến hải trình của Trịnh Hòa trên thực tế không hề dừng ở Biển Đông. Trạm chân duy nhất của đoàn trong khu vực này chính là Đồ Bàn, thủ phủ của nước Chiêm Thành lúc bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều Minh đã phê phán những cuộc hải trình này chỉ là phô diễn, làm hao tiền tốn của làm suy yếu nền kinh tế quốc gia. Gần đây, khi đụng đến những vấn đề Biển Đông, các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa đã không còn được phía Trung Quốc nhắc đến như trước đó nữa.

Trên thực tế, kể từ Định ước Berlin năm 1885, nguyên tắc quyền phát hiện và nguyên tắc chủ quyền lịch sử đã không còn phù hợp, bị thay thế bởi nguyên tắc chiếm hữu thực sự và có hiệu lực. Ngày nay, nguyên tắc chiếm hữu biển đảo còn được quy định một cách chặt chẽ hơn. Nó bao gồm thực sự, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch. Nghĩa là, nếu giả sử như luật pháp quốc tế vẫn còn căn cứ vào chuyện là luận thuyết chủ quyền lịch sử hay là sự phát hiện biển đảo để xác định chủ quyền thì quyền chiếm hữu và quyền sở hữu các châu lục ngày nay hầu hết đã thuộc về các nhóm Viking và các nhà thám hiểm hay là các tay cướp biển châu Âu.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được các triều đại phong kiến Việt Nam thực thi từ rất sớm. Có tài liệu nói là từ thế kỷ thứ 15, nhưng rõ nét nhất là từ đầu thế kỷ thứ 17 đến tận năm 1932, khi Pháp chính thức tuyên bố kế thừa và tiếp tục quyền chủ quyền tại hai quần đảo này.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đều đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền thực tế đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Quá trình này diễn ra một cách liên tục với những hoạt động kinh tế xã hội rất hòa bình. Lúc đó cũng chưa hề có tranh chấp về mặt pháp lý, ít nhất từ thế kỷ thứ 17, Hoàng Sa đã không còn là lãnh thổ vô chủ nữa.

Năm 1688, Hoàng Sa đã trở thành địa danh nổi tiếng được các nhà hàng hải Phương Tây biết đến qua biển đến Biên niên sử Hàng Hải với các vụ mắc cạn của tàu Lamps. Dưới thời vua Louis XIV, khi đi từ Pháp sang Trung Quốc, Hoàng Sa được biết đến như một bãi cát nguy hiểm ở vùng biển Đông Việt Nam. Tàu bè quốc tế đến vùng này, nếu không biết và đề phòng có thể bị mắc cạn, đói khát và chết.

Đến thời các chúa Nguyễn, tức là từ giữa thế kỷ thứ 16 cho đến khi Tây Sơn chiến thắng năm 1777, hàng năm các chúa Nguyễn đều phái người ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ trên đảo nhằm thực thi chủ quyền, thu hoạch sản vật trên đảo cùng những sản vật của các tàu bị đắm trôi dạt vào đảo.

Trong sách Lịch triều Hiến chương loại chí, quyển “Chi ngũ dư địa chí”, trang 11A-12A, Phan Huy Chú đã ghi chép: “Thời các chúa Nguyễn đặt đội Hoàng Sa, 70 suất người xã An Vĩnh luân phiên đi hàng năm vào tháng 3, nhận chỉ thị sai đi mang sáu tháng lương, dùng năm chiếc thuyền nhỏ chương buồm xuất dương ba ngày ba đêm là đến đảo. Đến đây mặc tình đánh bắt cá ăn, nhặt được rất nhiều đồ vật quý, lại lấy được hải sản rất nhiều. Tháng 8 trở về, vào cửa eo Thuận An để đến thành Phú Xuân”.

Năm 1753, một sự kiện có liên quan đến chủ quyền của Hoàng Sa xảy ra với những người lính của đội Bắc Hải đã được Lê Quý Đôn ghi chép khá kỹ trong Phủ biên tạp lục. Đó là: “Hoàng Sa gần Hải Nam, Châu Liêm, người đi thuyền thường gặp người Bắc Quốc đánh cá ngoài biển, hỏi thăm biết được họ là người huyện Văn Xương, Quỳnh Châu, quan Chính đường sưu tra công văn trong đó kể rằng vào tháng 7 năm Càn Long thứ 18 (1753), 10 người lính thuộc đội Cát Liêm, xã An Bình, huyện Chương Nghĩa, Quảng Ngãi ngày nay, đến Vạn Lý Trường Sa thu thập các vật. Tám tên lính lên bờ thu thập, chỉ có hai người lưu lại giữ thuyền, chợt có một cơn bão nổi lên, đưa thuyền ra đến tận cảng Thanh Lam ở Hải Nam, Trung Quốc. Viên quan Trung Quốc ở đây bèn cho điều tra, sau khi biết sự thật đành cho áp giải trở về. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai cai bạ Thuận Hóa thức thượng hầu gửi thư phúc đáp”. Sự kiện này cũng là một bằng chứng cho thấy người Trung Quốc không coi Hoàng Sa là của mình.

Năm 1816, vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo Hoàng Sa, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thủy trình. Xin nhắc lại là chính thức vào năm 1816, Việt Nam ra lệnh cắm cờ trên đảo Hoàng Sa. Khâm sứ Pháp tại Đông Dương lúc đó là Jules Brévié đã ra lệnh thành lập cơ quan hành chính quần đảo Hoàng Sa và cho dựng trên quần đảo một tấm bia có dòng chữ là “Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa”. Năm 1816 – 1835, vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia, móng, đóng cọc, rồi trồng cây.

Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được trao nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội lính hải quân này tiếp tục duy trì công việc cho đến khi người Pháp vào Đông Dương. Việc quản lý hành chính các đảo đã được triều Nguyễn duy trì nhằm giúp đỡ các tàu bè cũng như là để thu thuế ngư dân trong vùng.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Quang Việt, các dữ kiện lịch sử chiếm hữu Hoàng Sa cho thấy Việt Nam đã có tuyên bố rõ ràng và thực thi quyền của mình ở Paracel ít nhất suốt 70 năm trước, từ năm 1770 cho tới khi vua Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền vào năm 1816 và tiếp tục cho đến thời Minh Mạng. Được ghi rõ ràng trong Chính sử Việt Nam cho đến năm 1837.

Thời gian có mặt của Việt Nam ở Paracel, tức quần đảo Hoàng Sa, như vậy, là đã kéo dài liên tục ít nhất là 74 năm, từ năm 1774, được ghi nhận trong chính sử. Ý chí và hành động nhằm khẳng định chủ quyền được vua Gia Long và vua Minh Mạng đã thể hiện trong văn bản “Các chuyến ra đảo”. Dù chỉ kéo dài nhiều nhất là 6 tháng nhưng liên tục từ năm này qua năm khác như thế là đủ. Nước Pháp công nhận việc thực thi chủ quyền của các chúa đại phong kiến Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chịu trách nhiệm kế thừa.

Năm 1884, hiệp ước Patenôtre Huế đã áp đặt chế độ thuộc địa của Việt Nam. Nước Pháp có nghĩa vụ bảo hộ, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của xứ An Nam.

Ngày 9/6/1885, hiệp ước Pháp – Thanh tại Thiên Tân chấm dứt xung đột Pháp – Thanh. Việt Nam đã chính thức vĩnh viễn thoát khỏi chế độ phong kiến với phương Bắc.

Ngày 26/6/1887, thêm một hiệp ước Pháp – Thanh nữa được ký kết về vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nghĩa là từ đây, mọi tuyên bố hay hành vi của Pháp về Hoàng Sa, Trường Sa được hiểu và trên thực tế là đại diện cho Việt Nam, của Việt Nam.

Năm 1895, con tàu La Bona và năm 1896 con tàu Imeji Maru đã bị đắm ở gần Hoàng Sa. Những người đánh cá ở đảo Hải Nam đã đến thu lượm đồng nát từ hai chiếc tàu đắm này. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu này đã lên tiếng phản đối với chính quyền Nhà Thanh. Chính quyền Nhà Thanh trả lời rằng họ không chịu trách nhiệm, lấy lý do là Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, cũng không phải là lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 1899, toàn quyền Pondichéry đề nghị chính phủ Pháp xây dựng ngọn hải đăng tại Hoàng Sa nhưng việc này không thành vì lý do tài chính.

Năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng đã ra lệnh cho Đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa, cuộc đổ bộ này kéo dài không quá 24 giờ. Họ lên Hoàng Sa, kéo cờ và bắn súng để biểu thị chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ thì lại rút đi.

Sự kiện này không gây ra phản ứng gì của các nước, kể cả là Pháp, đại diện cho An Nam, vì Pháp cho rằng đó chỉ là một nghi thức hải quân nhân chuyến thăm sát đảo này. Điều này cũng làm lộ ra mâu thuẫn trong các lập luận của Trung Quốc. Nếu quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc chiếm cứ thực sự từ lâu thì tại sao Lý Chuẩn lại không biết điều này và đã hành xử như là kiểu người đầu tiên phát hiện ra quần đảo vậy?

Đến năm 1920, một công ty Nhật Bản là Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa, đã bị Pháp từ chối. Cũng kể từ đó, Pháp kiểm soát thuế quan và tuần tiễu trên đảo.

Đến tháng 3/1921, Tổng đốc Lưỡng Quảng lại tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa với đảo Hải Nam. Pháp không phản đối, nhưng ngay sau đó, các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội người Pháp ở Hà Nội đã chỉ trích Ông Toàn quyền Đông Dương về thái độ hững hờ này. Đến tháng 3/1925, Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Martial Henri Merlin long trọng tuyên bố là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. Chính phủ bảo hộ thuộc địa nhận trách nhiệm về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát và nghiên cứu khoa học. Cũng kể từ năm 1925, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành những thí nghiệm khoa học đầu tiên trên quần đảo Hoàng Sa do Tiến sĩ Gruvel tổ chức.

Năm 1927, Tàu de Maleisie đã viễn thăm quần đảo Trường Sa. Đầu năm 1930, ba tàu của Pháp là La Malicieuse, L’Alerte, L’Astrobale đã khảo sát, chuẩn bị cho việc chiếm hữu quần đảo Trường Sa.

Ngày 13/4/1930, Toàn quyền Đông Dương là Pasquier đã điều tàu La Malicieuse ra quần đảo Trường Sa. Tại đây, Đại úy hải quân De Lattrie đã nhân danh nước Pháp bắn 21 loạt đại bác, tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ tất cả các hòn đảo ở Trường Sa và các vùng biển phụ cận, và kéo cờ trên đảo Bão Tố (tức đảo Spratly, nay còn được gọi là đảo Trường Sa lớn). Văn bản báo cáo ghi rõ: “Trường Sa nằm ở 8 độ 39 phút Vĩ Bắc và 111 độ 55 phút Kinh Đông”.

Ngày 23/9/1930, Pháp gửi thông báo ngoại giao tới tất cả các nước có liên quan về chủ quyền của Pháp trên quần đảo Trường Sa. Trong thông báo ghi rõ: “Phủ Toàn quyền Đông Dương ra thông cáo để thông báo cho các nước thứ ba biết về việc Cộng hòa Pháp chiếm hữu toàn bộ quần đảo Spratly”. Thông báo này cũng được đăng trên công báo của Phủ Toàn quyền.

Năm 1931, Trung Hoa ra lệnh khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa và bán quyền khai thác cho công ty Anglo-Chinese Development. Tuy nhiên, Pháp đã phản đối.

Năm 1932, Pháp chính thức tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa, sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghĩa là, Pháp công nhận và chịu trách nhiệm thừa kế chủ quyền của Việt Nam từ trước đó. Tiếp tục thực thi chủ quyền tại hai quần đảo này. Đây là một bước đi quan trọng và là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với lãnh thổ quốc gia.

Năm 1933, quần đảo Trường Sa được sáp nhập với tỉnh Bà Rịa. Pháp đã ra thông báo chính thức về sự chiếm hữu của các đảo Trường Sa trên nhật báo của Pháp. Pháp cũng đề nghị với Trung Quốc là đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, nhưng Trung Quốc đã từ chối. Việc thuyết phục các nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương quan tâm một cách thiết thực hơn đối với chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm đầu thế kỷ 20 là một quá trình không đơn giản, bởi lúc đó, khác với ngày nay, việc chiếm hữu các đảo ở xa chỉ mang đến sự tốn kém, phức tạp, nguy hiểm, rất ít lợi ích.

Chính chủ quyền hiển nhiên đã có từ lâu trong lịch sử của các vương triều An Nam đối với biển đảo mới là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy các quan chức Pháp tại Hà Nội thiết tha hơn và cảm thấy có trách nhiệm nặng nề hơn với Hoàng Sa và Trường Sa. Công đầu trong việc thúc đẩy này thuộc về tờ tuần báo Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương. Tờ tuần báo L’Éveil Economique de l’indochine, ra số đầu tiên vào thứ bảy ngày 16/6/1917 và số cuối cùng là vào năm 1934. Người sáng lập và là chủ bút, cũng là tác giả của nhiều bài viết trong tuần báo này là Henri Cucherousset, ông qua đời tại Hà Nội vào năm 1934 và cũng là người đặc biệt yêu mến Hoàng Sa, chiến đấu không mệt mỏi cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong 835 số tuần báo, chính phủ Pháp và An Nam đã triệt để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa với chính quyền quân phiệt Quảng Đông lúc đó đã ly khai khỏi Trung Quốc, cho nên, chính quyền Quảng Đông không được Trung Quốc và các nước khác thừa nhận. Ông Henri Cucherousset đã đưa vấn đề ra Thượng viện và Hạ viện Pháp, vì lý do là Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội đã không nỗ lực quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.

Về trách nhiệm của nước Pháp và các quan chức Pháp tại Đông Dương, tác giả trách cứ một số quan chức Đông Dương vô trách nhiệm đối với chủ quyền của Quần đảo Hoàng Sa và nhờ đó các chính khách đã quan tâm đến vấn đề quần đảo Hoàng Sa hơn.

Ngày 14/3/1933, Pháp cho đội tàu gồm La Malicieuse, L’Alerte, L’Astrobale và De Lanessan từ Sài Gòn đến Trường Sa, ghé qua hàng loạt các cụm đảo, cụm này gồm Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Tây và Đá Châu Viên, bãi san hô gồm; đảo Ba Bình, đảo Bàn Than, đảo Sơn Ca, đảo Núi Thị, Én Đất, Nam Yết, Đá Lạc, Ga Ven, bãi san hô Loại Ta, cụm rạn Thị Tứ và rạn Thám Hiểm phía Bắc. Tại từng địa điểm đi qua, người Pháp đã tổ chức nghi lễ chiếm hữu tại các đảo chính thuộc nơi đó.

Ngày 19/7/1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo về tuyên bố chủ quyền của Pháp, kèm theo danh sách liệt kê tên các đảo đã chiếm hữu, gồm sáu thực thể. Thứ nhất là Trường Sa Lớn, tuyên bố chủ quyền ngày 13/11930. Đảo An Bang, tuyên bố chủ quyền ngày 7/4/1933. Đảo Ba Bình, tuyên bố chủ quyền ngày 10/4/1933. Nhóm Song Tử gồm Song Tử Đông và Song Tử Tây, tuyên bố chủ quyền cũng ngày 10/4/1933. Đảo Loại Ta, tuyên bố chủ quyền ngày 11/4. Đảo Thị Tứ, tuyên bố chủ quyền ngày 12/4. Pháp tuyên bố những hòn đảo nói trên và các đảo phụ thuộc của từng hòn đảo này đều thuộc chủ quyền của Pháp.

Sau đó, Pháp lần lượt thông báo cho các quốc gia có thể có lợi ích tại Trường Sa biết về hành động của Pháp. Trừ Nhật Bản, tất cả các nước được thông báo trong đó có Trung Quốc, Hà Lan Mỹ đều không có phản đối hoặc không có phản hồi.

Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ là Jean-Felix Krautheimer ký Nghị định số 4702, sát nhập một số đảo trên và các đảo phụ thuộc vào tỉnh Bà Rịa. Tuy nhiên, năm 1937, bất chấp sự phản đối của Pháp, Nhật đã chiếm tất cả các đảo ở ngoài khơi Đông Dương và đổi tên thành Shiman Gunto, tức là Tân Nam Quần đảo và đặt Hoàng Sa, Trường Sa dưới quyền Tài phán của Cao Hùng, Đài Loan.

Trong suốt thời gian Thế chiến thứ hai, cả hai quần đảo đều bị Nhật tuyên bố là đang bị Nhật chiếm đóng. Tuy nhiên, Nhật không cho quân đồn trú hay là tuần tra trên hai quần đảo.

Năm 1938, Pháp đã cho xây dựng bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa bộ đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đảo Pattle, (tức là Đảo Hoàng Sa của Quần đảo Hoàng Sa).

Ngày 4/4/1939, chính phủ Pháp gửi đi công hàm phản đối quyết định của Nhật và bảo lưu chủ quyền của Pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 6/5/1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định số 3282, tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị là Croissant và các đảo phụ thuộc, Am Phichit và các đảo phụ thuộc.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, ba cường quốc là Anh, Mỹ và Trung Quốc lúc bấy giờ, Tưởng Giới Thạch đại diện cho Trung Quốc đã nhóm họp tại Cairo, Ai Cập vào ngày 27/11/1943, để bàn về những quyết định hậu chiến và ra Tuyên bố Cairo.

Về biển đảo ở Thái Bình Dương tuyên bố đã viết rõ: Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng kể từ khi bắt đầu cuộc Thế chiến thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ mà Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu lý Đài Loan và bành hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa.

Tuyên bố này không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này có nghĩa rằng, Tuyên bố Cairo khẳng định các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc chỉ có Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ.

Ngày 26/7/1945, tại Potsdam của nước Đức bại trận, các nguyên thủ quốc gia của các nước thắng trận, bao gồm Harry Truman của Mỹ, Winston Churchill của Anh và Tưởng Giới Thạch khẳng định lại các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện.

Tuyên bố Potsdam về các điều khoản cho sự đầu hàng của Nhật Bản tương tự như một tối hậu thư đối với Nhật. Sự thực thì Trung Quốc lúc đó đã quá thỏa mãn với phần thưởng hậu chiến có được là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà không có Hoàng Sa và Trường Sa trong đó.

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản thua trận, phải rút khỏi Đông Dương, ngày 26/8/1945, quân đội Nhật phải rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 6/1946, Pháp khôi phục lại sự có mặt của mình tại Hoàng Sa, tại đảo An Vĩnh, nhưng ngay sau đó đã phải rút đi vì lý do chi viện cho cuộc chiến đang căng thẳng ở miền Bắc Việt Nam.

Chúng tôi một lần nữa muốn lưu ý rằng suốt chiều dài lịch sử cho đến tận những năm 1945, ngoài nỗ lực thị uy của chính quyền Quảng Đông vào năm 1909, cho quân lên đảo bắn mấy phát súng rồi rút, Trung Quốc không hề có sự chiếm cứ thực sự, liên tục hay sự quản lý hành chính thực tế nào trên các đảo ở biển Đông.

Cuối năm 1946, Tưởng Giới Thạch đưa quân chiếm đóng đảo Ba Bình ở Trường Sa. Tháng 1/1947, xua quân lên chiếm Phú Lâm của Hoàng Sa. Ngay lập tức, Pháp đã phản đối việc xâm phạm trái phép này của Trung Quốc, và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Các trạm khí tượng này về sau đã hoạt động liên tục trong suốt 26 năm, với những nhân viên Việt Nam cần mẫn, cho đến khi Trung Hoa Đại Lục cưỡng chiếm bằng quân sự vào năm 1974.

Ngày nay, thông tin về khí tượng, thủy văn phát đi từ Hoàng Sa vẫn được toàn thế giới biết đến với danh nghĩa là một trạm khí tượng của một hòn đảo nhiệt đới Việt Nam.

Cũng năm 1947, Pháp đã đề nghị đưa vấn đề tranh chấp ra trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc lại một lần nữa từ chối.

Tháng 10/1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chạy ra Đài Loan.

Tháng 5/1950, quân Đài Loan phải rút ra khỏi các đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, đảo Ba Bình ở Trường Sa. Các trại đồn chú của Pháp tiếp tục được duy trì ở Hoàng Sa.

Năm 1950, chính phủ Pháp đã chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý quần đảo này. Một năm sau đó, với thế giới và với Hoàng Sa, Trường Sa đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là hội nghị San Francisco ở California, nước Mỹ, giữa lực lượng đồng minh với Nhật Bản. Trước khi hội nghị San Francisco diễn ra, Trung Quốc Đại Lục đã thể hiện yêu sách của họ đối với các quần đảo qua tuyên bố của Bộ Trưởng ngoại giao Chu Ân Lai nhưng chính quyền Tưởng Giới Thạch không phản ứng gì. Lúc đó, đa số các nước vẫn công nhận chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch mới là đại diện chính thức cho Trung Quốc. Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 4/9 – 8/9/1951, có phái đoàn của 51 quốc gia tham dự, để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á- Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến.

Trong hội nghị này, Trung Hoa đại lục và Trung Hoa Dân Quốc đều không được tham dự, do Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai mới là đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Quốc.

Ngày 6/9/1951, ngoại trưởng Liên Xô là Gromyko đã đề nghị 13 khoản tu chính, trong đó có khoản tu chính liên quan đến việc Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc đại lục đối với quần đảo Hoàng Sa. Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu trống, một phiếu trắng và hai phiếu thuận. Danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế.

Đến ngày 7/9/1951, cũng tại hội nghị, Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

Ông đã nói rằng, cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt các mầm mống chiến tranh sau này. Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kết thúc hội nghị là việc ký kết hòa ước với Nhật. Trong hòa ước này, ở điều hai, đoạn F có ghi rõ: Nhật Bản phải khước từ mọi chủ quyền và đòi hỏi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau hội nghị tại San Francisco, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do chính quyền Bảo Đại quản lý. Đến năm 1954, hai quần đảo này được đặt dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 5/1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương. Đội tuần tra của Pháp trên đảo Hoàng Sa được thay thế bởi đội tuần tra của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Nhưng khi đó, chính quyền Trung Quốc Đại Lục đã bí mật cho quân đội bộ binh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, là các đảo thuộc cụm đảo An Vĩnh (phía Trung Quốc gọi là Tuyên Đức quần đảo). Trong khi đó, ở phía Tây, nhóm lưỡi liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm) thì vẫn do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng trên đảo Pattle nắm giữ.

Ngày 22/8/1956, một đơn vị hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia. Đến ngày 13/7/1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa là Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 174 về việc đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang.

Ngày 4/9/1958, Trung Quốc ra tuyên bố về hải phận 12 hải lý, áp dụng cho cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Phạm Văn Đồng đã gửi công thư cho Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai, thông báo tán thành và tôn trọng quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Công thư này không hề nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 1/1974, Trung Quốc tiến quân chiếm các đảo ở Hoàng Sa lúc đó đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, 75 sĩ quan và binh sĩ Sài Gòn hy sinh. Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Như vậy, từ năm 1974, trong vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa, Việt Nam đã bị tước mất yếu tố vật chất, nhưng chủ quyền của Việt Nam vẫn không bị gián đoạn do được đảm bảo bằng yếu tố tinh thần.

Tháng 12/1982, huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập. Nhưng điều quan trọng hơn, theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ 20, việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 ghi rõ: lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng chiếm đoạt bởi một quốc gia khác bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực hoặc là sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự chiếm đóng lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc là sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp. Do đó, các hành động dùng vũ lực của Trung Quốc là đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho đất nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đối với Trường Sa, ngày 14/2/1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố chính sách về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tháng 5/1975, Việt Nam thống nhất hai miền. Quân đội Nhân dân Việt Nam thay thế quân đội Việt Nam Cộng hòa tại quần đảo Trường Sa.

Năm 1977, Việt Nam ra tuyên bố lãnh hải đất nước, kể cả lãnh hải của các quần đảo. Khoảng thời gian này, một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa.

Tháng 3/1988, lần đầu tiên Trung Quốc đặt chân lên quần đảo Trường Sa bằng cách đưa quân tới xâm lược bãi đá Colin, bãi đá Len Đao và đảo Gạc Ma. Do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên hải quân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ.

Ngày 11/3/1988, tàu HQ 604 lữ đoàn 125 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ xuất phát từ vịnh Cam Ranh với 70 chiến sĩ của Trung đoàn 82 và 22 bộ đội của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma. Khi đang vận chuyển vật liệu lên đảo thì ba tàu chiến Trung Quốc áp sát, giật cờ, nã súng xâm chiếm đảo Gạc Ma. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu HQ 605 đang bảo vệ và xây dựng đảo Len Đao và tàu HQ 505 canh giữ đảo Colin.

Trận chiến này đã làm hai tàu chiến của Việt Nam bị chìm, một tàu hỏng, 64 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh, chín người bị phía Trung Quốc bắt giữ làm tù binh. Trung Quốc còn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu hộ. Phía Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó, Trung Quốc đã chiếm đóng đảo Gạc Ma.

Tháng 4/1988, Trung Quốc thành lập tỉnh thứ 33 bao gồm đảo Hải Nam và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Tháng 5/1989, Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa. Năm 1990, Trung Quốc đề nghị khai thác chung quần đảo Trường Sa. Năm 1992, Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nữa. Năm 1994, đụng độ giữa Việt Nam và một số tàu cá Trung Quốc nghiên cứu cho công ty Crestone.

Tháng 2/1995, Trung Quốc lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, một đảo đá nhỏ lúc đó đang do Philippines chiếm đóng. Hiện nay, họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây và chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây. Đây là bãi cạn nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn. Tuy nhiên, vẫn chưa thành công.

Như vậy, tổng số bãi đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là bảy vị trí, bao gồm đá Châu Viên, đá Chữ Thập, cụm đá Gaven, đá Gạc Ma, đá Subi, đá Tư Nghĩa và đá Vành Khăn. Philippines cũng là nước tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa.

Philippines bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện ngày 17/5/1951, tổng thống Philippines tuyên bố các đảo ở quần đảo Trường Sa phải thuộc về lãnh thổ gần nhất là Philippines.

Trong cuộc họp báo ngày 15/9/1956, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định rằng, nhóm đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa, phải thuộc về chủ quyền Philippines vì chúng nằm gần Philippines nhất. Quần đảo Trường Sa chỉ cách Philippines có 300 km. Từ năm 1971 – 1973, Philippines đưa quân ra chiếm đóng năm đảo.

Từ năm 1977 – 1978, Philippines chiếm thêm hai đảo. Năm 1979, Tổng thống Philippines Marcos ra sắc lệnh gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa lớn, vào trong một đơn vị hành chính gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines.

Năm 1980, Philippines chiếm đóng thêm một đảo nữa nằm về phía Nam của Trường Sa. Đó là đảo Công Đỏ. Hiện nay Philippines đang chiếm đóng 9 vị trí trong quần đảo Trường Sa, bao gồm bảy đảo, đá san hô và hai bãi cạn, rạn san hô. Cụ thể bao gồm; đảo Bến Lạc, đảo Bình Nguyên, đảo Loại Ta, đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Vĩnh Viễn, đảo Loại Ta Tây, đá Công Đỏ, bãi Cỏ Mây.

Trên thực địa tại Trường Sa, Malaysia cũng đang nắm giữ mấy đảo, mở đầu bằng sự việc Sứ quán Malaysia ở Sài Gòn ngày 3/2/1971 đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa và hỏi rằng đảo Trường Sa hiện thời thuộc nước Cộng Hòa Morac Songhrati và nó có thuộc về lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng hòa có yêu sách gì đối với quần đảo đó hay không?

Ngày 20/2/1971, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã trả lời rằng, quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam, mọi xâm phạm chủ quyền ở quần đảo này đều bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế. Đến tháng 12/1979, chính phủ Malaysia xuất bản bản đồ gộp vào lãnh thổ Malaysia khu vực phía Nam Trường Sa, bao gồm đảo An Bang và Thuyền Chài, đã từng do quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ. Từ năm 1983 – 1984, Malaysia cho quân chiếm đóng ba bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân. Đến năm 1988, họ chiếm đóng thêm hai bãi ngầm nữa là Én Đất và Thám Hiểm. Đến nay, số điểm đóng quân của Malaysia là năm điểm, đều nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, tất cả đều là các rạn san hô. Cụ thể là đá Én Ca, đá Hoa Lau, đá Kỳ Vân, đá Kiệu Ngựa, bãi Thám Hiểm.

Tiếp theo là Đài Loan. Đài Loan hiện đang chiếm đóng đảo Ba Bình, đây là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm một bãi cạn, đá san hô.

Brunei tuy được coi là một bên tranh chấp liên quan đến khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng trên thực tế Brunei chưa chiếm đóng một vị trí cụ thể nào. Yêu sách của họ là ranh giới vùng biển và thềm lục địa được thể hiện trên bản đồ có phần chồng lấn lên khu vực phía Nam Trường Sa.

Các bạn hãy cùng nhìn lại một lần nữa toàn cảnh thực trạng ở Trường Sa. Việt Nam hiện đang chiếm giữ 21 đảo, đá. Trung Quốc 7. Philippines 9. Malaysia 5. Đài Loan 1. Brunei không chiếm đảo nào. Như vậy, có tới sáu quốc gia và vùng lãnh thổ tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Quay trở lại với câu chuyện của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, những sự kiện điển hình vừa dẫn ở trên đã cho thấy ý đồ và những bước đi của nhà cầm quyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua đã diễn ra theo một logic đáng ngại cho hòa bình và công pháp quốc tế.

Nhưng không dừng ở đó, ngày 26/2/2011 và ngày 30/11/2012, tàu Trung Quốc đã vào đến tận khu vực thềm lục địa của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp địa chấn, cáp thu tín hiệu của tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Petro Việt Nam.

Đến tháng 5/2014, Trung Quốc lại đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981. Cùng với đó là hàng chục máy bay chiến đấu, hàng trăm tàu quân sự vào thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá DNA 90152 của ngư dân Đà Nẵng trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, cách vị trí giàn khoan này 17 hải lý.

Tháng 6/2014, Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều dàn khoan khác xuống biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải 09, đặt hạ ngay tại cửa vịnh Bắc Bộ, nơi đang được chờ phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thực chất, đây là một cuộc xâm lăng với tất cả các dấu hiệu vừa cổ điển, vừa chưa từng có trong tiền lệ. Cổ điển vì nó đã vượt biên giới, có vũ khí, hành động đơn phương với mưu đồ cưỡng chiếm, đánh thổ và thôn tính lâu dài. Nhưng lại chưa có tiền lệ vì sử dụng lãnh thổ di động, chưa nổ súng và có thể không nổ súng, nhưng vẫn có khả năng biến lãnh thổ quốc gia khác thành vùng tranh chấp rồi mới cưỡng đoạt.

Giấc Mơ Trung Hoa trên thực tế đã dần trút bỏ lớp lá nho che đậy nhưng cũng không kém phần trơ trẽn của nó. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác xa với những gì mà Trung Quốc nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới