“Nóng” trở lại, nghĩa là trước đó, nơi nay từng “nóng”? Đúng vậy. Đó là cái “nóng” do sự cạnh tranh địa-chính trị giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Cảm giác của dư luận về cái “nóng” ở khu vực Nam Thái Bình Dương bắt đầu gần như cùng thời điểm ông Biden thay ông Trump tiếp quản Nhà trắng đầu năm 2021, gắn với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Động thái của Mỹ càng tăng lên khi Bắc Kinh ráo riết thực hiện các bước đi nhằm cạnh tranh với Mỹ trong việc gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc tại khu vực này.
Nói cạnh tranh với Mỹ vì sao? Vì lâu nay Washington vẫn mặc định, Austraylia là đồng minh thì đã đành, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương cũng phải nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ, nhất là về an ninh. Nhưng Mỹ hơi chủ quan. Trung Quốc chỉ chấp nhận điều đó khi còn nghèo khó. Nay thì tương quan Mỹ – Trung đã và đang khác, chưa đối đẳng hoàn toàn với Mỹ, nhưng chẳng ai không thừa nhận, quốc gia 1,4 tỷ dân này, sau thời gian dài cam chịu “khổ nhục kế” mang tên “ẩn mình chờ thời” đã qua rồi. Giờ là lúc Trung Quốc phải vùng vẫy để không thể chậm chân hơn Mỹ trước những lợi ích có thể có được, trong đó, có lợi ích về việc nếu không thu phục hoàn toàn, thì cũng gia tăng ảnh hưởng lên các quốc gia Nam Thái Bình Dương như một phần tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.
Chuyến ngoại giao con thoi tới 10 quốc gia Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ quần đảo Solomon vào ngày 26/5/2022, của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, có thể coi là điển hình cho những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa tham vọng này. Không hổ danh “cáo già ngoại giao”, từ trước chuyến đi, ông Vương đã cho gửi dự thảo thông cáo và một kế hoạch hành động 5 năm, trong đó cài vào nội dung nhạy cảm: Trung Quốc tham gia tiến hành huấn luyện lực lượng cảnh sát địa phương và tham gia bảo đảm an ninh mạng, mở rộng các mối liên hệ chính trị, thực hiện hoạt động đo đạc hàng hải, và tiếp cận được nhiều hơn các nguồn tài nguyên trên bộ và trên biển với các nước. Bắc Kinh hy vọng sẽ nhận được cái gật đầu của tất cả trong hội nghị trực tuyến tại Fiji ngày 30/5 với ngoại trưởng 10 nước Thái Bình Dương như Quần đảo Solomon, Fiji, Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu và Niue…
Tuy nhiên, thực tế phũ phàng hơn ông Vương Nghị tưởng khi ông và ngoại trưởng 10 đảo quốc Thái Bình Dương đã không thể đạt được sự đồng thuận trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận an ninh và thương mại đa phương toàn khu vực, và do vậy, không thể ra được thông cáo chung về vấn đề này.
Bình luận về kết quả, nhiều nhà phân tích thời điểm ấy cho rằng: Bắc Kinh không nên đổ lỗi cho ai. Với phần lớn các đảo quốc kia, tiền nào chẳng là tiền; tiền nào cũng đều quý. Nhưng bất chấp ông Vương trấn an: “Đừng quá lo lắng và đừng quá bất an, vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác sẽ chỉ mang ý nghĩa hòa hợp, công lý và tiến bộ lớn hơn cho cả thế giới”, việc Trung Quốc tỏ ra quá sốt sắng được tham gia an ninh, kinh tế và chính trị ở Nam Thái Bình Dương đã khiến các các quốc gia cảnh giác về mất tài nguyên, sa vào “bẫy nợ” cũng như phụ thuộc chính trị vào Bắc Kinh.
Về “bẫy nợ”: Sri Lanka và Lào chẳng hạn, những quốc gia từng đã, và suýt vỡ nỡ, hiện đang cùng là con nợ lớn của Trung Quốc đó thôi. Còn về chính trị: Campuchia thời ông Hun Sen (nhiều khả năng, cả thời ông Mannet hiện nay nữa), một khi Bắc Kinh “bảo im là im”. Thí dụ cho điều này, có thể nhắc lại sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN năm 2012 đã không thể ra được tuyên bố chung, chỉ vì sự “phá ngang” của nước chủ nhà Campuchia không muốn một từ, một ngữ nào liên quan câu chuyện Biển Đông chen vào văn bản.
Dĩ nhiên, bên cạnh việc sợ bị Bắc Kinh chi phối, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương còn e dè Mỹ. Washington thời điểm đó dõi theo từng động thái nhỏ của ông Vương Nghị. Nếu biết các đảo quốc trên vồ vập và mở lòng hết cỡ với Bắc Kinh, Washington thể nào chẳng giận dữ. Chỉ cần nghĩ tới tình huống ấy, các đảo quốc kia đã lường ra thân phận “ruồi muỗi” của mình sẽ như thế nào nếu cuộc đấu giành giật lợi ích kinh tế và chính trị giữa hai “con bò tót” Mỹ – Trung xảy ra.
Ngẫm ra, 10 đảo quốc Nam Thái Bình Dương bé tí ti hóa ra lại có tầm nhìn xa. Sau hai năm, câu chuyện cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ, đối với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương lại được hâm nóng. Hâm nóng với lời “nhắc nhở” mới đây của thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Richard Verma. Cụ thể, trước thông tin ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkachenko cho biết, nước này đang trao đổi với Trung Quốc về thỏa thuận an ninh tiềm năng; Trung Quốc đề xuất hỗ trợ lực lượng cảnh sát của Papua New Guinea về huấn luyện, trang bị và công nghệ giám sát…, ngày 5/2, ông Verma đã nói rằng: “Chúng tôi muốn mọi người lựa chọn thỏa thuận an ninh hay cơ hội đầu tư hay kết nối hiện đại với những quốc gia chơi theo luật, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Rõ quá còn gì: không chỉ ám chỉ Bắc Kinh không “chơi theo luật”, ở đây, ông Verma còn cảnh báo Papua New Guinea, cũng như các đảo quốc Nam Thái Bình Dương nữa đấy, rằng: đừng có “chơi” với Trung Quốc. Điều đó không chỉ tốn kém, mà còn có thể nẩy sinh các vấn đề khác.
Phớt lờ cảnh báo này, khả năng “sinh chuyện” với Mỹ là thật chứ chả chơi!
T.V