Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân khiến đôi rồng đá tại di sản thế giới Thành nhà Hồ (H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bị cụt đầu.
Thành nhà Hồ – di sản thế giới đã tồn tại hơn 600 năm qua và có nhiều điều bí ẩn cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được, trong đó có đôi rồng bằng đá bị cụt đầu.
Đôi rồng đá hiện nằm ở khu vực trung tâm Thành nhà Hồ. Đây là đôi rồng được người dân phát hiện khi làm ruộng trong nội Thành nhà Hồ từ năm 1938, và cho đến nay vẫn chưa ai có thể khẳng định nguyên nhân vì sao đôi rồng bị cụt đầu.
Theo các nhà nghiên cứu, đôi rồng này được đặt tại bậc thềm của kinh thành Tây Đô xưa. Có thể 2 hiện vật này thuộc thềm bậc của những kiến trúc khác nhau, vì chúng có kích thước và hình thức không đồng nhất.
Trong văn hóa Á Đông và các triều đại phong kiến Việt Nam, rồng là biểu tượng cho sự thiêng liêng, hiện thân cho sức mạnh và uy quyền tuyệt đối của hoàng đế. Trải qua các triều đại phong kiến, kiểu dáng con rồng có những thay đổi và chứa đựng những sắc thái riêng.
Đôi rồng đá này có chiều dài toàn thân khoảng hơn 3 m, đã bị mất phần đầu, phần còn lại đều có thân dài uốn lượn, mình phủ vảy hoa, bờm dài, 4 chân có móng sắc nhọn, có đao lửa thể hiện rồng đang chồm về phía trước. Đây là những đặc điểm của rồng thời Trần – Hồ.
Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ tiếp nhận một chiếc đầu rồng đá liên quan đến triều nhà Hồ do một người dân ở xã Vĩnh Phúc (H.Vĩnh Lộc) trao tặng. Tuy nhiên, từ đặc điểm của đầu rồng, các nhà nghiên cứu xác định không phải phần đầu rồng của một trong 2 con rồng đá bị cụt đầu.
Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận nào được chính thức đưa ra về nguyên nhân đôi rồng đá bị cụt đầu
Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải cho việc đôi rồng đá bị cụt đầu. Và lý giải có phần thuyết phục hơn cả về nguyên nhân rồng bị mất đầu là do sau khi quân xâm lược nhà Minh đánh chiếm Thành nhà Hồ, chúng đã phá hủy đầu rồng để đánh dấu cho sự chấm dứt của một vương triều.
Ngoài ra, còn một số lý giải khác về nguyên nhân rồng bị cụt đầu, như: trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có rất nhiều cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến để tranh giành sự thống trị, như nội chiến Nam – Bắc triều, chiến tranh Trịnh – Nguyễn, và cuộc tấn công của quân Tây Sơn đối với thế lực họ Trịnh dẫn tới việc hủy hoại các linh vật của vương triều cũ.
Trong dân gian cũng lưu truyền về sự tích đôi rồng bị người dân chặt đầu. Theo truyền thuyết, thủa xưa, làng Xuân Giai cạnh cổng Nam của Thành nhà Hồ thường xuyên bị cháy. Người dân cho rằng nguyên nhân là do đôi rồng đá quay đầu về làng phun lửa gây ra. Vì vậy, người dân đã chặt đầu đôi rồng đá để phòng cháy nhà, cháy làng.
Thành nhà Hồ – ngôi thành đá kỳ vỹ còn ẩn chứa trong nó nhiều điều bí ẩn cần được giải đáp.
T.P