Hãng tin Financial Times (FT) mới đây đưa tin Hungary là quốc gia thành viên duy nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ chối ký vào gói trừng phạt thứ 13 lên Nga trong cuộc họp của các đại sứ khối này ngày 14/2.
Theo truyền thông phương Tây, gói trừng phạt thứ 13 của EU đối với Nga được chuẩn bị trùng với dịp tròn 2 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các hạn chế mới, dự kiến sẽ được thống nhất trước ngày 24/2, được cho là sẽ nhắm mục tiêu vào 200 thực thể và cá nhân, hầu hết đến từ Nga.
Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng Kiev-Moscow leo thang vào đầu năm 2022, các công ty châu Á, bao gồm ba công ty Trung Quốc và một công ty Ấn Độ, đã được đưa vào danh sách.
Brussels cáo buộc bốn công ty này đã giúp Moscow lách các biện pháp kiềm chế của EU, chủ yếu bằng cách cung cấp cho nước này các bộ phận có thể được tái sử dụng để sử dụng cho máy bay không người lái và các hệ thống vũ khí khác.
Hãng tin FT dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, Hungary “không đồng ý với gói trừng phạt mới do các công ty Trung Quốc là mục tiêu của gói này”.
Một nguồn tin khác thì cho hay các đại sứ EU thực sự đã có “một cuộc trao đổi rất hiệu quả” về các biện pháp hạn chế. Hungary đã chặn gói này bằng cách nói rằng họ cần “thêm một chút thời gian để phân tích nội dung của các đề xuất”, nguồn thạo tin cho biết thêm.
Cũng theo các nguồn tin của FT, các cuộc thảo luận về việc tăng cường trừng phạt đối với Nga sẽ tiếp tục vào tuần tới.
Hungary đã có lập trường trung lập kể từ khi Nga và Ukraine leo thang căng thẳng vào tháng 2/2022.
Hungary lên án hoạt động quân sự của Moscow nhưng hạn chế cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Nước này cũng nhiều lần khẳng định rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính EU nhiều hơn là Nga.
Trong nhiều tháng qua, chính quyền Hungary đã chống lại áp lực từ Brussels và liên tục ngăn chặn EU cung cấp cho Kiev khoản viện trợ mới trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD), với lý do thiếu cơ chế để kiểm soát cách Ukraine sử dụng số tiền này. EU đã dùng nhiều biện pháp để thuyết phục, thậm chí đã vạch ra một chiến lược nhằm vào “điểm yếu kinh tế” của Hungary
Gói này cuối cùng đã được các quốc gia thành viên nhất trí vào đầu tháng 2 và dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê duyệt vào cuối tháng.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Trung Quốc đã chú ý đến các thông tin liên quan đến việc EU có kế hoạch trừng phạt các doanh nghiệp của nước này, đồng thời kiên quyết phản đối việc lấy lý do hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, đưa ra các lệnh trừng phạt bất hợp pháp chống lại Trung Quốc.
Theo ông Uông, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Nga là rõ ràng, trong sáng và không nhằm vào bên thứ 3, cũng như không bị bất kỳ bên thứ 3 nào can thiệp hay ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nước này.
Đối với vấn đề Ukraine, người phát ngôn nhấn mạnh Trung Quốc luôn giữ lập trường khách quan, công bằng, tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình, phát huy vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng.
Danh sách dự định của EU cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên để được thông qua, do đó, kế hoạch có thể có sự thay đổi. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của EU, nên việc tung ra các đòn trừng phạt được cho là không dễ dàng.
T.P