Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHÂN ĐẠI TRUNG QUỐC VỚI VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ NGÂN SÁCH...

NHÂN ĐẠI TRUNG QUỐC VỚI VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Kỳ họp lần thứ nhất Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc Khoá 12 khai mạc tại Bắc Kinh ngày 05/3/2013 và sẽ bế mạc vào ngày 17/5/2013 với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu.

Dư luận quốc tế hết sức quan tâm đến nội dung vấn đề biển đảo được đề cập tại kỳ họp lần này và ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ được thông qua tại kỳ họp Nhân đại.

Trước kỳ họp, Người phát ngôn Nhân đại Trung Quốc bà Phó Doanh (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao mới được điều sang làm Người phát ngôn của Nhân đại Trung Quốc) đã có cuộc trả lời báo chí. Về câu hỏi liên quan đến các vấn đề trên biển của phóng viên báo Kyodo Nhật Bản, bà Phó Doanh tiếp tục khẳng định nội dung đã được nêu trong văn kiện Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc là việc xây dựng cường quốc biển là nhu cầu phát triển hiện đại hoá của Trung Quốc; tăng cường xây dựng biển của Trung Quốc là bắt buộc.

Việc một quốc gia ven biển có chiến lược biển là bình thường, nhưng điều không bình thường ở chỗ Trung Quốc xây dựng cường quốc biển bằng cách chèn ép, bắt nạt, chiếm đoạt các hải đảo và vùng biển của các nước láng giềng với tư tưởng bá quyền. Nhưng tại cuộc họp báo thì bà Phó Doanh lại biện hộ rằng việc xây dựng biển của Trung Quốc đi bằng con đường phát triển hoà bình, hợp tác cùng thắng, chú trọng hợp tác trên biển với các nước láng giềng. Khái niệm hợp tác cùng thắng của Trung Quốc có thể hiểu là “cùng khai thác” trên vùng biển của các quốc gia láng giềng; biến các khu vực không tranh chấp trên thềm lục địa của các nước thành vùng tranh chấp để đòi “hợp tác cùng thắng”.

Bà Phó Doanh còn đổ lỗi cho các nước có hành động “khiêu khích” và không thực hiện những thoả thuận giữa các nước này với Trung Quốc để biện minh cho những hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng như biển Biển Đông thời gian qua.

Về quần đảo Senkaku, bà Phó Doanh viện dẫn “Tuyên bố Cai Rô” và “Tuyên bố Postdam” để cho rằng những vùng lãnh thổ này đã được trả lại cho Trung Quốc. Trong trường hợp này bà Phó Doanh trích dẫn hai tuyên bố nói trên để buộc Nhật Bản phải chấp nhận Senkaku có tranh chấp và tiến hành đàm phán với Trung Quốc vì Trung Quốc đang ở thế yếu là Nhật Bản đang quản lý và kiểm soát toàn bộ quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, trên thực tế cả “Tuyên bố Cai Rô” lẫn “Tuyên bố Postdam” không có nhắc gì đến Senkaku. Bà Phó Doanh đã bóp méo sự thật lịch sử, viện dẫn một cách bừa bãi các văn bản pháp lý để biện hộ cho quan điểm sai trái của mình. Bà Phó Doanh còn ngang nhiên cho rằng việc tàu hải giám Trung Quốc tuần tra ở khu vực quần đảo Senkaku là đương nhiên. Với phát biểu như vậy, thì rõ ràng là Trung Quốc đang cố ý làm cho tình hình Đông Hải ngày càng căng thẳng, muốn gây sức ép với Nhật Bản chứ đâu có mong muốn giải quyết vấn đề bằng thương hoà bình.

Trong phát biểu bà Phó Doanh nói Trung Quốc luôn mong muốn đối thoại, thương lượng để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Nhưng trên thực tế trong vấn đề quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc lại luôn khước từ đàm phán, khăng khăng cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc và không có tranh chấp. Nếu Trung Quốc có cơ sở pháp lý thì tại sao phải từ chối đàm phán về Hoàng Sa.

Nếu nhìn lại lịch sử thì thấy rõ rằng quần đảo Hoàng Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền ít nhất là từ thế kỷ 17. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì cả “Tuyên bố Cai Rô” lẫn “Tuyên bố Postdam” hoàn toàn không đề cập đến việc trao trả các quần đảo quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc mặc dù đại diện của Trung Quốc khi đó là Tưởng Giới Thạch đã ký vào các văn kiện này. Đặc biệt, tại Hội nghị San-fransisco năm 1951, khi bàn về sự quy thuộc của các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô đã đề nghị Nhật Bản trao trả các vùng lãnh thổ cho Trung Quốc, nhưng trong số 51 nước tham gia chỉ có 3 nước ủng hộ đề nghị của Nga, 48 nước còn lại đã bỏ phiếu chống lại đề nghị đề nghị của Liên Xô. Trong khi đó, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Quốc gia Bảo đại đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì không có bất cứ nước nào phản đối. Như vậy, cả về pháp lý lẫn lịch sử thì Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 tiếp tục dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước kỳ họp Nhân đại Trung Quốc mà bà Phó Doan đề cập nhiều đến vấn đề quần đảo Senkaku cũng như các vấn đề trên biển khác với những giọng điệu hết sức cứng rắn, ngạo mạn để kích động chủ nghĩa dân tộc trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng. Đây quả thực là một điểm khác biệt so với các kỳ họp Nhân đại trước đây ở Trung Quốc. Phải chăng phát biểu của bà Phó Doanh là khúc dạo ban đầu, khuyến khích cho những phát biểu theo hướng cứng rắn, hiếu chiến trong vấn đề Biển Đông tại kỳ họp Nhân đại lần này.

Còn về ngân sách quốc phòng khi được hỏi thì bà Phó Doanh lảng tránh bằng câu trả lời “mọi người sẽ biết sau khi Nhận đại thông qua”. Qua câu trả lời của bà Phó Doanh, các nhà nghiên cứu và các nhà phân tích đều dự đoán rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay sẽ tăng mạnh với 2 chữ số.

Trước thềm kỳ họp Nhân đại năm nay, mạng Thời báo Hoàn Cầu và mạng Nhân dân Nhật báo đã tiến hành cuộc điều tra xã hội về những câu hỏi liên quan đến an ninh quốc phòng. Cụ thể như sau: về câu hỏi “Trung Quốc tăng chí phí quân sự có hợp lý hay không? 67% người được hỏi cho rằng “hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu an ninh quốc gia”, 23% cho rằng “rất hợp lý, hoàn toàn phù hợp với an ninh quốc gia”, chỉ có 3% bày tỏ “không hợp lý”; về câu hỏi “tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc nên phát triển thế nào?” có 47% cho rằng nên đóng tàu sân bay hạt nhân, 24% cho rằng số lượng tàu sân bay của Trung Quốc nên tương xứng với Mỹ, 18% cho rằng nên đóng thêm nhiều tàu sân bay thông thường; về những tồn tại, bất cập trong quân sự Trung Quốc có 23% cho rằng “sức mạnh tổng hợp vẫn chưa đủ”, 21% cho rằng lực lượng trên biển chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền lợi biển của Trung Quốc; về phát triển vũ khí mới của Trung Quốc, 30% cho rằng vũ khí mới vẫn lạc hậu, cần nỗ lực hơn nữa….

Với kết quả điều tra nói trên và những phát biểu của bà Phó Doanh cũng như những hành động của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông và biển Hoa Đông có thể thấy Trung Quốc sẽ có một kỷ lục mới về ngân sách quốc phòng trong năm 2013 để phát triển lực lượng hải quân thực nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển như Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra. Điều này sẽ càng làm tăng thêm mối lo ngại cho các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng ta cùng chờ xem./.

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới