Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgừng bắn-ngừng bắn tạm thời-không ngừng bắn?

Ngừng bắn-ngừng bắn tạm thời-không ngừng bắn?

Đó là câu hỏi nhức nhối, câu hỏi thức tỉnh lương tâm loài người. Làm thế nào đây để Dải Gaza thôi cảnh đầu rơi máu chảy? Thế nhưng, đang có ba cách trả lời khác nhau. Vậy công lý nằm ở đâu?

Hôm 20/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã biểu quyết kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn giữa Israel và Hamas tại Gaza. Nghị quyết này do Algeria đề xuất. Xin lưu ý, Algeria không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.

Với đa số phiếu thuận, 13 thành viên của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Tức là: ngừng bắn vĩnh viễn!

Mỹ sau đó đã giới thiệu một nghị quyết khác thay thế, kêu gọi ngừng bắn tạm thời ở Gaza. Anh bỏ phiếu trắng. Mỹ bỏ phiếu phản đối.

Mỹ sau đó đã giới thiệu một nghị quyết khác thay thế, kêu gọi ngừng bắn tạm thời ở Gaza. Dịp này Mỹ kêu gọi Israel không phát động hoạt động quân sự tại Rafah, thành phố biên giới của Gaza giáp Ai Cập, vì “sẽ gây tổn hại hơn nữa cho thường dân và gia tăng di dời, bao gồm cả khả năng di cư tới các quốc gia láng giềng”. Thật là cái lý của kẻ mạnh.

Thất bại trong việc đưa ra nghị quyết đầy thiện chí, Đại sứ Algeria tại Liên hợp quốc tuyên bố: “Thông điệp của chúng tôi hôm nay là cộng đồng quốc tế nên phản ứng với những lời kêu gọi kết thúc giết hại người Palestine thông qua kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức”.

Đáp lại, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói với Hội đồng Bảo an: “Nhiều tuần nay, chúng tôi đã làm rõ rằng nghị quyết trước đó của Hội đồng sẽ không đạt được mục tiêu hòa bình lâu dài và thực tế có thể phản tác dụng”. Và, “tiến trình bỏ phiếu hôm nay là mơ tưởng hão huyền và vô trách nhiệm”.

Bà Linda Thomas-Greenfield nói rằng, nghị quyết về ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza nên được Hội đồng Bảo an chuẩn thuận. Được thế “chúng ta có thể đạt được ngừng bắn sớm nhất, dựa trên yêu cầu tất cả con tin phải được thả tự do. Ngừng bắn tạm thời sẽ là tối quan trọng để đưa viện trợ vào tay những thường dân Palestine”.

Không tán thành ngừng bắn vĩnh viễn, hay ngừng bắn tạm thời, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan cho rằng, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào đều là “viên đạn phủ bạc” cho Hamas (!), Ý ông này là, phải tiếp tục… tấn công, vì một thỏa thuận ngừng bắn vào lúc này sẽ cho phép Hamas có thời gian để thu thập đạn dược và lại tấn công Israel.

Mặc cho đại diện phía Israel lớn tiếng, Đại sứ Qatar tại Liên hợp quốc Alya Ahmed Saif Al-Thani nói rằng: Thay mặt Hội đồng Hợp tác Vùng binh – tổ chức bao gồm Ả Rập Saudi, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain – Liên hợp quốc cần lên án hoạt động quân sự đã được lên kế hoạch của Israel tại Rafah.

Qatar bày tỏ sự ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn tại Gaza.

Sự “ông chẳng bà chuộc” trong những vấn đề vô cùng quan thiết của thế giới, của Trung Đông đang nóng lên từng ngày khiến chúng ta thêm lo ngại về mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.

Không phải bây giờ HĐBA Liên hợp quốc mới bày tỏ thái độ dứt khát về cuộc chiến ở Dài Gaza. Ngay sau khi xung đột nổ ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ hệ thống nhân đạo bị sụp đổ nghiêm trọng. Những tác động từ xung đột Hamas – Israel đối với người Palestine là vô cùng to lớn và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Đây là những con số đau xót: tính đến cuối tháng 12/2023, có khoảng 21.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 54.000 người bị thương, hơn một triệu người “trong cơn hấp hối”, cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc phải viện dẫn Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc để kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động ngay và kiên quyết ngăn chặn thảm họa đối với người Palestine ở Gaza.

Xung đột đã gây ra những tác động nghiêm trọng khác đến an ninh toàn cầu. Hoạt động chống người Palestine của Israel ở Dải Gaza bị lên án là “tội ác chiến tranh” làm dấy lên làn sóng “bài Do Thái”, đe dọa an ninh của cộng đồng người Do Thái ở nhiều nước trên thế giới. Trên Biển Đỏ, lực lượng Hồi giáo Houthi tổ chức nhiều cuộc tập kích vào các tàu mà họ cho là của Israel hoặc có liên hệ với quốc gia này, khiến tuyến thương mại huyết mạch chiếm hơn 15% giao thương toàn cầu bị ngưng trệ. Các tay súng Houthi thậm chí còn tấn công cả tàu chiến của Mỹ, tàu vận tải của một số nước phương Tây, làm cho an ninh hàng hải ở Biển Đỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, xung đột cũng làm cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thêm phức tạp và khó đoán định. Trong những năm qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cố gắng hạn chế can thiệp trực tiếp vào khu vực Trung Đông. Mục tiêu của Wasinghton là tập trung cho chiến lược “xoay trục” về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đã tổ chức xây dựng hành lang phía Đông kết nối Ấn Độ với các quốc gia vùng Vịnh Arab; hành lang phía Bắc kết nối các quốc gia vùng Vịnh với châu Âu thông qua Jordan và Israel.

Với Nga, việc Mỹ phải đầu tư nguồn lực lớn hơn cho xung đột tại Trung Đông chắc chắn sẽ giúp Moscow phần nào giảm áp lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Còn Trung Quốc, nước này sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong thực thi chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Rõ ràng xung đột Hamas – Israel càng kéo dài sẽ càng gây những hệ lụy khôn lường đối với an ninh khu vực và thế giới. Người dân Palestine và cả người dân Israel phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Hãy chấm dứt chiến tranh! Hãy tôn trọng Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc! Chỉ có như vậy mới tìm ra giải pháp phù hợp, xây dựng Trung Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì hạnh phúc, văn minh của người dân miền đất nóng này, và của cả loài người.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới