Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiền đâu Vietjet mua 100 máy bay Boeing?

Tiền đâu Vietjet mua 100 máy bay Boeing?

“Bàn đến chuyện tiền ở đâu để Vietjet mua máy bay, đừng chỉ nhìn vào mỗi Vietjet mà phải nhìn vào những nhà đầu tư, cổ đông của họ”, Cục trưởng Cục HK nói.

Ngày 23/5/2016, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tổng giám đốc Boeing – Ray Conner và Tổng giám đốc Vietjet Air – Nguyễn Thị Phương Thảo ký hợp đồng kinh tế trị giá 11,3 tỷ USD. 

Với bản hợp đồng này, Vietjet Air sẽ mua 100 chiếc máy bay B737 MAX 200 của Boeing trong vòng 4 năm (2019 – 2023) nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng.

Những hợp đồng tỷ USD mang thương hiệu Vietjet

Bản hợp đồng mua 100 máy bay B737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD được xem hợp đồng lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ từ trước đến nay, thậm chí được coi là một trong các hợp đồng lịch sử của hãng sản xuất máy bay Boeing.

Bên cạnh hợp đồng ký kết với Boeing, trong trưa ngày 23/5/2016, Vietjet Air đã ký hợp đồng cùng lúc với Tập đoàn United Technologies Corp để mua động cơ cho đội tàu bay mà Vietjet đã ký kết và đặt hàng với nhà cung cấp máy bay.

Hợp đồng ký kết cũng có giá trị rất lớn – 3.04 tỷ đô la Mỹ.

Trước đó, vào ngày 10/11/2015, lãnh đạo hãng hàng không Vietjet Air và Tập đoàn Airbus đã ký bản hợp đồng đặt mua thêm 30 máy bay A321 (21 chiếc A321neo và 9 chiếc A321ceo) thế hệ mới, với tổng giá trị công bố 3,6 tỷ đô la Mỹ.

Đầu năm nay, tham dự Triển lãm Hàng không quốc tế Singapore Airshow 2016, Vietjet và Tập đoàn SR Technics (Thụy Sĩ) ký hợp đồng đối tác chiến lược cung cấp các dịch vụ về phụ tùng tàu bay và sửa chữa bảo dưỡng cho dòng tàu bay A320/A321.

Hợp đồng có tổng giá trị khoảng trên 60 triệu đô la Mỹ. 

Cũng tại Singapore Airshow 2016, Vietjet Air và Airbus đã ký kết thỏa thuận thành lập trung tâm huấn luyện Airbus tại Việt Nam, tập trung cho đào tạo phi công, kỹ sư, thợ máy, điều phái bay và giáo viên.

Còn nhớ cuối năm 2013, Vietjet Air ký thỏa thuận đặt mua 100 máy bay với nhà sản xuất Airbus, phục vụ kế hoạch phát triển của hãng. Giá trị Hợp đồng cho 63 chiếc máy bay là 6,4 tỷ đô la Mỹ và tổng giá trị Hợp đồng cho 100 chiếc tàu bay là 9,1 tỷ đô la Mỹ.

Tiếp đó tại triển lãm hàng không (AirShow) ở Singapore năm 2014, VietJet Air và Airbus đã cụ thể hóa thỏa thuận đặt mà bằng lễ ký kết Hợp đồng triển khai đơn hàng hơn 100 tàu bay.

Theo hợp đồng, Vietjet Air sẽ mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus, bao gồm 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác..  

Những chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng đã được giao hàng ngay trong năm 2014. 

Tiền đâu Vietjet mua máy bay?

Mặc dù đến thời điểm này phía Vietjet Air chưa có câu trả lời chính thức về việc việc thu xếp tài chính cho đơn hàng tỷ USD vừa ký kết với Boeing nhưng theo nhiều chuyên gia, Vietjet Air sẽ có cách riêng của mình, nhất là sau khi hợp đồng 100 tàu bay với Airbus đang dần hiện thực hóa, bỏ lại phía sau những nghi ngại ban đầu về một hợp đồng mang tính PR, truyền thông.

“Bàn đến chuyện tiền ở đâu để Vietjet mua máy bay, đừng chỉ nhìn vào mỗi Vietjet mà phải nhìn vào những nhà đầu tư, cổ đông của họ”, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không nói.

Báo Giao thông dẫn lời Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, bàn đến chuyện tiền ở đâu để Vietjet Air mua máy bay thì chúng ta đừng chỉ nhìn vào mỗi Vietjet Air mà phải nhìn vào những nhà đầu tư, những cổ đông của họ.

“Tất nhiên, Vietjet đã quyết định đặt bút ký hợp đồng, họ phải có những tính toán riêng của mình”, ông Thanh nói và cho biết thêm theo thông lệ quốc tế, với các hợp đồng mua máy bay, chỉ cần 15% vốn, còn lại là đi vay”.

Cũng theo ông Thanh, Vietjet Air nhiều lần khẳng định tham vọng trở thành hãng hàng không hàng đầu của khu vực và việc ký Hợp đồng “khủng” với Boeing lần này là một trong những bước đi quan trọng để hiện thực hóa tham vọng này.

Còn nhớ, năm 2014, khi nói về việc thu xếp tài chính cho hợp đồng mua và thuê 100 máy bay với Airbus, ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc điều hành Vietjet Air, cho biết hãng đã “bắt tay hợp tác với các ngân hàng và thể chế tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới”.

“Đây là những cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi”, ông Khánh nói. 

Đến thời điểm này, dễ thấy ngân hàng và thể chế tài chính hàng đầu đang tư vấn và thu xếp tài chính trong các hợp đồng mua máy bay của Vietjet Air chính là Ngân hàng BNP Paribas.

BNP Paribas là Ngân hàng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính hàng không, phục vụ 128 hãng hàng không và các công ty cho thuê máy bay trên thế giới. 

Tại triển lãm hàng không (AirShow) ở Singapore năm 2014, ngân hàng BNP Paribas và Vietjet Air đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đó BNP Paribas được chỉ định tham gia tư vấn thu xếp tài chính 3 chiếc máy bay mà Vietjet Air sẽ nhận trong năm 2014 và 2015 theo giá niêm yết (trong hợp đồng với Airbus) là 270 triệu đô la Mỹ.

Hai bên cũng nhất trí BNP Paribas sẽ là đối tác chiến lược của Vietjet Air trong các kế hoạch thu xếp tài chính khác trong tương lai. 

Đến ngày 15/4/2015, Ngân hàng BNP Paribas và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác tài trợ tín dụng mua máy bay trong năm 2015 và 2016.

Theo nội dung thỏa thuận này, BNP Paribas sẽ thu xếp gói tín dụng cho Vietjet Air thanh toán trước khi giao hàng cho Airbus với 5 máy bay thuộc thế hệ A320 với số tiền tài trợ gần 60 triệu USD.

Một tình tiết đáng chú ý khác tại lễ bàn giao máy bay Airbus đầu tiên thuộc sở hữu của Vietjet trong hợp đồng mua và thuê 100 chiếc Airbus (Toulouse, Pháp hôm 26/11/2014), chiếc máy bay đầu tiên của Vietjet này mang biểu tượng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo thông cáo phát đi, Vietcombank được nói đến trong sự kiện này là “ngân hàng dẫn đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ thuê và mua máy bay”.

Ngoài Vietcombank, tham dự lễ ban giao này còn có đại diện của một số ngân hàng trong và ngoài nước. Thông tin của Vietjet Air cho biết, đây cũng là đại diện cho những đầu mối tài trợ, thu xếp vốn cho Vietjet Air thực hiện gói hợp đồng trên.

Trong năm đó, nói về các phương án tài chính để thực hiện hợp đồng mua máy bay cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh, ông Khánh cũng đề cập đến một hướng đi dự kiến là thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Đánh giá về tác động của bản hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của Vietjet Air mới đây lên thị trường hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh trả lời trên báo Giao thông cho biết: “Thị trường hàng không trong nước chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Việc Vietjet đưa 100 tàu bay vào khai thác trong khoảng thời gian không phải là dài, dự kiến từ năm 2019 và kết thúc vào năm 2023 sẽ khiến thị trường thêm một lượng tải cung ứng cực lớn. Từ đây, các hãng sẽ phải xây dựng kế hoạch phát triển của mình cho phù hợp, từ đội tàu bay, mạng đường bay, thị trường trong nước, quốc tế”.

Cùng đó, ông Thanh cho biết, Vietjet Air sẽ khai thác 100 tàu bay này không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà cả ở nước ngoài, cụ thể là những hãng hàng không mà Vietjet Air đầu tư ở nước ngoài.

Liên quan đến hạ tầng, ông Thanh cũng thừa nhận, kế hoạch đầu tư tàu bay này của Vietjet Air chắc chắn sẽ gây sức ép lớn lên hạ tầng hàng không trong nước vốn đã rất khó khăn.

RELATED ARTICLES

Tin mới