Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Obama hiểu thấu tâm can và sức mạnh người Việt

Tổng thống Obama hiểu thấu tâm can và sức mạnh người Việt

Ông Obama rất nhân văn, rất khiêm cung trong ứng xử. Bởi cũng có những quốc gia khác trong lịch sử đã từng xâm lược Việt Nam, nhưng…

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, ảnh: AAP.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam là một sự kiện trọng đại, một bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Mỹ. Người dân Việt Nam nồng nhiệt chào đón vị quốc khách không chỉ bởi ông là người đứng đầu siêu cường số một trên thế giới hiện nay, mà còn bởi sự thân thiện, nhã nhặn, lịch thiệp và gần gũi với đại chúng của người đứng đầu Nhà Trắng.

Được vinh dự trực tiếp nghe Tổng thống Obama có bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, cá nhân tôi cảm nhận rất rõ tầm vóc lớn lao của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như tình cảm của khán thính giả trực tiếp nghe ông phát biểu, cũng như những người dân đứng dày đặc ven đường chào đón ông.

Ngay cả cách ông chọn phát biểu trước 2000 ngàn thính chúng gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam từ già đến trẻ, từ sinh viên đến doanh nhân, trí thức cũng là một điều chưa từng có tiền lệ.

Người viết cho rằng, bằng cách này ông Obama có thể tiếp xúc rộng rãi hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn với các tầng lớp nhân dân Việt Nam thay vì chỉ phát biểu trong phạm vi hẹp của một trường đại học hay phát biểu trước diễn đàn Quốc hội như nhiều chính khách khác. Chỉ điều này thôi cũng cho thấy tầm vóc của ông Obama.

Khi nghe bài phát biểu cực kỳ lôi cuốn, chuyên nghiệp và tự nhiên của Tổng thống Obama, nhiều lần cảm giác “lạnh sống lưng” xuất hiện trong tôi khi thấy nhà lãnh đạo của siêu cường hàng đầu thế giới hiểu chúng ta quá rõ.

Có thể thấy chính ông Obama mà không phải ai khác, đã nhìn thấu, hiểu thấu tâm can và cội nguồn sức mạnh của người Việt. Ông trân trọng Việt Nam, đánh giá cao Việt Nam, và thực sự thiện chí mong muốn đẩy mạnh hợp tác quan hệ với Việt Nam.

Khẳng định nền độc lập dân tộc của Việt Nam là tinh thần xuyên suốt

Cả hội trường lặng đi giây lát và những tràng pháo tay bùng nổ khi ông Obama đọc lên 2 câu thơ thần của đức Lý Thường Kiệt và được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam:

“Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách Trời.”

Tổng thốnghống Obama và bộ phận tham mưu cho ông đã nghiên cứu rất kỹ và quá hiểu người Việt bằng câu thơ này và lối ví von tinh thần bất khuất, sức sống dẻo dai mãnh liệt của dân tộc Việt Nam như cây tre, lũy tre, một biểu tượng văn hóa của cuộc sống và truyền thống dựng nước giữ nước bao đời của người Việt.

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama khẳng định: “Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí của họ lên người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền của Việt Nam do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam.”

Nguyên thủ một nước khi thăm một quốc gia khác liên tục khẳng định nền độc lập tự chủ của nước chủ nhà, trong khi ông là đại diện của siêu cường số 1 mà không ngại bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình và đề cao tinh thần độc lập dân tộc của nước chủ nhà quả là điều hiếm thấy.

Nếu như về mặt hình thức, việc ông Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là phá bỏ rào cản cuối cùng, thực hiện bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, thì tinh thần ngưỡng mộ và tôn trọng, đề cao nền độc lập dân tộc của Việt Nam có lẽ đã xóa đi những nghi kỵ cuối cùng rơi rớt lại đâu đó về Hoa Kỳ.

Do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại, từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ lâu nay vẫn còn tồn tại đây đó những hoài nghi, dè chừng lẫn nhau trong quan hệ song phương.

Từ phía Mỹ vẫn còn có người lăn tăn cấn cá chuyện ý thức hệ hoặc có phải Việt Nam là “bản sao” của Trung Quốc hay không, còn từ phía Việt Nam vẫn còn quan điểm lo lắng liệu Mỹ còn âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam thông qua diễn biến hòa bình hay không.

Bài phát biểu của Tổng thống Obama cũng những cam kết của ông chủ Nhà Trắng đã là câu trả lời thuyết phục nhất.

Trước đó, Tổng thống Obama đã mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ để tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Lần này sang thăm Việt Nam, một lần nữa ông Obama tự tay vun bồi cho lòng tin chiến lược ấy.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh người Việt Nam chúng ta cần tiếng nói, sự ủng hộ và vai trò của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia trên Biển Đông trước nguy cơ bị đe dọa cùng với hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế – lợi ích thiết thực của Hoa Kỳ.

Một lần nữa Tổng thống Mỹ khẳng định, Việt Nam là nước độc lập có chủ quyền, không có bất kỳ quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của họ lên dân tộc Việt Nam. Thông điệp đó thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân mới đang trỗi dậy và tác oai tác quái trong khu vực.

Lịch sử chống ngoại xâm và lòng yêu nước là cội nguồn sức mạnh của người Việt

Điều này được thể hiện rất rõ qua bài phát biểu của Tổng thống Obama. Lịch sử chống ngoại xâm và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được Tổng thống Mỹ tái hiện một cách sinh động, ý nghĩa qua hình ảnh Hai Bà Trưng đánh tan quân Hán, Lý Thường Kiệt với bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên làm nên sức mạnh của quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược nhà Tống.

Người viết thực sự xúc động khi nghe ông Obama phát biểu: “Tuy nhiên cũng có nhiều thế kỷ, các bạn bị ngoại bang chiếm đóng, vận mệnh của các bạn lại bị quyết định bởi người khác, đất nước không nằm trong tay các bạn.

Nhưng cũng như những cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời””.

Quan hệ Việt – Mỹ cũng đã từng được ươm mầm từ truyền thống chống ngoại xâm, trong Chiến tranh Thế giới II người Mỹ đã tới để giúp Việt Nam chống quân xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đặc biệt, ông Obama không né tránh Chiến tranh Việt Nam / Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đề tài có thể nói là nhạy cảm và khó diễn đạt đối với rất nhiều người, sao cho lịch sử không bị lãng quên nhưng cũng không cản trở tương lai, mà ngược lại trở thành động lực thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Nhưng với ông Obama tiếp cận đề tài này lại hết sức tự nhiên, chân tình, cầu thị và thuyết phục người nghe, kể cả từ hai phía Việt Nam hay Hoa Kỳ.

Trong bữa quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì chiêu đãi Tổng thống Mỹ và phái đoàn cấp cao Hoa Kỳ, ông Obama cũng nhắc đến câu tục ngữ quen thuộc và là phương châm sống, ứng xử của người Việt: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Không quên những người ngã xuống vì chiến tranh dù ở phía nào đi nữa, đó là một cách ứng xử rất nhân văn và có tác dụng củng cố hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Lịch sử quan hệ hai nước đã từng có những chương buồn, nhưng hiểu đúng về lịch sử cho ta sự sáng suốt và động lực hợp tác cùng chung sống hòa bình, thịnh vượng và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Điều này cho thấy ông Obama rất nhân văn, rất khiêm cung trong ứng xử. Bởi cũng có những quốc gia khác trong lịch sử đã từng xâm lược Việt Nam, nhưng lãnh đạo của họ chưa bao giờ dám nhìn thẳng và thừa nhận điều đó để có thể hiểu nhau, thực sự gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Cá nhân tôi cho rằng chính điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh và tầm vóc Obama, mà không phải lãnh đạo siêu cường nào cũng có thể theo kịp. Đó là lý do tại sao Tổng thống Obama là vị quốc khách được nhân dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt, nồng hậu và chân tình đến thế.

Với Tổng thống Obama, với hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam, những bài học trong chiến tranh sẽ là bài học cho cả thế giới. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ truyền nguồn cảm hứng sâu xa bất tận cho việc biến thù thành bạn, hóa giải những cuộc xung đột tưởng chừng không bao giờ có hồi kết, bởi hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh.

Bề dày truyền thống văn hóa và nguồn lực con người mới thực sự làm nên sức mạnh Việt Nam

Có thể nói đó là nhận xét rất tinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ mà ngay cả nhiều người Việt Nam chưa chắc đã nhận ra điều ấy.

Từ cội nguồn lịch sử, văn hóa lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng trên trống đồng Đông Sơn, cho đến những sản vật đặc trưng của miền đất ấy như hạt gạo trắng ngần, tấm lụa mềm mại, hay Văn Miếu – trường đại học đầu tiên, bằng chứng của lòng hiếu học Việt Nam được ông Obama nhắc đến một cách đầy trân trọng.

Người đứng đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã cho chúng ta thấy, ông hiểu rõ văn hóa, con người Việt Nam, và chính cội nguồn văn hóa ấy chứ không phải gì khác làm nên sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam.

Ông tài tình và khéo léo dẫn lời một bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao để kết nối người Việt với người Mỹ: “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người”.

Chiến lược hợp tác của ông chủ Nhà Trắng đối với Việt Nam cũng nhằm giúp người Việt chúng ta khai thác tối đa tiềm năng và sức mạnh của con người, trong đó có văn hóa.

Đại học Fullbright sắp đi vào hoạt động phi lợi nhuận, ông Obama công bố, các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, khoa học tự nhiên như tin học hay toán học Ngô Bảo Châu, và khoa học xã hội từ thơ văn Nguyễn Du đến triết học Phan Chu Trinh.

Quan điểm của ông Obama về phát triển cũng khiến tôi rất tâm đắc. Ông nhận định, nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. Cho nên để phát triển kinh tế, tiến hành song song với phát triển kinh tế phải là đầu tư cho nguồn lực con người.

Ông chú trọng đào tạo kỹ năng, đầu tư cho nhân tài và coi đó là nguồn lực chủ chốt thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn, nhưng nguồn lực và tài nguyên con người thì vô hạn.

Để thăng hoa nguồn lực con người, giá trị của truyền thống văn hóa một đất nước có bề dày như Việt Nam có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tổng thống Hoa Kỳ đã nhìn thấy điều này và cá nhân người viết rất chia sẻ quan điểm và nhận định ấy của ông.

Cổ vũ lắng nghe và đối thoại, không áp đặt giá trị của mình vào nước khác

Nhân quyền được nhiều người xem là đề tài nhạy cảm và là rào cản trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Thậm chí có những quan điểm đặt vấn đề phải thế này, phải thế khác thì Việt Nam và Hoa Kỳ mới có thể triển khai hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Tổng thống Obama không tiếp cận vấn đề này với tư duy áp đặt như vậy.

Ông Obama không chỉ trích, mà tiếp cận vấn đề một cách khiêm cung, cầu thị và thiện chí bằng việc khẳng định, chẳng có quốc gia nào hoàn hảo. Ngay cả Hoa Kỳ sau hai thế kỷ lập quốc hiện nay vẫn phải đối mặt với những vấn đề về quyền con người cần nỗ lực giải quyết.

Mỹ cũng có những vấn đề của riêng mình về quyền con người, chính phủ Hoa Kỳ ngày nào cũng bị những tiếng nói phê bình, chỉ trích. Nhưng cách tiếp cận của Mỹ là lắng nghe và đối thoại, bởi việc mọi người có quyền thể hiện chính kiến của mình, phê phán để giúp xã hội tiến bộ hơn.

Tổng thống Mỹ khẳng định, Hoa Kỳ không muốn áp đặt cho Việt Nam, mà Mỹ tin rằng những giá trị ông Obama đang nhắc đến mang tính phổ quát, được thể hiện trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, và cũng được ghi nhận rõ ràng trong Hiến pháp Việt Nam.

Người dân Việt Nam đón Tổng thống Obama sang thăm nước mình bằng một tình cảm chân thành và nồng nhiệt, ảnh: AP.

Cách tiếp cận vấn đề này rõ ràng rất sòng phẳng, thẳng thắn nhưng không áp đặt một chiều, không rao rảng đại cục, không tuyên truyền hệ giá trị của riêng mình mà nỗ lực tìm tiếng nói chung trong các giá trị phổ quát của văn minh nhân loại.

Bởi lẽ có cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp của độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, bác ái mà loài người theo đuổi, hợp tác song phương mới đi vào thực chất và bền vững, lâu dài.

Chính cách đặt vấn đề khéo léo, khiêm nhường nhưng rõ ràng, thẳng thắn của Tổng thống Obama cũng khiến người nghe phải xem lại nhận định của mình về các giá trị phổ quát ấy để có tiếng nói và ứng xử phù hợp.

Bởi thế giới ngày nay như ai đó gọi là thế giới phẳng, sự giao lưu và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên Trái Đất này ngày càng mạnh mẽ tất sẽ hình thành những khuôn khổ giá trị chung của văn minh xã hội loài người.

Tất nhiên do đặc thù, đặc điểm mỗi nước khác nhau nên cách hiểu, cách giải thích và vận dụng các điều khoản quy định trong Hiến pháp, pháp luật về các giá trị như quyền con người / nhân quyền là điều có thể hiểu được.

Nhưng phải khẳng định rằng, đích đến của Việt Nam, Hoa Kỳ trong lĩnh vực này là giống nhau, đó là mưu cầu hạnh phúc, tự do, dân chủ, bác ái….cho nhân dân. Và cũng chỉ có như thế nhân dân mới chấp nhận.

Tổng thống Obama đang hướng bàn tay hữu nghị về phía Việt Nam, chúng ta cần nắm lấy bàn tay ấy

Hội trường xúc động khi Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định: “Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Tôi không còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ của mình nữa. Nhưng tôi mong muốn mình có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ giữa hai nước”.

Trước đó ông Obama cũng đã từng làm giới truyền thông ngỡ ngàng khi trả lời câu hỏi, tại sao gần cuối nhiệm kỳ mới sang thăm Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ nói, với người Mỹ, những gì tốt nhất thường dành cho phút cuối.

Ở đây, ngoài tài năng và sự tinh tế về mặt đối ngoại của một chính khách hàng đầu thế giới, cá nhân người viết cảm nhận được tấm chân tình của ông Obama khi lắng nghe bài phát biểu hôm qua.

Đặc biệt hơn nữa, ông Obama không nói xuông, mà đưa ra những cam kết hết sức cụ thể và có lợi cho Việt Nam, thiết nghĩ chúng ta phải nắm lấy.

Thứ nhất về Biển Đông, Tổng thống Obama tiếp tục khẳng định lập trường của Việt Nam rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các cơ quan tài phán quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu chiến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông mà luật pháp quốc tế cho phép.

Rõ ràng là hiện nay chỉ có Mỹ mới có thể và có đủ năng lực chống lại các hành vi phiêu lưu quân sự, bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông. Việt Nam có lợi ích to lớn và thiết thực trong đó.

Ngoài ra tuyên bố của Tổng thống Mỹ rằng không một quốc gia nào có thể áp đặt giá trị hay đe dọa nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam là một thông điệp hết sức ý nghĩa, sâu sắc.

Mỹ cam kết cung cấp thiết bị, tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao năng lực tuần tra hàng hải trên Biển Đông, cứu trợ nhân đạo và phòng chống thiên tai. Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và sẽ đảm bảo Việt Nam có thể có được các vũ khí phòng thủ cần thiết để đảm bảo an ninh.

Thứ hai về kinh tế, với tư cách Tổng thống Mỹ ông ủng hộ mạnh mẽ TPP và cam kết sẽ giúp Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn nữa vào thị trường Mỹ. Đặc biệt có lẽ ông Obama là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên nói ra, khẳng định sẽ giúp Việt Nam “không phụ thuộc về thương mại với một quốc gia duy nhất nào”.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên có kế hoạch cụ thể cùng với Hoa Kỳ triển khai ý tưởng này của Tổng thống Obama, vì chúng ta có độc lập tự chủ về kinh tế thì mới mong không bị lệ thuộc và chi phối trong các lĩnh vực khác từ “quốc gia duy nhất” nào đó.

Ngoài ra trên các lĩnh vực giáo dục, giao lưu hợp tác chính trị, quân sự, ngoại giao, phối hợp tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế…cũng đã được ông Obama đề cập trong chuyến thăm.

Ấn tượng nhất là câu kết của bài phát biểu, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ một lần nữa khiến người Việt Nam trầm trồ thán phục, ngưỡng mộ với 2 câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du:

“Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi.”

Tổng thống Obama đã đưa cánh tay thân thiện về phía Việt Nam chúng ta với tất cả sự trân trọng, thiện chí và chân tình. “Của tin gọi một chút này làm ghi” cũng đã được ông Obama thể hiện rất rõ, rất xuất sắc.

Câu chuyện còn lại để viết tiếp trang sử mới của quan hệ Việt – Mỹ, viết tiếp hai câu Kiều đầy ý nghĩa và cảm xúc của Tổng thống Obama thuộc về chính chúng ta, mỗi người Việt Nam dù trong hay ngoài nước.

Dù ai đó có thể còn lo ngại Nhà Trắng sắp đổi chủ và ông Obama đã ở vào giai đoạn người ta quen gọi là “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nhưng với các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, khái niệm nhiệm kỳ khác hoàn toàn với các nước còn đang phát triển và hoàn thiện thể chế.

Bởi lẽ chính sách và chiến lược của Mỹ không phụ thuộc vào nhiệm kỳ, mà phụ thuộc vào lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ.

Bởi vậy dù bà Hillary Clinton hay ông Donald Trum sẽ trở thành người kế nhiệm ông Obama, thì người viết tin rằng chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam và khu vực Biển Đông không thay đổi.

Nếu chúng ta chỉ quen “suy bụng ta ra bụng người” về cái gọi là hoàng hôn nhiệm kỳ mà không chớp lấy cơ hội tận dụng sự giúp đỡ, thiện chí của Hoa Kỳ để phát triển cường thịnh, thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội quý báu mà có khả năng sẽ không thể có lần thứ 2.

RELATED ARTICLES

Tin mới