Đài Trung Quốc gọi Nga là “diều hâu hai đầu” và nói thẳng Nga hướng Đông do căng thẳng với phương Tây.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2015
Bắt bài Nga
Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ với Nga và bằng nhiều cách phát đi thông điệp rằng Bắc Kinh biết tại sao Moskva lại hướng Đông.
Bằng chứng là trong bài bình luận về Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga phát ngày 20/5, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) đã gọi Nga là “diều hâu hai đầu”, một nước giỏi về “chiếu cố” cả Đông lẫn Tây trong lịch sử.
Theo đài này, Nga đang hướng ánh mắt vào ASEAN trong bối cảnh quan hệ ngoại giao với phương Tây bị rơi vào bế tắc, và đang có ý định tập trung tài nguyên ngoại giao để bù đắp những thiệt hại do căng thẳng với phương Tây.
Đài CRI dẫn ý kiến giới phân tích (song không nêu tên – PV) cho rằng Nga bắt tay ASEAN có 3 ý đồ.
Một là tìm kiếm động lực kinh tế, “khai thác nguồn thu” cho kinh tế trong nước. Do tác động của giá dầu thô sụt giảm, sự trừng phạt của các nước phương Tây, kinh tế Nga thiếu động lực tăng trưởng nội sinh. Trong khi đó, kinh tế ASEAN có tiềm lực phát triển lớn, việc tăng cường hợp tác với ASEAN là lựa chọn hợp lý của Nga.
Hai là phục vụ chính sách hướng Đông. Nga có ý định cân đối phương hướng của chính sách “hướng Đông”. Năm 2014, sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga ngày càng đề cập nhiều đến chính sách “hướng Đông”, mong thoát khỏi sự cô lập thông qua phát triển hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước ASEAN, thúc đẩy sự phát triển của vùng Viễn Đông và Siberia, tạo ra động lực kinh tế mới.
Ba là tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. Đài CRI tiếp tục dẫn lời “một nhà bình luận chính trị Thái Lan” cho rằng, việc thúc đẩy liên hệ với các nước ASEAN và phát triển hợp tác đa phương có thể giúp Nga củng cố tầm ảnh hưởng chính trị của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nga có thật lòng?
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và sự cô lập từ phương Tây. Để đối phó, Nga đã chuyển hướng về phía Đông, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong hàng loạt phát biểu công khai, giới lãnh đạo Nga luôn đánh giá rất cao mối quan hệ với Trung Quốc. Một trong những hình ảnh nổi bật chính là việc Tổng thống Nga Putin dành vị trí ngồi đặc biệt bên cạnh mình cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2015.
Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây được coi là một lý do để Nga thúc đẩy chính sách “xoay trục sang châu Á”.
Và sự trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến việc Nga ký kết một loạt hiệp định song phương với Trung Quốc vào tháng 5/2014; bao gồm một thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt “Sức mạnh của Siberia”, với mục đích xuất khẩu hơn 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc mỗi năm.
Với mối quan hệ Nga-Trung tốt nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thỏa thuận này đã trở thành thách thức đối với phương Tây. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, Nga đã không có nhiều hành động cụ thể để chứng tỏ sự chuyển hướng sang phía Đông.
Nhìn bề ngoài, hợp tác Nga-Trung được tăng cường kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, cấm vận Nga. Bên cạnh những tuyên bố về hợp tác kinh tế, hai nước còn đạt được một thỏa thuận lớn về quốc phòng khi Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống phòng thủ S-400 AA và máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Nga đồng ý bán máy bay tối tân Su-35 cho Trung Quốc |
Lãnh đạo hai nước thực hiện các chuyến thăm viếng lẫn nhau cũng như tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ Hai.
Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây nhận định những sự kiện “bề nổi” này chưa phải là bằng chứng cho thấy chính sách “xoay trục sang châu Á” của Nga đã thành công.
Hai thỏa thuận về khí đốt năm 2014 và quốc phòng năm 2015 đã được đàm phán nhiều năm trước khi Nga bắt đầu “xoay trục”. Việc triển khai dự án “Sức mạnh của Siberia” đã bị tạm hoãn đến năm 2018-2019, thậm chí có thể đến năm 2021.
Trong hai năm qua, Nga và Trung Quốc đã ký kết một số lượng kỷ lục các hiệp định song phương, nhưng không thể tận dụng hết lợi thế của mình do tình trạng bất ổn kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga giảm tới 30% và của Nga sang Trung Quốc giảm gần 20%.
Tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia” |
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm 2015 đã giảm gần 30%. Cũng trong năm này, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Nga giảm 20%.
Ban đầu, dự án đường ống “Sức mạnh của Siberia” được kỳ vọng là sự thay thế cho thị trường châu Âu, nhưng việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc hiện đã vượt quá nhu cầu khi nền kinh tế này chững lại.
Nga vẫn chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, cùng với các đối tác truyền thống khác như Australia, Qatar hay gần đây nhất là Turkmenistan.
Quan điểm của Trung Quốc về thỏa thuận khí đốt năm 2014 với Nga có lẽ được thể hiện qua mong muốn của Bắc Kinh rằng Moskva phải chịu tất cả chi phí cho việc xây dựng và bảo dưỡng đường ống dẫn dầu mới thì mới có quyền ưu tiên bán khí đốt cho Trung Quốc.