Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sựVì sao vụ rò rỉ ghi âm 38 phút của Đức chấn...

Vì sao vụ rò rỉ ghi âm 38 phút của Đức chấn động phương Tây?

Vụ rò rỉ băng ghi âm 38 phút của quan chức Đức đang khiến nội bộ phương Tây căng thẳng, người Đức kêu gọi “không mắc bẫy” Vladimir Putin.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (bìa trái), trung tá Oliver Kaufmann và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius (bìa phải)

Phát biểu về vụ rò rỉ băng ghi âm này vào ngày 3-3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius mô tả việc nghe lén là một phần trong “cuộc chiến thông tin” của Tổng thống Nga Putin.

Hiện nay Đức là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên vụ rò rỉ băng ghi âm mới đây đang khiến quan hệ giữa Đức và các đồng minh gặp tổn hại.

Câu chuyện này cũng có thể mang ảnh hưởng quyết định tới khả năng Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, và thậm chí là kịch bản đang bị phản đối về việc châu Âu hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gửi lính trực tiếp chi viện cho Ukraine.

Thông tin gây sốc từ vụ rò rỉ ghi âm 38 phút của Đức
Vào ngày 1-3, tổng biên tập Đài RT (Nga) Margarita Simonyan công bố việc rò rỉ băng ghi âm trên kênh Telegram.

Đoạn băng 38 phút này ghi lại cuộc trao đổi của lãnh đạo không quân cùng ba sĩ quan Đức, trong đó đề cập tới khả năng cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.

Thông tin từ truyền thông Đức sau đó cho biết các quan chức nêu trên đã thảo luận qua nền tảng Webex của Mỹ, vốn là ứng dụng thường được dùng cho các cuộc họp trực tuyến. Đường dẫn (link) mời họp được gửi qua điện thoại di động của lực lượng vũ trang.

Nội dung đoạn băng bị rò rỉ trên khiến Đức phải xem lại hệ thống tình báo và phản gián. Ngoài ra, về mặt đối ngoại Berlin đang phải đối diện hai vấn đề lớn.

  1. Đức phải làm rõ quan điểm về việc hỗ trợ Ukraine
    Thảo luận về tên lửa Taurus đã bị phía Nga mô tả như động thái ngầm tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine – Nga.

Trên Telegram cũng trong hôm 3-3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết: “Đức đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga.

Các nỗ lực được trình bày trong cuộc hội thoại trên… theo kiểu một trò chơi của rocket và xe tăng, là lời nói dối trắng trợn”.

Cũng như nhiều nước châu Âu, NATO và phương Tây nói chung, lâu nay Đức chỉ viện trợ vũ khí cho Ukraine thay vì giao tranh trực tiếp.

Việc quân nhân Đức tham chiến đồng nghĩa xung đột lan rộng, trở thành cuộc chiến tranh với Nga, một kịch bản không ai mong muốn.

“Lời nói dối” mà ông Medvedev nhắc qua cũng phản ánh thực tế rằng quan chức Đức hành động khác với tuyên bố của Thủ tướng Olaf Scholz.

Ông Scholz trước giờ vẫn miễn cưỡng với khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, bất chấp sức ép từ các đồng minh. Người Đức bị một số nước, ví dụ Anh và Pháp, thúc giục và thậm chí chế giễu vì “không hành động đủ” cho Ukraine. Bản thân Anh và Đức đã chấp nhận chuyển tên lửa có tầm bắn xa Storm Shadow cho Kiev.

  1. Thủ tướng Scholz rơi vào thế khó trong mối quan hệ với Anh và Đức
    Tuần trước ông Scholz nói rõ Đức không thể kiểm soát việc liệu tên lửa sẽ nhắm bắn nơi nào nếu gửi cho Ukraine.

Lâu nay các đồng minh của Ukraine rất ngại chuyện Kiev có thể dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga, một kịch bản dễ dẫn tới xung đột lan rộng.

Hãng tin AP dẫn lời thủ tướng Đức bóng gió chuyện nếu gửi tên lửa tầm xa thì đồng nghĩa với chuyện gửi quân nhân tới Ukraine:

“Những gì đang được thực hiện trong khâu kiểm soát mục tiêu và chuyện kiểm soát mục tiêu của người Anh và người Pháp không thể được thực hiện ở Đức. Tất cả những ai hiểu về hệ thống này đều biết điều đó”.

Nhận xét ấy khiến các nghị sĩ Anh phản ứng dữ dội, vì nó được hiểu rằng các quân nhân Anh và Pháp đang có mặt tại Ukraine để vận hành hệ thống tên lửa. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Anh Alicia Kearns cho phát biểu này là “sai trái, vô trách nhiệm, và là cái tát vào mặt các đồng minh”.

Đức đổ lỗi cho Nga vụ rò rỉ ghi âm 38 phút, nói không nên mắc bẫy ông Putin
Hôm 2-3, Thủ tướng Đức Scholz khẳng định vụ rò rỉ băng ghi âm 38 phút này là “vấn đề rất nghiêm trọng”. Ông cho biết chính quyền đang cố gắng làm rõ câu chuyện trên “một cách rất cẩn thận, sâu, và nhanh chóng”.

Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius nhấn mạnh các đồng minh không nên “rơi vào bẫy” của Tổng thống Nga Putin.

“Đó là một cuộc tấn công xuyên tạc thông tin nhằm chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết của chúng ta. Chúng ta không nên rơi vào bẫy của Putin”.

Trong khi đó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann đoan chắc Nga là bên rò rỉ băng ghi âm 38 phút trên.

Theo bà Strack-Zimmermann, Nga cảm thấy e ngại tên lửa Taurus, nhất là khi có nội dung thảo luận về việc tấn công bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014. Việc Nga rò rỉ thông tin này nhằm ngăn ông Scholz chuyển giao Taurus.

“Nga sợ Taurus, chính xác là vậy, bởi vì nó rất hiệu quả”, bà nói với nhật báo Đức Rheinische Post.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới