Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ muốn làm việc với Brunei về vấn đề liên quan tới...

Mỹ muốn làm việc với Brunei về vấn đề liên quan tới Biển Đông

BienDong.Net: Phát biểu hôm 12.03.2013 sau cuộc hội đàm với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đang ở thăm Washington, Tổng thống Mỹ Obama xác nhận ông sẽ đề cập vấn đề Biển Đông với lãnh đạo các nước sẽ đến thủ đô Brunei tham gia hai hội nghị thượng đỉnh Đông Á- EAS và Mỹ-ASEAN vào tháng 10.2013.

Sau khi nói rằng nhân các hội nghị ở Brunei, các bên sẽ thảo luận về hàng loạt hồ sơ, từ năng lượng, thương mại, đến biến đổi khí hậu…

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: « Chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề hàng hải. Rõ ràng là đang có rất nhiều căng thẳng trong khu vực liên quan đến các vấn đề trên biển ».

alt 

Tổng thống Obama tiếp Quốc vương Hassanal Bolkiah tại Washington (Ảnh: AFP)

Dù không nêu đích danh nước nào, nhưng rõ ràng là Tổng thống Mỹ đã hàm ý nói đến tranh chấp chủ quyền biển đảo ngoài Biển Đông giữa Trung Quốc với các láng giềng Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei), và ngoài Biển Hoa Đông với Nhật Bản.

Theo RFI, mục tiêu của Hoa Kỳ thông qua các cuộc thảo luận kể trên đã được ông Obama tóm gọn trong lời khen ngợi vị khách mời là Quốc vương Brunei, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, đồng thời sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (tập hợp 18 nước châu Á -Thái Bình Dương) và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (gồm Hoa Kỳ và 10 quốc gia Đông Nam Á).

Theo Tổng thống Mỹ, người đứng đầu Brunei đã chứng tỏ tài lãnh đạo trong việc « đoàn kết các nước lại với nhau để đảm bảo sao cho tất cả đều tuân thủ các qui tắc cơ bản của luật pháp và các chuẩn mực quốc tế ».

Từ khi chính thức nhậm chức chủ tịch luân phiên khối ASEAN, Brunei luôn khẳng định rằng trong nhiệm kỳ của mình, họ sẽ thúc đẩy việc xây dựng một bộ qui tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc giữa Trung Quốc và ASEAN tại Biển Đông.

Từ nhiều năm nay, các cố gắng nhằm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử như kể trên đều vấp phải thái độ chống đối của Trung Quốc, nước chủ trương giải quyết tranh chấp giữa họ với từng quốc gia riêng lẻ, trong lúc ASEAN lại muốn can dự vào vấn đề này với tư cách là một nhóm.

Trong cuộc gặp trước đó với Quốc vương Hassanal Bolkiah, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho hay nước ông “rất muốn làm việc với Brunei về các vấn đề liên quan tới Biển Đông và các vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu.”

Ông Kerry nói thêm rằng nhà lãnh đạo Brunei “đang đảm nhận một công việc quan trọng với tư cách chủ tịch ASEAN trong năm nay.”

Một thông cáo do Tòa Bạch Ốc công bố hồi tuần trước nói rằng “Chuyến viếng thăm của Quốc vương Brunei nêu bật sự kiện là Tổng thống Obama chú trọng rất nhiều đến tầm quan trọng chiến lược của khu vực châu Á – Thái bình dương và mong muốn chủ động giao tiếp với các bạn bè và đối tác trong khu vực.”

Hôm 11.3, phát biểu tại trụ sở Hội châu Á ở New York, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon khẳng định vị trí trung lập của Washington đối với các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông nói rằng Washington không có đòi hỏi chủ quyền và không có lập trường đối với tuyên bố chủ quyền của các nước khác ở Đông Á và không nghiêng về bên nào trong các vụ tranh chấp. Tuy nhiên, ông khẳng định:Hoa Kỳ kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng sự cưỡng ép hoặc sức mạnh để xúc tiến đòi hỏi chủ quyền của mình.

Ông Donilon nói thêm rằng chỉ có những nỗ lực hòa bình, hợp tác và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, mới có thể mang lại những giải pháp lâu bền, phục vụ cho quyền lợi của các nước đòi chủ quyền và tất cả các nước trong khu vực vô cùng quan trọng này.

BDN ( theo RFI )

 

RELATED ARTICLES

Tin mới