Trung Quốc cho rằng các cuộc đàm phán càng sớm diễn ra, hòa bình càng sớm được thiết lập ở Ukraine.
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 8/3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc và Thụy Sĩ đang nỗ lực ở phía sau hậu trường để mời Nga tham gia các cuộc đàm phán do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tháng trước, Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình “vào mùa hè”, song vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể. Số quốc gia tham dự hội nghị cũng chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố Nga chỉ có thể được mời tham dự nếu nước này đồng ý một loạt điều kiện tiên quyết.
Theo SCMP, đặc phái viên của Trung Quốc tại khu vực Á – Âu Li Hui nói với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này không nên “đưa ra một kế hoạch để đè bẹp Nga”. Các nguồn tin nói thêm rằng cả Trung Quốc và Thụy Sĩ đều có chung quan điểm “thực tế” rằng các cuộc đàm phán không nên chỉ mang tính hình thức.
SCMP đưa tin, đặc phái viên Trung Quốc Li cũng nói với những người đồng cấp EU rằng Moscow có hai điều kiện tiên quyết để đàm phán, bao gồm chấm dứt việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và hủy bỏ sắc lệnh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào năm 2022, trong đó bác bỏ các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin.
Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga và không lên án cuộc chiến chống lại Ukraine cũng như không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Moscow.
Mặc dù Bắc Kinh chưa công khai cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga, nhưng tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đã cung cấp cho Nga một lượng lớn hàng hóa có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự.
Liên minh châu Âu và Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của nước này đối với Moscow để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.
“Các cuộc đàm phán càng bắt đầu sớm, hòa bình càng đến sớm”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên bên lề kỳ họp của quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh tuần này. Ông Vương nói thêm rằng “việc thiếu các cuộc đàm phán hòa bình… có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn”.
Vào tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất lộ trình 12 điểm hướng tới việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, sáng kiến này bị Kiev bác bỏ.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay chỉ có thể dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm mà ông đã công bố vào cuối năm 2022.
Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân, trả tiền bồi thường, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kiev và Moscow.
Nga bác bỏ các điều khoản của Tổng thống Zelensky là không thực tế, đồng thời cho rằng Moscow sẽ không bao giờ nhượng bộ Crimea, khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014, hoặc 4 khu vực của Ukraine sáp nhập vào Nga năm 2022.
Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ nói với truyền thông địa phương vào tháng 1 rằng một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà không có sự tham gia của Nga “chắc chắn sẽ thất bại”. Moscow khẳng định sẵn sàng đàm phán nhưng với những điều kiện có thể chấp nhận được.