Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chỉ đặt mua một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia trong năm tài chính 2025, giảm so với tốc độ đóng hai chiếc mỗi năm trong những năm gần đây.
Quyết định nói trên được công bố hôm 11.3, phản ánh tình trạng tắc nghẽn trong ngành đóng tàu của Mỹ, theo tờ Nikkei Asia hôm nay 12.3. Hai xưởng đóng tàu ngầm lớp Virginia, General Dynamics và Huntington Ingalls Industries, đang phải đối mặt với tình trạng tồn đọng đơn hàng ngày càng trầm trọng do năng lực hạn chế và thiếu nhân sự.
Tổng ngân sách đề xuất cho năm tài chính 2025 của Lầu Năm Góc là 849,8 tỉ USD, tăng 0,9% so với năm trước. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng hằng năm của Trung Quốc cho năm 2024 tăng 7,2% lên 1.670 tỉ nhân dân tệ (233 tỉ USD).
Mức tăng ngân sách quốc phòng Mỹ bị hạn chế do Đạo luật Trách nhiệm Tài chính, thỏa thuận giới hạn nợ được ký kết vào giữa năm 2023. Đạo luật này giới hạn ngân sách ở mức tăng 1% so với yêu cầu cho năm tài chính 2024. Nếu tính đến lạm phát, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải cắt giảm khoảng 10 tỉ USD so với kế hoạch năm ngoái.
Chương trình đóng tàu ngầm lớp Virginia đắt tiền nằm trong số những kế hoạch bị ảnh hưởng nặng. Nguồn kinh phí cho chương trình đóng tàu ngầm đạt 8,2 tỉ USD, giảm 24% so với năm tài chính 2024.
Sự chậm trễ của chương trình đóng tàu ngầm lớp Virginia cũng làm lộ ra những căng thẳng trong hiệp ước phòng thủ AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc. Theo hiệp ước này, Mỹ cùng với Anh cung cấp cho Úc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỹ đã hứa sẽ bán cho Úc 3 tàu ngầm lớp Virginia vào các năm 2032, 2035 và 2038, với lựa chọn cung cấp thêm 2 chiếc nữa.
Thông qua AUKUS, Mỹ muốn tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với các đồng minh chủ chốt, nhưng các quan chức Hải quân Mỹ đã nêu lên mối lo ngại về tác động mà AUKUS sẽ gây ra đối với các xưởng đóng tàu.
Tốc độ đóng hai chiếc tàu ngầm mỗi năm chỉ giải quyết được nhu cầu của Mỹ. Để phục vụ AUKUS, Mỹ cần đóng 2,33 tàu ngầm mỗi năm, theo Cơ quan Khảo cứu quốc hội Mỹ. Tỷ lệ giao hàng thực tế đạt trung bình 1,2 chiếc/năm trong 5 năm qua.
Nga lần đầu bị Pháp vượt mặt về xuất khẩu vũ khí
Quyết định của Hải quân Mỹ giảm mua tàu ngầm lớp Virginia đã gây ra phản ứng dữ dội tức thì từ một số nghị sĩ . “Nếu việc cắt giảm như thế thực sự được thực thi, việc đó sẽ loại bỏ thêm một tàu ngầm tấn công nữa khỏi hạm đội vốn còn thiếu 17 tàu ngầm nữa mới đáp ứng yêu cầu từ lâu của hải quân là 66 chiếc”, hạ nghị sĩ Joe Courtney, thuộc đảng Dân chủ và là thành viên cấp cao của tiểu ban lực lượng dự báo và quyền lực biển của Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 11.3.
“Với cam kết mới mà Bộ Quốc phòng và Quốc hội đưa ra năm ngoái là bán 3 tàu ngầm cho đồng minh Úc của chúng ta…hệ quả từ đề xuất của hải quân sẽ có tác động sâu sắc đến hải quân của cả hai nước”, ông Courtney cảnh báo.
Ngoài tàu ngầm, chương trình mua chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ cũng bị ảnh hưởng theo đề xuất ngân sách quốc phòng mới. Theo đó, việc mua sắm F-35 dự kiến sẽ giảm xuống còn 68 chiếc vào năm 2025, từ 83 chiếc vào năm 2024. Kinh phí cho chương trình F-35 là 12,4 tỉ USD, giảm 8,5% so với năm trước.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng mới ưu tiên tài trợ cho bộ ba hạt nhân trên biển, trên bộ và trên không của Mỹ, trong bối cảnh kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân hoạt động vào năm 2030, theo Nikkei Asia.