Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐổi tên quy hoạch sông Hồng: Quy trình ngược?

Đổi tên quy hoạch sông Hồng: Quy trình ngược?

”Việc đổi tên chỉ là để phù hợp với chức năng của Bộ TN&MT để họ được đảm nhận thực hiện quy hoạch, xin thêm kinh phí”

Không thể từ quy hoạch tổng thể chuyển thành quy hoạch ngành

Bộ TN&MT ra thông báo cho biết Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng thành Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng vừa ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình” nhằm đưa ra những đánh giá tổng thể về hiện trạng dòng chảy, để khai thác tài nguyên nước sông Hồng.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 26/5, TS Đào Trọng Tứ – cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Ủy hội Sông Mekong Việt Nam cho biết: “Chúng ta cứ có một dự án nào đưa ra thì lại bắt làm lại quy hoạch, điều đó rất vô lý và đi ngược quy trình”.

Cụ thể, theo ông Tứ, thứ nhất, quy hoạch lưu vực sông Hồng, bao gồm 2 phần Trung Quốc và Việt Nam, tất nhiên, nước nào quy hoạch nước đó, nhưng liên quan đến câu chuyện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội còn bao gồm nhiều vấn đề.

Trong đó, có câu chuyện phát triển kinh tế – xã hội – giao thông thủy – giao thông bộ, các nguồn tài nguyên khác. Vì thế, nền tảng của quy hoạch phát triển khai thác phải do Bộ KH&ĐT làm, nhưng không hiểu vì sao lại giao cho Bộ TN&MT.

Thứ hai, theo Luật tài nguyên nước 2012, thì Bộ TN&MT chỉ được quyền làm một quy hoạch về tài nguyên nước của lưu vực sông. Thế nhưng, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng thì đã có quá nhiều quy hoạch khác, có thể thấy như quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi, biến đổi khí hậu đồng bằng sông Hồng.

Trong đây, có câu chuyện phát triển thủy lợi, thủy điện, kể cả vấn đề quy hoạch phát triển thủy điện lưu vực sông Hồng cũng đã có. Tất cả những quy hoạch này đã quá đầy đủ rồi, nên tự đặt câu hỏi có phải làm quy hoạch tài nguyên nước để làm gì?.

Do đó, ở đây dễ hiểu vì sao Bộ TN&MT muốn xin đổi tên quy hoạch, vì nếu không đổi thì họ không có trách nhiệm trong câu chuyện này, người đứng đầu phải là Bộ KH&ĐT.

Thế nhưng, nếu đổi tên quy hoạch như Bộ TN&MT đề xuất thì nó chỉ còn là quy hoạch ngành, trong khi, Thủ tướng nói đây là quy hoạch khai thác tổng thể và quy hoạch tài nguyên nước chỉ là một trong những số đó.

Còn để đánh giá tất cả các dự án được thực hiện trên sông Hồng, lưu vực ảnh hưởng đến cuộc sống hàng chục triệu dân đồng bằng Bắc Bộ thì phải được đánh giá tổng thể, toàn diện.

Ông Tứ nhận định: “Nếu nhà nước chưa làm quy hoạch tổng thể, thì phải triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế – xã hội chung cho lưu vực sông Hồng.

Và quy hoạch tổng thể đó dựa trên quy hoạch ngành, đứng trên nền các tài nguyên, nguồn lực cả con người và xã hội. Phải làm có bài bản dựa trên mối quan hệ của lưu vực sông Hồng với Trung Quốc”.

Tất nhiên, quy hoạch nào cũng xác định vấn đề chiến lược, ví dụ khai thác tài nguyên nước sông Hồng, cho mục đích nào, cho các ngành kinh tế nào, trung hạn – ngắn hạn – dài hạn, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là phát triển bền vững nguồn tài nguyên, theo tinh thần nghị quyết 24, phát triển hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Nhưng quy hoạch tài nguyên nước do Bộ TN&MT đưa ra thì chỉ quyết định việc ủng hộ hay không ủng hộ siêu dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, nhưng vẫn còn nhiều bài toán khác cần giải quyết.

Trong đó, rất cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, nên một quy hoạch khai thác tổng thể nó sẽ đảm bảo tất cả sự phát triển bền vững.

“Chúng ta chỉ có thể từ quy hoạch ngành rồi chuyển về tổng thể, chứ không thể từ tổng thể về quy hoạch ngành như việc đổi tên Bộ TN&MT đề xuất”, ông Tứ nhấn mạnh.

Quy hoạch thì không thể nóng vội…

Mặt khác, vị chuyên gia cũng thể hiện sự khó hiểu với khẳng định của Bộ trưởng TN&MT ”phải nhanh chóng mời các nhà khoa học hàng đầu, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thuộc lưu vực, tập trung lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình”.

Ông Tứ phân tích: “Để quy hoạch các lưu vực sông là một vấn đề mà bất cứ một đất nước nào cũng nhìn nhận rõ. Khi Việt Nam giải phóng, tất cả các quy hoạch đều được xây dựng trong chu trình 5-10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Quy hoạch thì không thể nhận định là vấn đề nóng và cấp bách cần giải quyết, vấn đề quy hoạch là vấn đề phát triển lâu dài, kéo dài 10, 20 thậm chí 40 năm. 

Ngay như quy hoạch khai thác tổng thể sông Hồng dự định làm từ những năm 60, đến nay làm đi làm lại rất nhiều lần, nhưng không thành công. Giờ chỉ vì một đề xuất siêu dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng thì coi đây là vấn đề nóng, cần làm ngay quy hoạch, đó là sai lầm.

Quy hoạch không phải giải quyết vấn đề nóng, mà giải quyết vấn đề phát triển lâu dài, có trình tự, có thời gian, cho câu chuyện phát triển kế hoạch trung – dài hạn của đất nước”.

Theo nhận định của vị chuyên gia trên, đây chẳng qua chỉ là câu chuyện chức năng các Bộ ngành, đổi tên cho phù hợp với chức năng của Bộ TN&MT để có thể đảm nhận thực hiện quy hoạch mà thôi.

Được biết, sẽ có 4 nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các nội dung chuyên sâu để đề xuất các phương án, giải pháp quy hoạch.

Bộ TN&MT còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cân đối, bổ sung nhiệm vụ, kinh phí năm 2016 cho Bộ TNMT để khẩn trương triển khai việc xây dựng quy hoạch.

RELATED ARTICLES

Tin mới