Đây là một trong những dòng sông nằm giữa phong cảnh nên thơ trữ tình nhất của địa phương này.
Dòng sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp mà còn ẩn chứa những dòng sông hùng vĩ. Trong số đó, sông Long Đại được biết đến như một dòng sông đặc biệt, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình với lưu vực rộng tới 13.000 km2. Mặc dù chỉ có độ dài 77 km, nhưng lại chứa đến hơn 100 thác nước lớn nhỏ.
Long Đại có nghĩa là “Rồng lớn”, giọt nước đầu tiên của Long Đại ở trên đỉnh cao 1.001m thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy bên Tây Trường Sơn.
Sông Long Đại uốn lượn như rồng cuốn, đổ về đồng bằng qua các xã Trường Xuân, Xuân Ninh và Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), gặp dòng Kiến Giang ở ngã ba Trần Xá rồi cùng dòng Kiến Giang hòa vào dòng Nhật Lệ và đổ ra cửa biển thành phố Đồng Hới.
Còn theo báo Quảng Bình, Long Đại còn có nhiều tên gọi khác nữa như Đại Giang, Nguồn Côộc. Sở dĩ, người dân gọi là Đại Giang bởi đây là con sông lớn nhất chảy xuyên giữa Trường Sơn, còn cái tên Nguồn Côộc vì ở vùng đất này có hai sông, dân gian quan niệm nguồn Côộc Đại Giang sông chính, nguồn Trạm Kiến Giang sông phụ.
Có một truyền thuyết gắn với dòng sông này là nó tạo ra bởi hai vị thần Tha Xa Vắn và Thơ Ly Chăn. Sự hình thành của dòng sông xuất phát từ mong muốn có một nguồn nước mát, sạch để phục vụ cho sinh hoạt và tạo điều kiện cho cây xanh và động vật. Vì vậy, đối với người dân nơi đây, dòng sông Long Đại rất linh thiêng.
Dòng sông dài 77 km nhưng có hơn 100 thác nước
Khung cảnh quanh dòng sông vẫn còn rất hoang sơ với những dãy núi đá với nhiều hình thù độc đáo. Nhiều người còn ví von cảnh sắc nơi đây như một “tiểu Hạ Long” ở Quảng Bình.
Tuy chỉ dài 77 km nhưng Long Đại có tới hơn 100 thác nước lớn nhỏ. Trong đó, Tam Lu được biết đến là con thác cao nhất và đẹp hơn cả. Với độ cao 20m chia thành 3 bậc, lúc nào dòng thác cũng tung bọt nước trắng xóa vì dòng nước cuộn chảy trên các lớp đá cuội.
Tầm quan trọng của dòng sông Long Đại
Vì bảo tồn môi trường và hệ sinh thái, những loài động thực vật bản địa, những loài thủy sinh đặc hữu ở quanh dòng sông Long Đại, các dự án thủy điện không được phép xây dựng trên những dãy núi đá vôi ở đây.
Nhờ địa hình đặc biệt của sông Long Đại, mô hình du lịch sinh thái mang tính mạo hiểm được kiến tạo. Mô hình này đã thu hút rất nhiều du khách tới trải nghiệm việc đi thuyền vượt thác. Ngoài ra, du khách có thể thuê thuyền đi dọc trên sông để thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ, nghe kể về những câu chuyện lịch sử bi hùng hay chiêm bái chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh.
Theo báo Quảng Bình, dòng sông Long Đại không chỉ là một dòng nước thông thường, mà còn mang trong mình lịch sử hào hùng của dân tộc. Sông Long Đại trong cuộc kháng chiến chống Pháp ôm ấp những làng kháng chiến vùng chiến khu.
Ven lưu vực sông Long Đại, sau chiến dịch “Hạ sơn” ngày 15/7/1949 (cách nay 75 năm), các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Bình chuyển từ vùng Minh Cầm, Tuyên Hóa về đóng trụ sở ở vùng Bến Tiêm, Đá Một, Nước Đắng, Lùi, Hà Ổi… để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi, tiến về tiếp quản thị xã Đồng Hới năm 1954.
Long Đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gắn với “tọa độ lửa”, là nơi bom của giặc Mỹ đủ các loại máy bay đêm cũng như ngày dội xuống liên miên nhằm cắt đứt tuyến phà cuối cùng đưa quân đội, chuyển vũ khí, chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Để giữ thông tuyến phà Long Đại, nhiều đơn vị quân đội, đơn vị thanh niên xung phong bám trụ giữ thông tuyến phà. Ở đây, hàng đại đội chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Có một thành ngữ “Long Đại-long đầu” cũng xuất hiện ở bến phà ác liệt này, nhiều người vẫn còn nhắc.
Dù chỉ dài 77 km, nhưng Long Đại đã gánh chịu không biết bao bom đạn trong chiến tranh. Những người dân sống bên bờ sông này có truyền thống anh hùng, với khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”. Họ đã hy sinh, chiến đấu để bảo vệ nguồn nước, đất đai và tổ quốc.
Bên cạnh đó, sông Long Đại từ lâu luôn là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch để người miền xuôi lên miền ngược, người miền ngược về miền xuôi phát triển các nghề khai thác gỗ, khai thác đá, hoặc lưu chuyển hàng hóa theo nhu cầu của người dân hai miền.
Hãy cùng đến với sông Long Đại, nơi bạn sẽ được đắm chìm trong vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, cảm nhận sự linh thiêng và tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì đất nước. Và để Long Đại kể cho bạn những câu chuyện về quá khứ và tương lai, về sự kiên cường và lòng yêu nước.
T.P