Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới vào năm ngoái, khi cơ quan giám sát chống tham nhũng nước này tiến hành điều tra 45 quan chức cấp cao.
Theo SCMP, con số điều tra kỷ lục diễn ra 5 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “chiến thắng vang dội” trong cuộc chiến chống tham nhũng, một cuộc trấn áp sâu rộng được phát động vào năm 2013.
Số lượng cuộc điều tra cấp cao được tiến hành vào năm 2023 đã tăng 40% so với năm 2022, khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) – cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc – công bố chính thức 32 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao.
Hầu hết các “hổ lớn bị đánh” thuộc nhóm quan chức được gọi là “cán bộ quản lý trung ương”, nghĩa là họ có chức vụ từ cấp thứ trưởng trở lên. Một số ít hơn trong đó có chức vụ thấp hơn một chút nhưng lại chiếm giữ những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.
Không giống như cấp dưới được quản lý và giám sát bởi các chi bộ tổ chức và cơ quan kỷ luật đảng ở địa phương, nhóm quan chức cấp cao chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cơ quan nhân sự cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi sai trái nào, họ sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra cấp cao nhất từ CCDI.
Cũng theo những thông tin được công khai, 27 trong số 45 quan chức cấp cao đã nghỉ hưu khi họ đối mặt với các cuộc điều tra.
Ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập của Study Times, tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, đánh giá thực tế việc điều tra của CCDI tập trung vào các quan chức đã nghỉ hưu báo hiệu rằng họ đã phát hiện ra nhiều hành vi sai trái hơn trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Quan trọng hơn, điều này gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng cho dù đã về hưu thì các quan chức có hành vi sai trái cũng không thể “hạ cánh an toàn”.
“Trong số các quan chức bị bắt những năm gần đây, không có nhiều người bị bắt vì tham nhũng ở chức vụ hiện tại. Hầu hết các vi phạm đều xảy ra trong vài năm, thậm chí hơn 10, 20 năm trước. CCDI không còn tuân theo quy tắc bất thành văn trước đây rằng các quan chức đã nghỉ hưu sẽ không bị điều tra”, ông Deng nói.
“Bây giờ, không ai được an toàn,… đã phát hiện thêm nhiều vấn đề tích tụ trong ba thập kỷ qua do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và kỷ luật đảng lỏng lẻo. Và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng việc điều tra”, ông Deng nói thêm.
Theo thống kê của SCMP, tổng cộng 294 quan chức cấp cao đã bị CCDI điều tra trong 11 năm kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động.
Tuy nhiên, con số này không bao gồm hầu hết các cuộc điều tra tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, vốn tiến hành các cuộc điều tra riêng thông qua Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật. Cơ quan này hoạt động dưới sự chỉ huy của bộ chỉ huy quân sự hàng đầu Trung Quốc – Quân ủy Trung ương (CMC) – do ông Tập đứng đầu và hoạt động cực kỳ bí mật.
Bắc Kinh công bố những trường hợp như vậy một cách rất có chọn lọc, giống như họ đã làm với các cuộc điều tra cựu phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng trong nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của ông Tập. Họ là những sĩ quan cấp cao nhất trong Quân đội Giải phóng Nhân dân trở thành mục tiêu kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu.
Trước năm 2023, số lượng quan chức cấp cao bị CCDI điều tra nhiều nhất trong một năm là vào năm 2014, khi 38 cá nhân bị nhắm tới.
Năm 2020, con số này là 18. Kể từ đó, số vụ hằng năm ngày càng tăng với 25 người năm 2021 và 32 người vào năm 2022.
Ngày 30/12/2023, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố cách chức 9 tướng lĩnh quân đội. 5 sĩ quan trong số đó đều là cựu chỉ huy hàng đầu hoặc đương nhiệm của Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng nhân dân.
Bắc Kinh chưa xác nhận liệu có ai trong số 9 người này đang bị điều tra vì cáo buộc tham ô, lợi dụng chức vụ hay không, dù một vài người trong số họ bị điều tra từ đầu năm ngoái.
Một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Bắc Kinh cho biết có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch “đả hổ” của Trung Quốc sẽ còn mở rộng hơn nữa vào năm 2024.
“Quốc hội (Trung Quốc) vừa chính thức bãi nhiệm 9 tướng lĩnh quân đội vào cuối năm 2023, cho thấy một cuộc điều tra sâu rộng trong quân đội đã có kết quả sơ bộ”, nhà nghiên cứu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề cho biết.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc thông báo thẩm tra và điều tra giám sát với ông ông Chung Tự Nhiên, cựu Bí thư tổ đảng, Cục trưởng Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc.
Ông Chung bị điều tra sau hơn 1 năm nghỉ hưu vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, trở thành “con hổ đầu tiên” bị thông báo điều tra trong năm nay.
T.P