Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ phương Tây- Nga: Muốn thân sao quá khó

Quan hệ phương Tây- Nga: Muốn thân sao quá khó

Trước Hội nghị G7 và đồng thuận ở Ukraine, Nga từng được Đức nhắc tới về tương lai G8, song kết quả vẫn là Nga tiếp tục gánh đòn trừng phạt.

Thủ tướng Đức Angela Merke​l ngày 26/5 thông báo Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 chưa có kế hoạch bãi bỏ các biện pháp cấm vận chống Nga liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Tuyên bố trên của Thủ tướng Đức được đưa ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại thành phố Ise-Shima, Nhật Bản.

Phát biểu với giới báo chí, bà Merkel cho rằng còn quá sớm để xóa bỏ những biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và G7 sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề này.

RIA Novosti dẫn các nguồn tin ngoại giao từ Brussels (Bỉ) cho biết có thể EU sẽ gia hạn lần cuối cấm vận đối với Nga vào tháng 7 này và sẽ bỏ lệnh trừng phạt từng phần vào cuối năm 2016, theo trang Vestnik Kavkaza.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng tuyên bố G7 cần có “thái độ rõ ràng và cứng rắn hơn” đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Các nước G7 vẫn căn cứ vào việc thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn Minsk, chấm dứt cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và các tay súng nổi dậy ở Luhansk và Donetsk, để quyết định về những biện pháp gia hạn hoặc nâng mức trừng phạt kinh tế với Nga.

Quan chức Đức nói rằng Berlin không hy vọng các nước khác sẽ mở rộng lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng việc này sẽ được đề cập trong thông cáo phát hành vào cuối cuộc họp G7.

Trong khi đó, tình hình Ukraine đã có các tín hiệu tốt. Các tín hiệu ở miền Đông nước này cho thấy 4 bên Nga – Pháp – Đức – Ukraine đều đồng thuận trong vấn đề tổ chức cuộc bầu cử cho phe ly khai.

Tổng thống Hollande, Thủ tướng Merkel, Tổng thống Putin và Tổng thống Poroshenko cũng đánh giá việc thực hiện các vấn đề chính trị khác nhau, đặc biệt là công tác chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử địa phương ở Donbass phù hợp với luật pháp Ukraine và các tiêu chuẩn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Thông cáo của Điện Elysee (Pháp) cho thấy 4 nhà lãnh đạo đã khẳng định cam kết của mình  đối với các thỏa thuận Minsk, cũng như quyết tâm làm mọi việc để thỏa thuận này được thực thi đầy đủ, càng sớm càng tốt.

Hơn nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý việc trao đổi tù binh Nga và thả nữ phi công người Ukraine Nadiya Savchenko về nước.

Mặt khác, những tín hiệu từ Đức với Nga, trước đó, cho thấy quốc gia này đã từng mong muốn loại bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Quan he phuong Tay- Nga: Muon than sao qua kho

Tương lai Nga quay trở lại G8 còn rất xa.

Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng của Cộng hòa Liên bang Đức, Sigmar Gabriel kêu gọi việc bãi bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Nga, nhật báo Bild đưa tin.

“Chúng ta đều biết từ các kinh nghiệm trước đây rằng, cô lập trong thời gian dài không mang lại kết quả gì. Cuối cùng, chỉ đối thoại song phương mới hữu ích”, ông Gabriel nhận định.

Vị Phó Thủ tướng cũng chỉ trích lập trường của EU rằng lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn chỉ khi thực thi các thỏa thuận Minsk.

Tuy vậy, tuyên bố mới đây của G7 cho thấy một tương lai xa hơn và có lẽ không thể nào đón chào Nga quay lại Hội nghị thượng đỉnh này.

Nga vốn là thành viên của G7 (trước đây là G8), nhưng đã không được tham gia các cuộc họp của nhóm từ năm 2014 sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.

RELATED ARTICLES

Tin mới