Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngSóng gió lại nổi lên xung quanh bãi Cỏ Mây ở Biển...

Sóng gió lại nổi lên xung quanh bãi Cỏ Mây ở Biển Đông

Sau những căng thẳng liên tiếp ở khu vưc Bãi Cỏ Mây trong những tháng cuối năm 2023, tình hình ở khu vực này có vẻ dịu đi trong 2 tháng đầu năm 2024, các tàu công vụ của Philippines thực hiện việc tiếp tế cho binh sĩ trên Bãi Cỏ Mây diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, vụ việc va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines ngay đầu tháng 3 ở khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây lại khiến Biển Đông dậy sóng và những cuộc cãi vã giữa Manila và Bắc Kinh lại trở nên gay gắt hơn.

Ngày 5/3, Philippines cáo buộc Hải cảnh Trung Quốc thực hiện “các hành vi nguy hiểm” dẫn đến va chạm giữa tàu nước này với tàu của Trung Quốc trong một chuyến làm nhiệm vụ tiếp tế định kỳ cho quân đội Philippines ở Biển Đông. Lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Manila cho biết các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ tiếp tế cho binh sỹ Philippines đóng quân trên tàu chiến cũ BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây đã bị các tàu dân quân hàng hải và lực lượng hải cảnh Trung Quốc “quấy rối, ngăn chặn”.

Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 5/3/2024 một số lượng lớn tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. Bị áp đảo đáng kể về số lượng so với tàu Trung Quốc, 4 trong số đội tàu Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại Bãi Cỏ Mây đã nhanh chóng bị bao vây. Các tàu hải cảnh Trung Quốc cùng các tàu dân quân biển hộ tống đã chặn các tàu tuần duyên và tiếp tế của Philippines đến Bãi Cỏ Mây đồng thời thực hiện những bước nguy hiểm dẫn đến các va chạm nhỏ giữa các tàu. Tàu BRP Sindangan của Philippines bị hư hỏng nhẹ từ vụ va chạm xảy ra vào buổi sáng sớm. Khoảng một giờ sau đó, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã chặn và sau đó đâm vào tàu tiếp tế của Philippines khi tàu này đang được tàu tuần duyên hộ tống.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) Jay Tarriela viết: “Sáng nay các tàu tuần duyên BRP Cabra và BRP Sindangan được đô đốc Ronnie Gil Gavan, chỉ huy Lực lượng tuần duyên Philippines, triển khai để hỗ trợ ‘hoạt động luân chuyển và tái cung cấp của Các lực lượng vũ trang Philippines’. Trong suốt quá trình hoạt động, các tàu tuần duyên Philippines đã đối mặt với những hành động nguy hiểm và sự ngăn chặn từ các tàu hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc. Hành động liều lĩnh và bất hợp pháp của họ đã dẫn đến vụ va chạm giữa tàu MRRV-4407 (tức tàu BRP Sindangan) và tàu hải cảnh Trung Quốc 21555, khiến tàu tuần duyên Philippines bị hư hại nhẹ về cấu trúc”. Ông Jay Tarriela còn đăng kèm theo các video ghi lại khoảnh khắc hai con tàu va vào nhau. Theo PCG, tàu Unaizah May 4, một trong hai con tàu tiếp tế của lực lượng này, đã bị hai tàu Trung Quốc cùng lúc dùng súng phun nước tấn công làm vỡ kính khoang điều khiển và khiến 4 thành viên thủy thủ đoàn bị thương.

Người phát ngôn Lực lượng Đặc trách quốc gia về Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông) Jonathan Malaya cáo buộc Trung Quốc “cố tình gây rối” và “kích động một cách ác ý”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ngày 6/3 nhấn mạnh các yêu sách của Trung Quốc là vô căn cứ và hành động của họ trong tuần này “rõ ràng là phi pháp và hết sức thiếu văn minh”.

Cũng trong ngày 5/3, Philippines đã triệu tập Phó Đại sứ Trung Quốc tại Manila để phản đối điều mà Manila gọi là “hành động hung hăng” của Hải cảnh Trung Quốc chống lại lực lượng tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên Bãi Cỏ Mây. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ: “Sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động thường lệ và hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này là không thể chấp nhận được. Những hành động của Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”.

Ngay sau vụ việc, Mỹ nhanh chóng lên án hành động của Trung Quốc. Washington cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất ở châu Á, nếu lực lượng, tàu hoặc máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở bất kỳ đâu trên Biển Đông. Washington lên án hành động của lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại Manila MaryKay Carlson tái khẳng định Mỹ sát cánh cùng Philippines và những người ủng hộ luật pháp quốc tế để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết các vụ việc thể hiện “Trung Quốc trắng trợn coi thường sự an toàn của người dân Philippines cũng như luật pháp quốc tế” và rằng Trung Quốc đang can thiệp “các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines”.

Hai đồng minh của Mỹ là Australia và Nhật Bản bày tỏ quan ngại riêng về hành động của Trung Quốc. Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ở Canberra ngày 5/3, Australia và các quốc gia Đông Nam Á kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông đang tranh chấp và tuân thủ trật tự “dựa trên luật lệ” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuyên bố chung ASEAN-Australia sau cuộc họp cấp cao kéo dài 3 ngày có đoạn: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các nước tránh bất kỳ hành động đơn phương nào gây nguy hiểm cho hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Đáp trả những lời lên án của Manila, hải cảnh Trung Quốc trong một tuyên bố ngang nhiên nói rằng họ đã thực hiện những biện pháp theo luật để ngăn chặn các tàu của Philippines xâm nhập trái phép vào vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Hải cảnh Trung Quốc cho biết các tàu Philippines đã xâm nhập trái phép vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây mà Trung Quốc gọi là Bãi đá Nhân Ái nên lực lượng này phải thực hiện các biện pháp kiểm soát. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu – đại diện cho tiếng nói chính thức của chính quyền Bắc Kinh – lại ngang ngược viết: hải cảnh Trung Quốc “đã thực hiện các biện pháp có kiểm soát một cách hợp pháp vào ngày 5-3 đối với một tàu Philippines xâm nhập trái phép vùng biển gần Nhân Ái Tiêu (cách Bắc Kinh gọi Bãi Cỏ Mây)”.

Đối với những người Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế hàng tháng, các cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc đã trở nên thường xuyên. Các nhiệm vụ luôn mệt mỏi và đầy rẫy nguy hiểm, thường chỉ được thực hiện trong nhiệt độ oi bức, nhưng thủy thủ đoàn Philippines luôn tràn ngập tự hào với niềm tin rằng họ đang cố gắng bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Họ tự gọi mình là “Người bảo vệ bờ biển”.

Giới chức Trung Quốc và Philippines đã có cuộc gặp tại Thượng Hải hồi tháng 1 và đồng ý thực hiện các bước nhằm giảm căng thẳng, song những cuộc đối đầu gần đây cho thấy mục tiêu này khó khả thi. Người phát ngôn Lực lượng Đặc trách quốc gia về Biển Tây Philippines Jonathan Malaya, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 6/3 tại Manila: “Nếu Trung Quốc mong muốn một số cải thiện hoặc tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải này một cách hòa bình và có trật tự, lời nói phải đi cùng với hành động”.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sử dụng chiến thuật “vùng xám” quanh Bãi Cỏ Mây, thực hiện các hành động chưa đến mức bị xem là gây hấn chiến tranh nhưng có thể đạt được kết quả tương tự là giúp Bắc Kinh giành được lãnh thổ hoặc quyền kiểm soát mà không cần nổ súng. Nhà nghiên cứu Collin Koh, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng có lẽ đã đến lúc Mỹ phải đánh giá lại thế nào là hành động chiến tranh sau vụ việc ngày 5/3. Ông cảnh báo: “Nếu không làm rõ ‘tấn công vũ trang’ là gì, điều này sẽ tiếp tục tái diễn vì Bắc Kinh cảm thấy họ không bị trừng phạt”.

Ông Ray Powell, Giám đốc chương trình SeaLight tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian tại Đại học Stanford Mỹ, cho rằng trách nhiệm thuộc về phía các đối tác và đồng minh của Philippines, trong đó có Mỹ; đòi hỏi họ cần thực hiện các hành động mới để đẩy lùi Trung Quốc. Ông Ray Powell nói: “Liệu Mỹ, các đồng minh của họ và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế, có thể cùng đứng về một phía và làm gì đó thay vì chỉ trích suông? Chúng ta đã lên án song dường như chẳng hiệu quả và cũng chẳng khiến Trung Quốc chùn bước”.

Bình luận về vụ việc va chạm hôm 5/6 khi đang ở thăm Australia, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho rằng chưa tới lúc cần viện dẫn hay kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, song vụ việc mới nhất ngày 5/3 được xem là “rất đáng báo động”.

Vụ việc ngày 5/3 là vụ mới nhất trong một loạt vụ va chạm hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc. Vụ việc lần này xảy ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo bên lề Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia tại Melbourne đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động “sách nhiễu” Philippines. Ngoại trưởng Manalo cũng kêu gọi các nước láng giềng trong khu vực cùng nhau mạnh mẽ hơn trong việc duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây dựng đồn điền quân sự trên một số đảo nhân tạo nhằm củng cố yêu sách của mình. Ông nêu rõ: “Quyền quản lý chung đối với các vùng biển và đại dương trong khu vực đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết trong việc duy trì tính ưu việt của luật pháp quốc tế để có thể đảm bảo kết quả công bằng và bền vững cho tất cả mọi người. Nó cũng kêu gọi chúng ta kiên quyết cùng nhau chống lại những hành động trái ngược hoặc không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, Phát biểu tại một diễn đàn ở Australia ngày 4/3, Tổng thống Marcos Jr. tuyên bố Manila không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia ở Biển Đông trước những gì ông gọi là sự xâm lược và hành động bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của chính Bắc Kinh. Ông Marcos nhấn mạnh: “Thật không may là bất chấp sự rõ ràng của luật pháp quốc tế, các hành động khiêu khích, đơn phương và bất hợp pháp vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi”. Nhà lãnh đạo Philippines cho biết Manila dù có thiện chí hợp tác đàm phán với Bắc Kinh, nhưng cũng sẵn sàng đáp trả nếu chủ quyền và các lợi ích hàng hải của nước này bị phớt lờ.

Một ngày sau vụ việc va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines, Đô đốc Roy Trinidad của Hải quân Philippines hôm 06/3/2024 tuyên bố bãi cạn Scarborough và con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây là “những lằn ranh đỏ đối với lực lượng vũ trang Philippines”. Theo đó, Manila sẽ không cho phép xây dựng bất kỳ công trình nào ở bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines năm 2012 và sẽ kiên quyết bảo vệ con tàu cũ BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 07/03, khẳng định Bắc Kinh sẽ “bảo vệ” quyền lợi của mình ở Biển Đông sau hàng loạt sự cố với Manila.  Với những gì xảy ra ở khu vực Bãi Cỏ Mây hôm 5/3 và những tuyên bố cứng rắn của cả Manila và Bắc Kinh có thể thấy tình hình ở khu vực này sẽ còn diễn biến phức tạp và đứng trước những nguy cơ leo thang mới. Giới chuyên gia cảnh báo căng thẳng có thể vượt tầm kiểm soát, thậm chí có thể châm ngòi cho xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới