Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnCăn cứ hải quân REAM tiếp tục là tâm điểm gây mối...

Căn cứ hải quân REAM tiếp tục là tâm điểm gây mối quan ngại trong năm 2024

Phát biểu nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Bộ Tổng tham mưu Quân đội Hoàng gia Campuchia, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh mục đích của căn cứ hải quân và các năng lực quân sự khác là nhằm “tăng cường năng lực quốc phòng”, chứ không nhằm đe dọa hay gây chiến với bất kỳ quốc gia nào. Thủ tướng Hun Manet tuyên bố: “Căn cứ Hải quân Ream hiện đang được phát triển, hoàn toàn phục vụ mục đích quốc phòng và sẽ không tiếp nhận bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào”.

Thủ tướng Hun Manet nêu rõ nội dung Điều 53 của Hiến pháp Campuchia nghiêm cấm việc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia. Ngoài ra, ông Hun Manet cũng nhấn mạnh thực tế quân đội Campuchia chỉ có các căn cứ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Thủ tướng Campuchia khẳng định: “Tôi xin nhắc lại rằng căn cứ hải quân Ream thường được nhắc đến trên báo chí. Điều 53 trong Hiến pháp của chúng ta nêu rõ rằng Campuchia không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ của mình và Quân đội Campuchia cũng không có căn cứ trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào ngoại trừ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”.

Ông Hun Manet tái khẳng định lập trường này tại Liên hợp quốc, đồng thời nhắc lại rằng các nỗ lực xây dựng năng lực của hải quân và không quân Campuchia chỉ tập trung vào việc bảo vệ đất nước Campuchia và đảm bảo sự ổn định của nước này. Thủ tướng Hun Manet tuyên bố “Không có luật quốc tế nào cấm các nước hiện đại hóa năng lực quốc phòng và việc Campuchia tăng cường lực lượng vũ trang là nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định cả trong nước và khu vực”.

Ngoài Căn cứ Hải quân Ream, Thủ tướng Hun Manet còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực của lực lượng Campuchia công tác, phục vụ trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để hội nhập hiệu quả với các quốc gia khác. Trong thời gian qua, Chính phủ Campuchia đã thực hiện nhiều cải cách để tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang và nâng cao hiệu quả của họ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Theo ông Hun Manet, Campuchia cần phải có một lực lượng quân sự hiện đại và được huấn luyện tốt để hoàn thành vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế và bảo vệ chủ quyền. Qua phát biểu của ông Hun Manet, chính quyền Phnom Penh lập luận rằng, “với sự phát triển của Căn cứ Hải quân Ream và việc tăng cường các năng lực quân sự khác, Campuchia đang khẳng định mình là nước tham gia tích cực vào các sáng kiến an ninh toàn cầu”.

Căn cứ Hải quân Ream, nằm ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia, có ý nghĩa chiến lược do nằm trên bờ Vịnh Thái Lan, sát Biển Đông và gần Ấn Độ Dương. Trong trường hợp Căn cứ Hải quân Ream trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với Biển Đông, các nước láng giềng mà còn đối với Ấn Độ Dương bởi Căn cứ Hải quân Ream có thể giúp quân đội Trung Quốc nhanh chóng tiếp cận các khu vực này.

Thủ tướng Hun Manet đã nhấn mạnh bản chất phòng thủ của căn cứ ở Ream và lực lượng vũ trang Campuchia để mong muốn giảm bớt mọi lo ngại về ý định gây hấn, phản ánh cam kết của nước này trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định. Việc Thủ tướng Hun Manet trấn an Căn cứ Hải quân Ream sẽ không tiếp nhận các căn cứ quân sự nước ngoài, bao gồm việc trích dẫn Hiến pháp là nhằm giải tỏa mối lo ngại của các nước láng giềng. Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh từng nhấn mạnh rằng căn cứ hải quân Ream rất nhỏ, việc nâng cấp cải tạo cũng chỉ nhằm bảo vệ quốc gia, lãnh thổ và chủ quyền. Ông Tea Banh phát biểu: “Hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream là một chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, phù hợp với chiến lược đã được nêu trong Sách Trắng mà Bộ Quốc phòng Campuchia công bố trước đó”.

Trên thực tế, phát biểu nói trên của Thủ tướng Hun Manet chẳng khác gì so với những phát biểu của cha ông là cựu Thủ tướng Hun Sen trước đây khi bác bỏ việc lập căn cứ quân sự của nước ngoài ở Căn cứ Hải quân Ream, song trên thực tế không phải vây. Việc Trung Quốc bỏ tiền ra để phát triển khu vực này cùng với những hoạt động nhộn nhịp của quân đội Trung Quốc ở nơi đây trong thời gian quan làm dấy lên mối lo ngại về việc Bắc Kinh đang biến Căn cứ Hải quân Ream thành căn cứ quân sự đầu tiên ở Đông Nam Á của nước này.

Giới phân tích nhận định không phải ngẫu nhiên mà các nước trong và ngoài khu vực lo ngại về việc Trung Quốc biến Căn cứ Hải quân Ream thành căn cứ hải quân của mình. Với mục tiêu xây dựng cường quốc biển, trong thời gian qua Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh phát triển hải quân và không quân. Việc Trung Quốc tập trung quân sự hóa Biển Đông với những đồn điền quân sự được xây dựng trên các đảo nhân tạo bồi đắp, mở rộng từ các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông cho thấy rõ Bắc Kinh đang tìm mọi cách để tạo ưu thế về quân sự ở khu vực và việc lập căn cứ quân sự ở Ream nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của nước này.

Mặt khác, trong những năm qua, Trung Quốc đã đổ tiền, của vào Campuchia nhằm lôi kéo nước này vào quỹ đạo của họ, phục vụ chiến lược lâu dài của Bắc Kinh ở khu vực. Do chịu phụ thuộc quá lớn vào Bắc Kinh, chính quyền Phnom Penh đã ít nhất 2 lần tiếp tay cho Bắc Kinh phá hoại sự đoàn kết của ASEAN, đi ngược lại lợi ích của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông, do vậy có những lo ngại về việc Trung Quốc phối hợp với Campuchia thiết lập căn cứ quân sự tại Ream là điều dễ hiểu.

          Sự tham gia của Trung Quốc trong hoạt động xây dựng căn cứ Ream khiến nơi đây có thể trở thành căn cứ quân sự ở nước ngoài thứ hai của Bắc Kinh, trong khi căn cứ đầu tiên được thiết lập tại Djibouti ở Vùng Sừng châu Phi vào năm 2017. Hình ảnh vệ tinh trong 18 tháng qua đã cho thấy người ta không chỉ bổ sung một bến tàu đủ dài để neo đậu tàu sân bay tại căn cứ Ream, mà còn đang đồng thời xây dựng một ụ tàu lớn trên vùng đất khai hoang ở phần phía Nam của căn cứ. Tom Shugart, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), sau khi đi sâu phân tích các hình ảnh vệ tinh đã chỉ ra rằng công tác khai phá và làm đường đã được thực hiện trong khu vực dành riêng cho quân đội Trung Quốc sử dụng để cho phép triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa dẫn đường bằng radar, tương tự như trong các mạng lưới phòng không trên các căn cứ hải quân của Trung Quốc như Á Long (Yalong) ở đảo Hải Nam.

         Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu và sự phụ thuộc nặng nề vào năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông thông qua các tuyến đường biển xuyên qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, Trung Quốc có nhu cầu an ninh cấp bách để bảo vệ và thể hiện sức mạnh hải quân trên biển cả. Để bù đắp cho việc thiếu năng lực hải quân biển xanh, vốn đòi hỏi Trung Quốc phải triển khai không ngừng các lực lượng hải quân ở xa đất liền nước này, Trung Quốc đã và đang dần tạo được tầm ảnh hưởng với ngày càng nhiều hạ tầng cảng biển trên khắp thế giới. Qua đó, về mặt lý thuyết, có thể cho phép nước này triển khai các tàu hải quân của mình một cách hiệu quả mà không cần có ràng buộc hậu cần cản trở các tàu hoạt động ngoài các cảng của Trung Quốc Đại lục.

Có nhiều quan điểm trái ngược nhau về tầm quan trọng thực sự của việc Trung Quốc can dự căn cứ hải quân Ream. Một số ý kiến cho rằng căn cứ Ream có giá trị chiến lược hạn chế do vị trí địa lý trên bờ biển Campuchia, khiến căn cứ trở thành một “ngõ cụt” ở Vịnh Thái Lan, không mang lại nhiều giá trị đối với việc triển khai sức mạnh hải quân của Trung Quốc, khi nước này đã có nhiều căn cứ hải quân trên Đảo Hải Nam cách đó không xa, trực diện vùng Biển Đông. Hơn nữa, dù bến tàu mới được xây dựng tại căn cứ Ream là loại bến tàu chỉ thấy ở căn cứ nước ngoài của Trung Quốc tại Djibouti và về mặt lý thuyết đủ dài để neo đậu bất kỳ tàu sân bay hoặc tàu tiếp tế hải quân nào của Trung Quốc, việc thiếu các cơ sở ở bờ biển và cơ sở neo đậu hiện đại, trọng yếu cùng với vùng nước nông xung quanh căn cứ Ream sẽ khiến tính thực tế của việc triển khai này đối mặt với nhiều hoài nghi. Một số chuyên gia cũng chỉ ra Ream có vị trí gần với căn cứ hải quân Changi của Singapore, tại đó Hải quân Mỹ có cả sự hiện diện về hải quân tác chiến cũng như hậu cần, có thể dễ dàng đối đầu tàu hải quân Trung Quốc nào ở căn cứ Ream nếu xung đột nổ ra.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Ream sẽ hết sức nguy hiểm không chỉ đối với các nước láng giềng mà còn giúp Trung Quốc mở rộng bành trướng ra các vùng biển xa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các chuyên gia quân sự cảnh báo nếu Trung Quốc thực sự hiện diện quân sự tại Căn cứ Hải quân Ream, vị trí tương đối gần đảo Phú Quốc của Việt Nam, có thể gây ảnh hưởng đến tương quan tam giác quan hệ Trung Quốc–Campuchia–Việt Nam. Lầu Năm Góc cùng giới chức Mỹ quan ngại việc Ream trở thành một căn cứ lâu dài của Hải quân Trung Quốc có thể tạo dựng cho Bắc Kinh một mạn sườn quân cảng hoàn hảo phía Nam Biển Đông để hoạt động “tình báo, giám sát và bao vây” theo dõi mọi thứ “ra vào” Phú Quốc (Việt Nam), căn cứ Hải quân Sattahip (Thái Lan) cũng như hoạt động quân sự của tất cả các bên trong khu vực. Một số ý kiến cho rằng căn cứ quân sự ở Ream cùng với căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đảo Hải Nam tạo “thế gọng kìm” khống chế Biển Đông.

Mặc dù cả Trung Quốc và Campuchia đều kịch liệt phủ nhận căn cứ hải quân Ream là căn cứ quân sự bí mật ở nước ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Các nhà phân tích đã đưa ra 3 dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho nhận định về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Ream.

Thứ nhất, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy việc xây dựng một ụ tàu lớn vượt quá bất kỳ tàu hải quân nào hiện đang được Hải quân Campuchia vận hành, đặt ra câu hỏi về nước được hưởng lợi thực sự từ tiện ích của cơ sở đó.

Thứ hai, sân bay quốc tế Dara Sakor lân cận, hiện được cho là vẫn đang xây dựng và do Trung Quốc tài trợ, có đường băng dài hơn 3.000 mét, độ dài bất thường dành cho khu vực xa xôi và dân cư thưa thớt, điều mà các nhà phân tích quân sự Mỹ nghi ngờ là có khả năng được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự nhằm tiếp nhận máy bay quân sự Trung Quốc.

Thứ ba, hồi tháng 4/2023, chính phủ Campuchia bất ngờ công bố kế hoạch phát triển các hệ thống radar phòng không và hải quân mới gần căn cứ hải quân, trong Công viên Quốc gia Ream. Vào tháng 9/2023, chính phủ cũng chấp nhận bàn giao hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa KS-1C đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy công tác khai phá và làm đường trong khu vực nằm trong khu vực, tương tự như việc lắp đặt hệ thống phòng không trên các căn cứ hải ngoại khác của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Điều này cho thấy khả năng lực lượng không quân Trung Quốc sẽ có thể triển khai các khí tài phòng không thông qua lực lượng ủy nhiệm Campuchia, hoặc thậm chí trực tiếp thực hiện điều đó bất cứ lúc nào. Khi Chính phủ mới do Thủ tướng Hun Manet lãnh đạo lên nắm quyền, người ta hy vọng chính quyền mới ở Phnom Penh sẽ có sự cân bằng hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhưng về cơ bản chính sách đối ngoại của Campuchia đối với Trung Quốc vẫn không thay đổi với Trung Quốc. Mặc dù, Hun Sen đã rời nhiệm sở nhưng ông vẫn giữ chức Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và được coi là có quyền lực trong chính phủ của con trai ông. Để thể hiện chính sách đối ngoại của cha mình, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Hun Manet đã thăm Trung Quốc hai lần. Điều này cho thấy việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Ream vẫn tiếp tục là đề tài được quan tâm theo dõi, là tâm điểm gây mối quan ngại trong năm 2024 này.

RELATED ARTICLES

Tin mới