Thursday, December 19, 2024
Trang chủĐàm luậnÝ nghĩa của của việc Mỹ và Philippines tuần tra chung ở...

Ý nghĩa của của việc Mỹ và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông

Chỉ riêng trong tháng 2/2024, Philippines và Mỹ đã có liên tiếp 2 cuộc tuần tra và tập trận chung ở Biển Đông: một cuộc trên biển và một cuộc trên không. Đây là những động thái rất đáng chú ý trong phối hợp hành động giữa quân đội Mỹ và Philippines khiến Trung Quốc hết sức tức giận. Lý do của các cuộc tập này và ý nghĩa của nó đối với cục diện Biển Đông được các nhà quan sát quan tâm, phân tích.

Ngày 09/2, Tàu chiến của Mỹ và Philippines có cuộc tập trận chung mang tên “Hoạt động Phối hợp trên biển” (MCA) ở Biển Đông. Tham gia trận tập có tàu USS Gabrielle Giford của Mỹ và tàu tuần duyên BRP Gregorio Del Pilar của Philippines. Ngoài hai tàu chiến còn có trực thăng MH-6oS Seahawk và AW 109 của Philippines tham gia tập trận. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Kristina Wiedemann cho biết, hải quân hai bên cùng tham gia tập trận trong lĩnh vực thông tin liên lạc, phối hợp và chiến thuật; đồng thời nhấn mạnh “Cuộc tập trận MCA đã trở thành hoạt động thường kỳ giữa quân đội hai nước và sẽ tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hoạt động thông qua an ninh biển và các hoạt động nhận thức trên biển”.

Sau đó 10 ngày, Mỹ và Philippines tiếp tục tiến hành tuần tra trên không ở vùng Biển Đông. Ngày 19/2/2024, hãng thông tấn Philippines đưa tin rằng 3 trong số các máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Philippines và 1 máy bay ném bom hạng nặng B-52H của Không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tuần tra trên không “trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước”. Theo bản tin của hãng thông tấn Philippine, cuộc tuần tra chung trên không giữa Philippines và Mỹ lần này là một phần trong hoạt động hợp tác hàng hải thứ ba giữa hai nước (hàm ý là một phần trong cuộc tập trận hàng hải lần thứ 3 được triển khai hôm 09/2). Philippines và Mỹ đã tổ chức cuộc tuần tra chung lần đầu tiên vào tháng 11/2023 và lần thứ hai vào tháng 1/2024.

Ngay lập tức vào cuối ngày 19/2, Trung Quốc bày tỏ sự tức giận, lên án Philippines “khuấy động tình hình ở Biển Đông”. Trong một tuyên bố hôm 19/2, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cáo buộc Philippines tập hợp một quốc gia ngoài khu vực, tổ chức cái gọi là “tuần tra chung trên không” và công khai sự kiện này khiến Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA phải tổ chức các lực lượng hải quân tiền tuyến và không quân giám sát chặt chẽ các hoạt động của họ và tình hình đã được kiểm soát hoàn toàn. Tuyên bố nêu rõ các binh sĩ của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã duy trì cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền hàng hải quốc gia, bảo vệ vững chắc hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngày 20/2, Người đứng đầu Văn phòng công vụ của quân đội Philippines Xerxes Trinidad cho biết cuộc tuần tra chung trên không giữa Philippines và Mỹ nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ và lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung Quốc cáo buộc Philippines đã “gây rối” ở Biển Đông. Ông Trinidad nêu rõ: “Hoạt động này nhằm tăng cường khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang và nâng cao năng lực cho lực lượng không quân của chúng tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia”; đồng thời, cho biết Manila hy vọng sẽ thực hiện nhiều hoạt động hàng hải chung hơn với đồng minh và các đối tác “cùng chí hướng” khác để duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia nhận định các cuộc tuần tra, tập trận song phương giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông được tổ chức song song với các cuộc tập trận đa phương và song phương giữa Mỹ với các đồng minh khu vực khác ở Biển Đông như cuộc diễn tập 3 bên Mỹ-Nhật-Úc hôm 7-8/2 (với sự tham gia của các tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords của Mỹ cùng với tàu khu trục JS Sazanami của Nhật Bản và tàu khu trục RAN HMAS Warramunga của Úc) hay cuộc tập trận giữa Mỹ và Nhật hôm 15/2 (với sự tham gia của Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Finn của Hải quân Mỹ cùng tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Hatakaze JS Shimakaze và tàu khu trục lớp Takanami JS Suzunami) đều diễn ra ở Biển Đông là những động thái mới rất đáng chú ý. Điều này cho thấy trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động hung hăng ở Biển Đông, Mỹ đang tích cực phối hợp với các đồng minh để tăng cường khả năng răn đe, khả năng tương tác và thể hiện sự sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trong khu vực. Sự tham gia và hợp tác chuyên nghiệp với các đồng minh và đối tác là nền tảng của sự ổn định trong khu vực, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia.

Trong khi đó các chuyên gia quân sự Trung Quốc đồng loạt lên tiếng chỉ trích Mỹ. Ông Phó Tiền Tiêu, một chuyên gia hàng không quân sự Trung Quốc, cho rằng với tư cách là quốc gia ngoài khu vực, việc Mỹ điều máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông là nỗ lực răn đe Trung Quốc và gây rắc rối bằng cách kích động tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines về các đảo và bãi đá ngầm, trong khi các lực lượng vũ trang Philippines yếu kém nên họ cần một lực lượng hùng mạnh như Mỹ để hỗ trợ. Ông Phó Tiền Tiêu nói: “Chúng ta sẽ giám sát chặt chẽ những hoạt động được gọi là tuần tra chung này khi chúng ít gây ra mối đe dọa. Tuy nhiên, nếu lợi ích cốt lõi của chúng ta bị khiêu khích, đặc biệt là về các đảo và rạn san hô ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), chúng ta chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng”.

Ông Trác Hoa, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nhận định Mỹ và Philippines đang biến các hoạt động hợp tác hàng hải của họ thành một cơ chế, điều đó có nghĩa là Philippines đang bỏ qua các cơ chế an ninh đa phương trong khu vực, gạt ra ngoài tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), lợi dụng nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc đồng thời phối hợp với các lực lượng bên ngoài khu vực trong các động thái tương tự như chủ nghĩa phiêu lưu quân sự. Chuyên gia Trác Hoa gọi động thái này là một mối nguy hiểm lớn tiềm tàng.

Giới phân tích nhận định việc Mỹ cùng các đồng minh liên tiếp triển khai tuần tra, tập trận chung ở Biển Đông là nhằm hỗ trợ cho Philippines triển khai các hoạt động trên Biển Đông trước sự hung hãn của Trung Quốc. Theo Người phát ngôn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela, từ ngày 01-09/2, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đã tuần tra quanh bãi cạn nhưng bị lực lượng hải cảnh và các tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc quấy rối và ngăn chặn. Ngày 11/2, ông Tarriela cho biết 4 tàu Trung Quốc đã theo dõi tàu Philippines hơn 40 lần, tàu Trung Quốc đã thực hiện các động tác nguy hiểm, thậm chí 2 lần cắt qua mũi tàu Philippines.

Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh quốc gia Ano nhấn mạnh Philippines “tái khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với Bajo de Masinloc (cách Philippines gọi bãi cạn Scarborough) và các vùng biển xung quanh” và những điều này được công nhận theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS); khẳng định “Chính phủ Philippines đã hành động quyết đoán để bảo vệ quyền và sự an toàn của ngư dân Philippines ở vùng biển Bajo De Masinloc”. Ông Ano nhấn mạnh: “Chính phủ quốc gia đã chỉ đạo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) và Cục Nghề cá và nguồn lợi thủy sản (BFAR) điều động các tàu của họ để triển khai luân phiên tại Bajo De Masinloc bắt đầu từ tháng này (tháng 2/2024)”. Ông Ano cho biết: “Những nỗ lực này nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho ngư dân Philippines trong các ngư trường truyền thống của họ. Hơn nữa, cả PCG và BFAR đều được chỉ đạo phân phối thực phẩm, hàng tạp phẩm và thậm chí cả nhiên liệu để hỗ trợ ngư dân duy trì hoạt động”.

Tuyên bố của ông Ano được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường gây hấn ở các vùng biển xung quanh bãi cạn này, nơi thực tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh kể từ sau cuộc đối đầu căng thẳng với Manila vào năm 2012. Trung Quốc đã hiện diện thường trực ở đó với 2 tàu tuần duyên đứng gác ngay cửa vào bãi cạn này. Liên quan đến hoạt động tuần tra của tàu Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough, ông Gan Yu, Phát ngôn viên của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, đáp trả bằng cách cáo buộc tàu Philippines “xâm phạm” vùng biển Trung Quốc. Gan Yu nói: “Khi các cảnh báo do Hải cảnh Trung Quốc đưa ra không hiệu quả, Hải cảnh Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tuyến đường và buộc phải di dời đối với tàu Philippines theo quy định của pháp luật và cách xử lý tại chỗ này rất chuyên nghiệp và đúng tiêu chuẩn”. Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Ano đáp lại rằng “tuyên bố của Trung Quốc là không đúng sự thật”.

Trong phán quyết năm 2016 về Biển Đông, Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS đã khẳng định bãi cạn Scarborough là ngư trường truyền thống của nhiều ngư dân mang các quốc tịch khác nhau, bao gồm cả người Philippines và Trung Quốc, và các hành động của Trung Quốc ở đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Bắc Kinh không ngừng ngăn cản, truy đuổi ngư dân Philippines đánh bắt ở khu vực này và thường xuyên có hành động hung hăng vào các tàu tuần duyên ở khu vực này. Tháng 12/2023, các tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào 3 tàu BFAR, làm hư hại thiết bị trên tàu Philippines. Trước đó, Trung Quốc đã lắp đặt hàng rào nổi dài 300m ở phía Đông Nam bãi cạn này để chặn tàu Philippines.

Các chuyên gia phân tích nhận định việc Mỹ chủ động thúc đẩy tuần tra, tập trận với các đồng minh Nhật Bản, Úc, Philippines dù là tuần tra, tập trận chung hàng hải hay trên không ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay đều nhằm mục tiêu hậu thuẫn cho Philippines trong việc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông bởi lẽ Manila trở thành đối tượng mà Bắc Kinh chĩa mũi nhọn gây hấn trong suốt năm 2023 và những tháng đầu tiên của năm 2024. Xét từ bất cứ góc độ nào thì việc Mỹ cùng các đồng minh tiến hành tuần tra, tập trận ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đôi với việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, thể hiện trên một số điểm sau: (i) những động thái này là yếu tố quan trọng kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đã quân sự hóa Biển Đông và đang dùng sức mạnh của mình để đe dọa, gây sức ép, bắt nạt các nước ven Biển Đông; (ii) qua những động thái này, Washington khẳng định cam kết đối với an ninh khu vực cũng như cam kết đồng hành cùng các nước nhỏ ven Biển Đông trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước này theo quy định của luật pháp quốc tế; (iii) những hoạt động này là yếu tố quan trọng hỗ trợ ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông trong cuộc đàm phán khó khăn với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông; (iv) việc Mỹ cùng Nhật Bản, Úc, Philippines tuần tra, tập trận ở Biển Đông còn có ý nghĩa khích lệ các quốc gia khác ngoài khu vực can sự sâu hơn vào Biển Đông. Điều này đã được thể hiện rõ khi Pháp, Canada, Đức… gần đây có những động thái thể hiện sự tham gia mạnh mẽ hơn vào các vấn đề liên quan ở Biển Đông; (v) mặc dù tức giận và luôn chỉ trích các hoạt động này, song rõ ràng Bắc Kinh phải hiểu rằng Biển Đông không phải là “ao nhà” của họ nên sẽ phải tính toán, cân nhắc về các hành động của mình ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới