Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPetroTimes không thể như Thời báo Hoàn cầu!

PetroTimes không thể như Thời báo Hoàn cầu!

Có lẽ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã nhầm lẫn khi ví von PetroTimes với Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc.

Bài báo “Hoàn cầu Thời báo của Việt Nam khẩu chiến với báo Trung Quốc” đăng tải trên VOA bản Việt ngữ mới đây đã viết: “Một tờ báo ở trong nước, được mệnh danh là “Hoàn cầu Thời báo” của Việt Nam, mới viết bài cho rằng báo chí Trung Quốc “có cái nhìn rất lệch lạc” về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama”, đồng thời đề cập đến 2 bài viết đăng trên PetroTimes có tựa đề “Dư luận quốc tế về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama: Người hân hoan, kẻ xuyên tạc” và “Tân Hoa Xã không phải “dạy khôn” Việt Nam và Mỹ”.

Người viết không hiểu VOA dựa vào đâu để gắn cái danh “Hoàn cầu Thời báo của Việt Nam” cho PetroTimes khi mà bản chất và định hướng của PetroTimes và Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc khác nhau một trời một vực.

Thứ nhất, Thời báo Hoàn cầu là một ấn bản phụ san của Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có thể coi Thời báo Hoàn cầu là một kênh thông tin tuyên truyền khác, phản ánh những tiếng nói, quan điểm tuy không phải chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cũng phần nào phản ánh tư duy của Trung Nam Hải. Trong khi đó, PetroTimes là một tờ báo điện tử của hội ngành nghề.

Thứ hai, Thời báo Hoàn cầu từ xưa đến nay luôn nổi tiếng vì thường xuyên đăng tải những bài viết cổ súy cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tư tưởng Đại Hán, cổ vũ cho mộng bá quyền của Trung Quốc không chỉ trên Biển Đông mà còn cả trên toàn thế giới.

Đặc biệt, trong các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các láng giềng, hay vấn đề Đài Loan, tờ báo này – bằng nhiều hình thức khác nhau, hoặc đăng bài phản ánh quan điểm, hoặc trích dẫn quan điểm, hoặc tổ chức thăm dò ý kiến… thường xuyên kích động giải quyết vấn đề bằng vũ lực, bằng chiến tranh.

petrotimes khong the nhu thoi bao hoan cau

Một trong những hình minh họa trên Thời báo Hoàn cầu thể hiện tâm lý của Trung Quốc trước việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

Chính vì việc làm này quá thường xuyên nên không thể liệt kê cho hết những vụ Thời báo Hoàn cầu “ra oai”, “dọa dẫm” nước ngoài hay vẽ ra kịch bản chiến tranh.

PetroTimes chỉ xin điểm ra một số vụ tiêu biểu:

– Ngày 6/5/2014, sau khi Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Thời báo Hoàn cầu đã đăng bài xã luận với nội dung: Trung Quốc cần phải “dạy cho Việt Nam bài học xứng đáng” nếu Hà Nội làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, sau 9 giờ sáng cùng ngày, bài báo đã được gỡ xuống khỏi ấn bản online của Thời báo Hoàn cầu.

– Ngày 25/5/2015, Thời báo Hoàn cầu đăng bài dọa rằng chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là “không thể tránh khỏi” nếu Mỹ cứ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc ngưng xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Cụ thể, tờ báo này viết: “Nếu quan điểm cốt lõi của Mỹ là Trung Quốc phải ngưng các hoạt động này, một cuộc chiến tranh Mỹ – Trung là không thể tránh khỏi tại Biển Đông”. Thậm chí, Thời báo Hoàn cầu còn dọa: “Sự dữ dội của cuộc xung đột này sẽ mạnh hơn so với cuộc “va chạm” mà mọi người vẫn nghĩ tới”.

– Ngày 16/12/2015, Thời báo Hoàn cầu đăng tải những cảnh báo nặng lời đối với máy bay của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) tiến hành hoạt động giám sát “tự do hàng hải” tại Biển Đông. Tờ báo này nhấn mạnh: “Sẽ thật là bẽ bàng nếu một chiếc máy bay rơi khỏi bầu trời và điều đó lại xảy ra với Australia”. Trang tin ABC của Australia gọi đây là lời cảnh báo Bắc Kinh sẽ bắn hạ máy bay của Canberra nếu vẫn tiếp tục sứ mệnh nêu trên.

– Phản ứng sau vụ Mỹ điều tàu Hải quân tuần tra gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đã bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm và kiểm soát hoàn toàn từ năm 1974) hôm 18/2/2016, Thời báo Hoàn cầu cũng đăng bài kêu gọi Trung Quốc cần tăng cường năng lực “tự vệ ” của mình ở Biển Đông để đối phó với các “hành động khiêu khích càng lúc càng thường xuyên hơn từ phía quân đội Mỹ ”.

Tờ báo ngang ngược “tự đắc” rằng, việc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa sẽ khiến “phi cơ chiến đấu của Mỹ hay của nước nào khác cảm thấy bất an khi thực hiện các chuyến bay khiêu khích trong khu vực ”.

– Ngày 1/3/2016, Thời báo Hoàn cầu đăng bài cảnh báo Ấn Độ không thể đánh mất sự ủng hộ của Trung Quốc bằng cách liên kết với Mỹ và tham gia tuần tra với Mỹ ở Biển Đông, bởi vì New Delhi cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh để phát triển kinh tế cũng như sự thành công của khối BRICS.

– Hồi tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh Trung Quốc đang rất khó chịu trước việc quân đội Nhật Bản đang hoàn thiện lực lượng chuyên trách để đồn trú phòng thủ trên đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền, cũng như việc Tokyo bắt đầu có động thái tích cực hơn ở Biển Đông, “Mạng quân sự Hoàn cầu” – một tài khoản trên mạng xã hội của tờ Thời báo Hoàn cầu bỗng nhiên khơi lại một dự đoán từng gây xôn xao dư luận năm 2015 của ông Trương Triệu Trung – một Thiếu tướng đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc.

Theo đó, quân đội Trung Quốc có thể “đánh bại Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong 4 giờ đồng hồ” và trước khi các máy bay quân sự của Mỹ nhận được lệnh cho phép hành động thì “chiến tranh Trung – Nhật” đã kết thúc.

Không những khơi lại dự đoán đầy ngạo mạn và hiếu chiến của tướng Triệu mà Thời báo Hoàn cầu còn “đe” rằng: Nếu Tokyo không “ngả” về các nước châu Á, cụ thể là Trung Quốc hoặc Nga, thì hậu quả sẽ nghiêm trọng.

– Cũng trong tháng 4 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu đã tổ chức một số cuộc thăm dò dư luận trên mạng internet về những vấn đề nhạy cảm, như phương án “thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”, mong muốn Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ hay việc thả tù nhân Thiên An Môn. Cũng phải nói thêm là việc làm này của Thời báo Hoàn cầu đã bị Cục Quản lý thông tin Internet của Trung Quốc nhắc nhở bằng văn bản.

Có thể thấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc không chỉ thể hiện quan điểm hiếu chiến, tỏ ra không “ngán” bất kỳ đối thủ nào, từ các cường quốc như Mỹ, Nhật hay đến nước láng giềng nhỏ bé như Việt Nam, mà còn luôn tỏ ra khó chịu với bất kỳ sự hợp tác nào giữa các nước trong khu vực với Mỹ và đặc biệt, luôn có tâm lý cho mình là kẻ bị hại, bị nhắm đến trong các sự hợp tác này và phản bác bằng những lời lẽ không hằn học thì ra giọng khuyên bảo, “dạy khôn”.

Trong khi đó, PetroTimes chỉ cất lên tiếng nói trung thực và dám phản biện với thông tin không chính xác, hay những luận điệu sai trái không những của Thời báo Hoàn cầu mà còn với bất kỳ phương tiện truyền thông nào, kể cả trong và ngoài nước.

Tôn chỉ của PetroTimes là Chính xác, Kiến thức và Nhân văn. PetroTimes chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nói những tiếng nói chia rẽ, kích động, không có lợi cho mối quan hệ bình đẳng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, không có lợi cho một thế giới hòa bình và nhân văn.

RELATED ARTICLES

Tin mới