Thái Lan đang thúc đẩy sáng kiến thiết lập một khu vực thị thực chung ở Đông Nam Á, tương tự cơ chế thị thực Schengen của châu Âu, nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đang thúc đẩy sáng kiến phát triển loại thị thực chung với các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Qua đó, hướng đến một loại thị thực chung ở khu vực giống như thị thực Schengen của Liên minh châu Âu (EU). Cơ sở này sẽ đảm bảo khả năng di chuyển liền mạch cho khách du lịch giữa 6 quốc gia láng giềng, tạo đòn bẩy phát triển du lịch trong khu vực.
Nếu sáng kiến thành công, khách du lịch chỉ cần xin visa một trong 6 nước Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Malayisa là có thể thoải mái di chuyển, tham quan các nước còn lại.
Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam ghi nhận tổng cộng 70 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn một nửa số khách du lịch, thu về khoảng 48 tỷ USD.
Ngành du lịch là một lĩnh vực quan trọng, chiếm khoảng 20% tổng số việc làm và đóng góp khoảng 12% vào nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của Thái Lan. Trong bối cảnh xuất khẩu chậm chạp và nhu cầu toàn cầu suy yếu, lĩnh vực này được coi là tiềm năng để tăng cường doanh thu và hỗ trợ nền kinh tế. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan đã tăng 20% vào năm 2023 so với năm trước, lên hơn 27 triệu. Chính quyền Thủ tướng Thái Lan Srettha cũng đặt mục tiêu thu hút 80 triệu khách du lịch vào năm 2027.
Nhận định về triển vọng ngành du lịch Thái Lan và ý tưởng thị thực chung, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi – Cựu Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan – cho biết: “Một loại thị thực chung có thể thu hút những du khách đi đường dài đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Thời hạn hiệu lực của thị thực sẽ cần được kéo dài lên 90 ngày để trở nên hấp dẫn”.
Thị thực Schengen đã cho phép 27 quốc gia châu Âu không có biên giới kiểm soát giữa các nước đi lại tự do quanh khu vực không biên giới trong phạm vi châu Âu.
Khu vực Schengen bao gồm 27 quốc gia châu Âu không có biên giới kiểm soát giữa các quốc gia đó: Đức, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Croatia, Đan Mạch, Slovenia, Slovakia, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.
T.P