Saturday, December 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiEU ép ngân hàng nước ngoài lớn nhất Nga phải ra đi

EU ép ngân hàng nước ngoài lớn nhất Nga phải ra đi

Liên minh châu Âu (EU) đang ép Raiffeisen – ngân hàng nước ngoài lớn nhất Nga – rời khỏi nước này.

Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) ở Nga.

Raiffeisen cho biết, đang bị Ngân hàng Trung ương châu Âu yêu cầu giảm thêm hoạt động tại Nga – RT đưa tin.

Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) là ngân hàng thuộc sở hữu nước ngoài lớn nhất đang hoạt động ở Nga. Raiffeisen cho hay, đang bị cơ quan quản lý EU gây áp lực buộc phải giảm nhanh hơn sự hiện diện tại Nga. Raiffeisen Bank dự kiến sẽ nhận được yêu cầu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về vấn đề này “trong thời gian tới”.

RBI là một trong số ít ngân hàng nước ngoài ở lại Nga bất chấp các lệnh trừng phạt mà EU, Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Mátxcơva kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.2022.

Ngân hàng RBI có trụ sở tại Áo này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, cho phép thanh toán bằng đồng euro và USD đến và đi từ nước này.

RBI cho biết, trong hai năm qua đã giảm dần hoạt động tại Nga. Theo tờ Financial Times, RBI đã giảm 56% dư nợ cho vay doanh nghiệp trong nước trong hai năm qua ở Nga.

Dự thảo yêu cầu mới của ECB yêu cầu RBI giảm thêm 65% các khoản cho vay đối với khách hàng vào năm 2026 so với quý III năm 2023 và giảm “đáng kể” các khoản thanh toán quốc tế có nguồn gốc từ Nga.

RBI mô tả các đề xuất mới là “vượt xa các kế hoạch của chính RBI” và nói thêm rằng, chúng có thể “tác động tiêu cực” đến nỗ lực bán lại hoạt động kinh doanh của ngân hàng ở Nga.

Vào tháng 3.2023, ngân hàng Áo tiết lộ đang đàm phán với hai khách hàng tiềm năng về việc bán chi nhánh ngân hàng Nga của mình. Theo Financial Times, cho đến nay, có rất ít dấu hiệu tiến triển ở cả hai bên.

Vào tháng 12 năm ngoái, RBI thông báo đồng ý mua cổ phần của công ty xây dựng Strabag SE từ doanh nhân Nga Oleg Deripaska đang bị trừng phạt. Theo Bloomberg, giao dịch này nhằm mục đích giảm mức độ tiếp xúc của hai công ty Áo với thị trường Nga.

Tờ Financial Times đưa tin vào tháng trước, ECB kêu gọi các ngân hàng đẩy nhanh việc rút khỏi Nga do rủi ro gia tăng khi kinh doanh tại quốc gia bị trừng phạt. Tờ báo này dẫn lời giám sát viên ngân hàng hàng đầu của EU Claudia Buch cho biết, nhóm của bà đang tiếp tục gây áp lực buộc các ngân hàng châu Âu phải thu hẹp quy mô hoạt động ở Nga và rời khỏi nước này.

Vào tháng 3, Washington cảnh báo gã khổng lồ ngân hàng của Áo rằng, họ có nguy cơ “bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ” nếu bị phát hiện đã giúp tài trợ cho quân đội Nga – Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho hay.

Một số ngân hàng EU khác, cụ thể là UniCredit của Italy, ING của Hà Lan, Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, Ngân hàng OTP của Hungary, Intesa SanPaolo của Italy và SEB của Thụy Điển vẫn duy trì sự hiện diện trên thị trường Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới