Một lãnh đạo thuộc Bộ Công an cho biết, đề xuất in toàn tiền 20.000 đồng để chống tham nhũng là thiếu chín chắn, và chỉ để “nói đùa cho vui”.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng hôm 24/5 vừa đưa ra một sáng kiến hết sức lạ lẫm về giải pháp chống tham nhũng.
Ông Hiển cho rằng, nên in loại tiền mệnh giá nhỏ để “tiện” chống tham nhũng: “Đề nghị nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn. Nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì rất dày”.
Trong khi nhiều giải pháp chống tham nhũng được áp dụng trên thực tế, chưa phát huy hiệu quả đúng theo kỳ vọng, thì đề xuất này có thể coi là một sáng kiến rất mới, rất lạ và gây bất ngờ cho nhiều người.
Trên phương diện cơ học, chắc không ít nghĩ đến chuyện, kẻ đưa, nhận hối lộ sẽ nhụt chí nếu cùng một lúc vác cả bao tải tiền tỷ, toàn tiền mệnh giá 20.000 đồng để đi biếu xén, hoặc thanh toán, giao dịch.
Nhưng hình như người đưa ra sáng kiến này quên mất rằng, đối tượng tham nhũng thường thực hiện hành vi vi phạm rất tinh vi, kín đáo.
Vả lại, bây giờ, người ta “biếu” nhau toàn bằng vàng, đô la, nhà cửa, tài khoản, xe cộ, chứ đâu phải chỉ mỗi chuyện đưa, nhận phong bì.
Mà việc đưa, nhận hối lộ đâu phải cứ phơi bày ra cho thiên hạ thấy đâu.
Tôi chắc chắn rằng, trong thời buổi công nghệ thông tin, chắc các vị thừa biết chỉ cần một cú nhấp chuột, người ta có thể chuyển khoản, mua được cả ngôi nhà tiền tỷ, xe hơi hạng xịn…
Hay với một tờ giấy hoặc ít hợp đồng dự án siêu lợi nhuận là đủ người để người ta chia nhau, chứ cần gì phải dùng tiền mặt để đi hối lộ như cách ông Hiển nói.
Mà nếu ai lỡ dại dột làm chuyện như vậy (đưa, nhận hối hộ băng tiền mặt toàn tiền mệnh giá 20.000 đồng) thì cũng nên tự trách mình vì đã trót “lạy ông tôi ở bụi này”.
Ngay cả những chuyện “mắt thấy, tai nghe”, có tham nhũng thật đấy, cũng chưa chắc người ta đã làm dược gì.
Thế nên mới có chuyện “Người ta làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân”, như cách nói của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Thế nên cái sáng kiến lạ lẫm của ông khó mà thành hiện thực.
“Chắc người ta nói đùa”
Hôm 1/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất in toàn tiền 20.000 đồng để chống tham nhũng, một lãnh đạo thuộc Bộ Công an (đề nghị không nêu tên) nhận định, đây là đề xuất không có cơ sở.
“Đề xuất này mang tính cá nhân, thiếu sự chín chắn.
Tôi nghĩ mục đích của họ là trao đổi qua lại, nói đùa cho vui thôi chứ chắc chả ai áp dụng biện pháp đó đâu.
Bởi lẽ, để đưa ra giải pháp chống tham nhũng phải căn cứ vào việc đánh giá thực tế tình hình tham nhũng, xây dựng đề án… chứ đâu phải nói miệng với nhau được đâu”, một lãnh đạo thuộc Bộ Công an cho biết.
Theo vị lãnh đạo này, để chống tham nhũng có hiệu quả, cần hạn chế việc sử dụng tiền mặt và kiểm soát thu nhập cán bộ.
“Ý kiến trên cũng đề cập tới thực tế, trong xã hội Việt Nam, tiền mặt được sử dụng phần lớn trong các giao dịch hằng ngày.
Do đó, nếu không kiểm soát tốt lượng tiền mặt (hạn chế dùng tiền mặt) đang lưu thông, thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng thì rất khó để chống tham nhũng.
Việc kiểm soát tài khoản đồng nghĩa với việc giám sát thu nhập của cán bộ.
Các khoản thu nhập bị phát hiện có dấu hiệu không rõ ràng phải được yêu cầu giải trình một cách công khai, minh bạch. Nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì thu hồi…”, vị lãnh đạo này cho biết.