Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChâu Á 'bốc hỏa' tới khi nào?

Châu Á ‘bốc hỏa’ tới khi nào?

Khắp châu Á đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng, nhiều nơi có nhiệt độ phá kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng trăm triệu người.

Nắng nóng những ngày qua ở Philippines ảnh hưởng lớn tới cuộc sống

Những nơi nào đang bị nắng nóng càn quét?
Nắng nóng cực đoan hiện bao phủ phần lớn khu vực Đông Nam Á và Nam Á, trong đó khu vực Chauk của Myanmar, thủ đô Manila của Philippines đều đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày gần đây, theo AFP.

Tại Thái Lan, chính quyền đã phát cảnh báo tình trạng nắng nóng nghiêm trọng, trong khi các nước như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh đều dự báo mức nhiệt vượt ngưỡng 40 độ C.

Philippines và Bangladesh là hai quốc gia ban hành quyết định dừng các lớp học trực tiếp. Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn nhất thế giới đang diễn ra cuộc tổng tuyển cử cũng phải đau đầu lo ngại liệu nắng nóng có ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu hay không.

Tiến lên phía bắc, Nhật Bản cũng đang chịu ảnh hưởng của nắng nóng khi nhiệt độ ở Sapporo, thành phố miền bắc nước này, cũng đã ghi nhận mức nhiệt 25 độ C – tại thời điểm sớm nhất trong năm vốn trước đây chưa từng xảy ra.

Nguyên nhân là gì?
Theo AFP, những tháng trước mùa mưa hoặc gió mùa thường sẽ nóng nhưng nhiệt độ năm nay cao hơn mức trung bình ở nhiều quốc gia. Các chuyên gia đồng ý rằng biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt sóng nhiệt thường xuyên hơn, cực đoan hơn và kéo dài hơn.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, châu Á cũng đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Thêm vào đó, hiện tượng El Nino cũng đóng vai trò quan trọng trong diễn biến thời tiết năm nay.

Nhà khí tượng học Milton Speer hiện đang tham gia nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Sydney (Úc) phân tích: “Việc thiếu mây khi El Nino xảy ra có nghĩa là nhiệt độ trung bình có thể sẽ cao hơn. Nhiệt độ bề mặt nước biển trong khu vực này hiện cao hơn vài độ C so với thông thường, khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình đất liền qua đêm. Vì thế, nhiệt độ vào ban ngày cũng tăng từ mức cao hơn”.

Ngoài ra, còn có các nhân tố khác góp phần đẩy nhiệt độ lên cao mà hệ quả dễ thấy là các đợt nắng nóng này như nạn phá rừng làm giảm bóng râm và tăng diện tích bề mặt khô, và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nơi các kết cấu bê tông, kính và thép hấp thụ thay vì phản xạ nhiệt.

Ai chịu ảnh hưởng lớn?
Theo AFP, nắng nóng cực đoan tác động một cách không đồng đều. Trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những người có bệnh nền có thể chịu hệ quả nhanh hơn những người khác.

Bên cạnh đó, những người sống trong cảnh nghèo khó thường xuyên thiếu biện pháp làm mát tại nhà hoặc buộc phải làm việc trong điều kiện ít được bảo vệ trước nắng nóng cũng sẽ gặp nhiều bất lợi.

Hồi tháng 4, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo khoảng 234 triệu trẻ em khắp Thái Bình Dương và Đông Á có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Chuyên gia y tế khu vực của UNICEF là bà Salwa Aleryani cho rằng trẻ em tiếp xúc với nắng nóng có thể dẫn tới sốc nhiệt. “Các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra, chẳng hạn như bệnh tim mạch, suy nội tạng, rối loạn chức năng cơ và thần kinh”, bà cảnh báo.

Một ví dụ mới đây, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari chóng mặt và ngất xỉu giữa chừng trong bài phát biểu tại huyện Yavatmal thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ hôm 24.4. Theo The Hindu, ông Gadkari sau đó hồi phục và tiếp tục bài phát biểu. Ông chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter trước đây) rằng: “Tôi cảm thấy khó chịu vì thời tiết oi bức tại cuộc vận động ở bang Maharashtra”. Ông Gadkari vốn có tiền sử mắc bệnh tiểu đường nặng và thường bị chóng mặt.

Cũng tại Ấn Độ, ít nhất hai người tử vong ở bang Kerala hôm 28.4, nghi do sốc nhiệt khi nhiệt độ ở bang này tăng vọt lên 41,9 độ C, cao hơn gần 5,5 độ C so với bình thường.

Trước đó ở Thái Lan, Bộ Y tế nước này hôm 24.4 cho biết 30 người đã tử vong vì say nắng trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 đến ngày 17.4, cao hơn nhiều so với con số 37 người trong cả năm 2023.

Các nước đối phó ra sao?
Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan kêu gọi người già và những người mắc bệnh có nguy cơ như béo phì, nên ở trong nhà và uống nước thường xuyên.

Các bệnh viện ở Nepal đều đặt trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó với các ca bệnh mùa nắng nóng, trong khi giới chức Campuchia yêu cầu các trường công lập mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ để thông gió.

Bangladesh và Philippines thậm chí quyết định dừng các lớp học trực tiếp, chuyển qua học trực tuyến vì nắng nóng. Chủ tịch Liên minh Nhân phẩm Giáo viên Philippines Benjo Basas cho hay: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo về tình trạng huyết áp cao, chóng mặt và ngất xỉu ở học sinh và giáo viên trong những ngày qua”.

Tình trạng này sẽ kéo dài ?
Nắng nóng ở Bangladesh chưa thể giảm ngay, trong khi Thái Lan dự báo mùa mưa thường niên năm nay có thể tận cuối tháng 5 mới đến, tức muộn hơn vài tuần so với thông thường.

Nhà khí tượng học Milton Speer nhận định xu hướng nóng lên sẽ tiếp diễn ngay cả khi gió mùa trong khu vực kéo đến giúp giảm nhiệt hơn một chút.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới