Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngTrung Quốc làm kênh Kra: Tham vọng kiểm soát biển Đông?

Trung Quốc làm kênh Kra: Tham vọng kiểm soát biển Đông?

Chúng ta cần phải quan tâm và lo lắng nhiều hơn, tính toán nhiều hơn việc Bắc Kinh mở kênh đào Kra ở Thái Lan.

Vị trí dự kiến thực hiện dự án kênh đào Kra (khoanh tròn). Ảnh: Business Insider

Tham vọng lớn của Trung Quốc…

Thời gian gần đây Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến Một vành đai – Một con đường. Một trong những mắt xích chủ chốt của sáng kiến này là xây dựng kênh đào Kra cắt ngang qua Thái Lan để kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương.
 
Dự kiến sau khi kênh Kra hoàn thành và đi vào hoạt động đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất châu Á. Việc trao đổi thương mại giữa Khu mậu dịch ASEAN và các nước trên thế giới sẽ được rút ngắn hơn 1.000km so với tuyến đường đi qua eo Malacca.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, TS Ngô Hữu Phước – Khoa Luật Quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng việc đầu tư xây dựng kênh đào Kra mang một ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế và an ninh, an toàn hàng hải thế giới.

Theo vị chuyên gia, nếu nhìn vào bản đồ của thế giới và khu vực, hiện nay con đường ngắn nhất để đi từ vùng biển Ấn Độ, Myanmar đến Trung Quốc là thông qua eo biển Malacca. Đây là khu vực chung của Indonesia, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên từ lâu nơi đây đã bị đánh giá là nguy hiểm vì tập trung rất nhiều hải tặc.

Hơn nữa, từ khu vực đó nếu vòng lên Trung Quốc thì tạo thành một con đường gần như vòng cung, lên tận bán đảo Lô Châu rồi sang hướng Đài Loan – Trung Quốc rất xa.

“Nếu như có một kênh đào cắt ngang đoạn eo nhỏ nhất đoạn giữa Thái Lan và Malaysia dẫn đến đi từ biển Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương bằng con đường tắt thì sẽ rất gần và an toàn, an ninh về mặt hàng hải.  Khi đó các thuyền, tàu bè sẽ tiết kiệm được nguyên, nhiên liệu nếu so với con đường truyền thống”, TS Phước khẳng định.

Theo vị chuyên gia, vì đây là kênh đào đi qua lãnh thổ Thái Lan nên dù là Trung Quốc, Mỹ hay bất kỳ nước nào đó đầu tư xây dựng thì theo luật pháp quốc tế, quốc gia chủ nhà Thái Lan vẫn là nước có tiếng nói quyết  định, tương tự như kênh đào Xuy – ê và kênh đào Panama đã từng được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19.

“Dĩ nhiên là đi qua kênh đào thì quốc gia chủ nhà bỏ tiền ra đào, xây dựng để lưu thông hàng hải thì sẽ được các lợi ích về mặt kinh tế, nghiệm thu các khoản chi phí. Tuy nhiên về mặt chủ quyền thì kênh đào Kra đi ngang qua, đi cắt qua Thái Lan thì họ sẽ có quyền quyết định chế độ pháp lý của nó”, TS Phước phân tích.

Dù cho rằng dự án kênh đào Kra mang lại nhiều lợi ích kinh tế, tuy nhiên giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng để có thể xây dựng được thì phía Thái Lan và các nước liên quan cần phải có sự đánh giá, phân tích một cách tổng thể.

“Cần quan tâm xem Thái Lan có chấp nhận dự án hay không? Cần xem xét toàn diện các yếu tố như: việc đầu tư xây dựng kênh đào này có phá hủy nguyên trạng về môi trường biển hay không, phá lợi ích kinh tế chung của các nước hay không, có ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, đánh bắt cá, tài nguyên hay không, có bảo vệ được môi trường biển hay không.

Tất cả những câu hỏi đó nếu trả lời là ổn thì có thể tiến hành bình thường. Nhưng ngược lại nếu dự án này chỉ lợi ích về mặt hàng hải mà phá hủy về mặt môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh cá, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sinh vật  của các quốc gia trong khu vực thì họ phải lên tiếng.

Đặc biệt cần phải tuân thủ nguyên tắc quốc tế, đó là việc khai thác lãnh thổ, sử dụng lãnh thổ quốc gia này phải không được làm thiệt hại đến lãnh thổ của quốc gia thứ ba. Và trong trường hợp này, nếu Thái Lan có dự án kênh đào trải qua lãnh thổ một đoạn giáp với Malaysia thì phải có tham vấn với Malaysia”, TS Phước chỉ rõ.

Việt Nam có lợi, nhưng….

Nhìn nhận theo hướng tích cực, giảng viên Đại học Luật TP.HCM cho rằng việc Trung Quốc kết nối thành công kênh đào Kra trên địa phận Thái Lan sẽ mở ra các cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, đẩy mạnh thông thương với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Chắc chắn Việt Nam sẽ có những lợi ích về mặt hàng hải rõ ràng.Ví dụ như tàu thuyền của chúng ta thay vì đi vòng qua Singapore đi sang hướng Malacca thì đi xuyên qua vịnh Thái Lan và đi qua Myanmar, Ấn Độ Dương rất thuận lợi. Và từ đó có thể đi sang các nước châu Phi thuận lợi, rút ngắn được một hành trình hàng hải, nó tốt cho hành trình hàng hải”, TS Phước đánh giá.

Trước những kỳ vọng về việc Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội từ kênh đào Kra để xây dựng thành vùng trung chuyển quốc tế, vị chuyên gia cho rằng phải xem xét lại các điều kiện trong nước cũng như các quy định hỗ trợ của pháp luật.

Theo TS Phước, vấn đề hoạt động logistics của Việt Nam tốt hay không, hiệu quả hay không hiệu quả phải tính đến năng lực, khả năng về hậu cần của nó như thế nào, hệ thống cảng biển của Việt Nam ra sao rồi các quy định của pháp luật về hàng hải nói riêng và pháp luật của Việt Nam nói chung, liên quan đến việc sử dụng các cảng biển Việt Nam thế nào.

“Chúng ta phải chú ý hệ thống cảng biển của Việt Nam, đặc biệt là khu vực cảng biển phía Nam Trung Bộ, Nam Bộ trong đó cảng trọng tâm là cảng TP.HCM. Nó phải được đầu tư đồng bộ thì mới thu hút được tàu thuyền nước ngoài ra vào, đi lại. Trong thương mại vận tải biển, nếu Việt Nam phát triển tốt thì sẽ thu hút được tàu nước ngoài đến trao đổi, mua bán, vận chuyển hàng hóa… để phát triển kinh tế. Tôi cho rằng điều này rất tốt, hướng rất tích cực”, TS Phước khẳng định.

Toan tính lâu dài của Trung Quốc

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, phân tích thực tế, giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng Việt Nam và các nước cần phải đặc biệt thận trọng với các dự án đầu tư xây dựng kênh đào của Trung Quốc. Bởi lẽ từ xưa đến nay, khi Bắc Kinh đầu tư vào một dự án thì họ không đơn thuần chỉ nhìn ở góc độ kinh tế.

Cùng với kênh đào Kra, vị chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại khi Trung Quốc thời gian qua đang đẩy mạnh đầu tư vào cảng Sihanoukville của Campuchia.

“Đầu tiên tôi cho rằng họ đặt nặng mục đích kinh tế trước mắt. Nhưng rõ ràng âm mưu đằng sau, mưu mô lớn hơn đó là gây ảnh hưởng đến các nước trong khu vực, tạo ra bàn đạp ra các vùng xung quanh.

Về sâu xa, TS Phước đánh giá,Trung Quốc đang muốn kết nối các cảng biển, kênh đào với nhau để phục vụ cho toan tính kiểm soát, chiếm trọn biển Đông đồng thời cũng ẩn chứa những dã tâm thành lập căn cứ quân sự, căn cứ hậu cần.

“Việc từ khu vực Nam biển Đông đó ra các đảo nhân tạo của Campuchia, đảo Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam không ai có thể tưởng tượng được họ sẽ có những kết nối căn cứ. Đôi khi Trung Quốc biến các cảng biển đó thành căn cứ nơi tập hợp tàu thuyền, kể cả tàu thương mại, tàu quân sự, tàu phi thương mại… Ngoài ra biết cũng cần phải tính đến khả năng Trung Quốc muốn biến những nơi đó thành căn cứ hậu cần để phục vụ các hoạt động trên biển Đông”, TS Phước nhấn mạnh.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn xung quanh kế hoạch xây dựng mới của Trung Quốc, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý đến thái độ ứng xử của Việt Nam. Nếu chúng ta không thận trọng, tính toán cẩn thận sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

“Việt Nam cần thận trọng, đặc biệt là trong các dự án ở các cảng biển ở phía Campuchia. Chúng ta cần phải quan tâm và lo lắng nhiều hơn, tính toán nhiều hơn việc Bắc Kinh mở kênh đào Kra ở Thái Lan.

RELATED ARTICLES

Tin mới