Ngay trước khi Đối thoại Shangri-La mở màn, thông tin Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC 2016 được báo chí nước này gọi là “tín hiệu thỏa hiệp” giữa Mỹ-Trung.
Tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) tham gia RIMPAC 2014. (Ảnh: US Navy)
Trung Quốc tung tin tập trận RIMPAC, đe dọa ASEAN
Người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương ngày 2/6 cho biết, Hải quân nước này sẽ điều chiến hạm tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia hoạt động cho Mỹ đứng đầu này.
Theo thỏa thuận Mỹ-Trung đạt được, đại diện quân đội Trung Quốc sẽ tham gia các hạng mục diễn tập như bắn pháo, tiếp tế trên biển, chống hải tặc, máy bay-tàu chiến phối hợp tấn công, tìm kiếm cứu nạn,…
Chuyên gia Trương Quân Xã thuộc Sở nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân (Trung Quốc) bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng quy mô và số lượng hạng mục Trung, Mỹ tham gia trong RIMPAC 2016 chứng minh “hải quân hai nước đang làm sâu sắc hơn xu thế hợp tác giao lưu”.
“Những hạng mục như phối hợp tàu chiến-máy bay đòi hỏi quân đội hai bên hợp tác ở mức độ cao. Các hoạt động như vậy có lợi cho nỗ lực gia tăng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ-Trung,” ông Trương nói.
Theo ông này, việc Hải quân Mỹ, Trung gần như đồng thời tuyên bố thông tin đại diện Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 cho thấy quân đội hai nước “đều mong muốn củng cố giao lưu và kiểm soát mâu thuẫn”.
“Điều này có ý nghĩa tích cực đối với sự ổn định và phù hợp với nguyện vọng của hầu hết quốc gia trong khu vực. Các nước đều không hy vọng Mỹ và Trung Quốc đối đầu dẫn đến xung đột ở biển Đông, đồng thời không muốn phải ‘chọn phe’ giữa hai cường quốc.”
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu nhận xét giả thiết Mỹ-Trung “thỏa hiệp” không phải điều gì khó tưởng tượng. Tờ này đe dọa, nếu điều đó trở thành hiện thực, “một số nước sẽ phải hối hận”.
Đối thoại Shangri-La sẽ khai mạc tối nay, 3/6 tại Singapore (Ảnh: Huanqiu)
Hoàn Cầu: Đối thoại Shangri-La không phải “Hồng môn yến”
Thông tin Trung Quốc tham gia RIMPAC được thông báo chỉ 1 ngày trước khi diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 khai mạc tại Singapore vào hôm nay, 3/6.
Cũng trong cuộc “tâm lý chiến” trước thềm hội nghị quan trọng này, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Trung Quốc “đã sẵn sàng” tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Bộ quốc phòng Trung Quốc thì ngang ngược gọi đây là “quyền lợi của Trung Quốc”.
Tại Đối thoại Shangri-La 2016, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là Thượng tướng Hải quân, Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp quân ủy trung ương Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Ông Tôn cũng tham dự Đối thoại Shangri-La năm ngoái.
Năm nay, màn “tái đấu” giữa Tôn Kiến Quốc và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carterđược dư luận quốc tế hết sức quan tâm, trong bối cảnh Đối thoại Shangri-La được xem là sự kiện đa phương lớn cuối cùng trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện biển Đông.
Hãng tin Reuters bình luận diễn đàn này “là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc vận động hành lang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của xã hội quốc tế”.
Một quan chức giấu tên trong đoàn đại biểu Trung Quốc tiết lộ với Hoàn Cầu rằng ông Tôn Kiến Quốc sẽ “kể câu chuyện của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Bắc Kinh đã chuẩn bị các tài liệu, đĩa CD và ảnh màu bằng hai ngôn ngữ Trung, Anh để tuyên truyền về vấn đề biển Đông.
Tờ Stars and Stripes (Mỹ) thì đánh giá “câu chuyện” của Bắc Kinh trong tình hình biển Đông căng thẳng đang cho thấy những nhân tố bất ổn.
Trong bài xã luận đăng tải sáng nay, Hoàn Cầu chỉ trích “Đối thoại Shangri-La chưa mở màn, Mỹ đã ‘say’ rồi”, nhằm ám chỉ tuyên bố gần đây của ông Ashton Carter mà Bắc Kinh gọi là “tư duy Chiến tranh Lạnh”.
“Trung Quốc không sợ Mỹ đe dọa dù là về quân sự hay dư luận. Dù Đối thoại Shangri-La chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ thì cũng không tạo thành ‘Hồng môn yến thế kỷ 21’ (với Bắc Kinh) được,” Hoàn Cầu cảnh báo.
Theo lịch trình của Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter sẽ phát biểu vào ngày mai, 4/6. Bài “đáp lễ” của Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ diễn ra vào ngày mùng 5.