Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLàm gì để ngăn “điên loạn” giá vàng?

Làm gì để ngăn “điên loạn” giá vàng?

“Khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện”, “Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra” để “báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2024, không để chậm trễ hơn nữa”.

Giá vàng SJC hôm 10/5 lên đến 92,5 triệu đồng/lượng.


Đó là những ngôn từ đầy khẩn trương, gấp gáp và sốt ruột trong Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước được báo chí mô tả là “điên loạn”, lên đến 92,5 triệu đồng/lượng ngày 10/5.

Giá vàng trong nước “điên loạn”, bên cạnh những yếu tố bất ổn bên ngoài hiện nay, cũng gắn chặt với một yếu tố bên trong: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước được xác lập trong Nghị định 24 về kinh doanh vàng năm 2012.

Nghị định 24 nêu trên ra đời để xử lý tình huống lúc đó là kinh tế vĩ mô chao đảo, lạm phát tăng cao vì nhiều lý do như chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan và thiếu hiệu quả tích tụ trong cả giai đoạn trước đó.

Trong bối cảnh ấy, người dân đổ xô đi mua vàng để giữ tài sản, các sàn vàng hoạt động tấp nập, tình trạng các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, ngoại tệ chảy ra nước ngoài để nhập khẩu vàng tiếp tục gây sức ép đối với tỷ giá.

Hành lang pháp lý trên đã đặt ra vô số rào cản để thị trường vàng tuân thủ các quy luật cung cầu, cạnh tranh vốn được thiết lập nhiều năm trước đó. Ở góc độ nào đó, chính sách trên đã góp phần giúp ổn định lại kinh tế vĩ mô, vàng đã không còn được dân dùng để thanh toán.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, mục tiêu chính của nghị định này là ổn định kinh tế dường như đã hết dư địa khi các đại biểu Quốc hội luôn chất vấn về tình trạng giá vàng chênh lệch lên đến 15-20 triệu đồng/lượng giữa thị trường trong nước và quốc tế, giữa vàng thương hiệu này và thương hiệu khác. Đây là sự chênh lệch “quá lớn”, “quá khắc nghiệt” và “không thể chấp nhận được”.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 20/3, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, giá vàng SJC liên tục biến động cho thấy hoạt động này nhiều bất ổn, không đảm bảo mục đích ổn định thị trường vàng.

Kể từ năm 2014 đến gần đây, NHNN chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung trên thị trường. Tuy nhiên, từ khi tổ chức đấu thầu thì tình hình chưa được cải thiện.

Trong 5 phiên đấu thầu vàng từ cuối tháng Tư đến nay, chỉ có 2 phiên thành công với lượng trúng thầu gần 7.000 lượng, tương đương 210kg. Theo đánh giá của một chuyên gia, khối lượng này chỉ bằng 0,46% tổng nhu cầu vàng dành cho dân đầu tư năm 2023, khoảng 45 tấn, theo Hội đồng vàng thế giới. Như vậy, nguồn cung độc quyền và quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Trong khi đó, mức giá tối thiểu mà NHNN đưa ra đấu thầu đã cao hơn giá vàng thế giới tại thời điểm đấu thầu gần 20 triệu đồng/lượng. Kết quả là khi phải mua vàng từ chính NHNN với giá rất cao, các doanh nghiệp không có động lực gì hạ giá vàng.

Đổ lỗi giá vàng tăng là nguyên nhân tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô chưa hẳn đã đúng. Một nghiên cứu của các học giả trường Fulbright trên Tạp chí Kinh tế Sài gòn cho rằng: chưa có được bằng chứng cho thấy thị trường vàng gây ra bất ổn vĩ mô, trong khi bất ổn vĩ mô khiến người dân nắm giữ nhiều vàng hơn như một tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao.

Bên cạnh đó, họ còn khẳng định, mặc dù các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng vàng có thể gây ra bất ổn vĩ mô nhưng không có bằng chứng nào chứng minh cho lo ngại này. Ngược lại, vàng được xem là tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao, đặc biệt trong những bối cảnh xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô có thể dẫn tới lạm phát cao hoặc rủi ro chính trị.

Hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng trong mấy hôm nay chính là để bảo vệ tài sản của mình.

Để sửa Nghị định 24 theo hướng nào thì NHNN cũng cần giải quyết nhiều bài toán: giá vàng SJC – hiện chênh lệch tới 20 triệu đồng/lượng – có giảm hay không; người dân đang giữ vàng SJC có mất tiền không; giá vàng trong nước có rút ngắn khoảng cách với giá thế giới; và quan trọng nhất, tỷ giá VND/USD có giữ ổn định được hay không?

Trong nhiều báo cáo chính thức gần đây của Chính phủ và Tổng cục Thống kê đều khẳng định “kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiềm chế”. Đây là lúc để sửa đổi hành lang pháp lý với thị trường vàng và trả lại một số quyền cơ bản để thị trường này vận hành theo quy luật cung cầu và cạnh tranh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới