Tàu sân bay Ronald Reagan sau một giai đoạn bảo dưỡng đã lên đường gia nhập Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản hôm 4/6 và tiến hành đợt tuần tra mùa hè. Động thái trên làm dấy lên khả năng cụm tác chiến tàu sân bay thứ hai sẽ tới hoạt động ở Biển Đông, trước khi mẫu hạm Stennis trở về.
Tàu sân bay Mỹ vẫn hiện diện thường trực ở Biển Đông
Tư lệnh hải quân Mỹ lại vừa ra thăm tàu sân bay John C. Stennis đang hoạt động ở Biển Đông, thể hiện rõ quan điểm cứng rắn của Mỹ ở vùng biển thuộc diện nóng nhất thế giới hiện nay, Navy Times (Mỹ) ngày 6/6 cho biết.
Theo Navy Times, thời gian qua mẫu hạm Stennis chủ yếu hoạt động ở Biển Đông, dành toàn bộ tháng 5/2016 ở khu vực biển này trong động thái được các chuyên gia xem là gửi một thông điệp không quá tế nhị đến Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại vùng biển Trung Quốc ngang ngược yêu sách chủ quyền của họ.
“Mọi người trong khu vực đều lo ngại về ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực này. Như tôi nói với họ, tôi biết mọi việc sẽ ổn vì chúng ta duy trì thường xuyên cụm tác chiến tàu sân bay ở đây, trên Biển Đông”, đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ tuyên bố trong một video được đưa lên trang Facebook chính thức của ông.
Đô đốc Richardson đã tới đó để nhấn mạnh rằng mỗi thủy binh trong cụm tác chiến tàu sân bay Stennis là một sự bảo đảm quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ về cam kết đối với khu vực.
“Khi họ nói về an ninh khu vực, khi họ nói về sự ổn định, khi họ nói về duy trì hòa bình, khi họ nói về tinh thần hiểu biết quan hệ chiến lược của khu vực này của thế giới, thì họ đang nói về các bạn”, ông Richardson phát biểu với các thủy binh Mỹ.
Tư lệnh hải quân Mỹ Richardson trong hai ngày 4 và 5/6 đã có mặt trên tàu sân bay Stennis. Chuyến thăm của ông Richardson diễn ra trước khi diễn ra cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung tại Bắc Kinh.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 phiên bản hải quân thử nghiệm trên tàu sân bay
Cụm tác chiến tàu sân bay Stennis trên Biển Đông
Bremerton, căn cứ tại Washington của mẫu hạm Stennis đã dành gần như toàn bộ cho việc triển khai tại Biển Đông. Cụm tác chiến tàu sân bay này đã tới Biển Đông hồi đầu tháng 3, trừ một cuộc tập ngắn với quân đội Hàn Quốc và vẫn đang tuần tra Biển Đông kể từ đó.
Theo chuyên gia phân tích Bryan Clark thuộc Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách Mỹ, đây là một thông điệp rõ ràng nhằm vào Trung Quốc, nước vốn đòi chủ quyền phi pháp với hầu như toàn bộ vùng biển và các nguồn tài nguyên ở đây như lãnh hải của Bắc Kinh. “Đó hiển nhiên là một cuộc trình diễn lực lượng. Mỹ đang cố gắng đẩy lùi quan niệm rằng nước Mỹ không liên quan tới khu vực này của thế giới”, ông Clark khẳng định.
Cụm tác chiến tàu sân bay Stennis đã rời căn cứ Bremerton hôm 15/1 thực hiện nhiệm vụ kéo dài trong 7 tháng. Trong khi mẫu hạm Ronald Reagan sau một giai đoạn bảo dưỡng đã lên đường gia nhập Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản hôm 4/6, tiến hành đợt tuần tra mùa hè. Động thái trên làm dấy lên khả năng cụm tác chiến tàu sân bay thứ hai sẽ tới hoạt động ở Biển Đông, trước khi mẫu hạm Stennis trở về.