Việc phóng thành công tàu con thoi Starliner của Boeing và tên lửa Starship của SpaceX, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về chương trình không gian của Mỹ, đường đua mà các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng nỗ lực tăng cạnh tranh.
Mỹ “khoe” bước tiến mới
Tàu vũ trụ Starship khổng lồ của SpaceX ngày 6.6 thành công quay trở lại bầu khí quyển trái đất và lao xuống Ấn Độ Dương theo đúng kế hoạch trong nhiệm vụ thử nghiệm sau khi được phóng từ nam Texas (Mỹ), theo AFP.
Đây là chuyến bay thử nghiệm thứ 4 của tàu vũ trụ này và cũng là lần đầu tiên nó “sống sót” sau toàn bộ hành trình từ cất cánh đến hạ cánh. Lần thử nghiệm thành công mới nhất không chỉ chứng minh khả năng tái sử dụng tàu vũ trụ Starship, mà còn giúp SpaceX tiến gần hơn đến mục tiêu đưa các phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2026.
Chuyến bay của Starship diễn ra trong một tuần phóng bận rộn khi tàu vũ trụ Starliner của Boeing hôm 5.6 được phóng thành công trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên chở theo 2 phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau nhiều lần trì hoãn, theo ABC News. Như vậy, Boeing sẽ tiếp nối thành tựu của chương trình vũ trụ của công ty tư nhân SpaceX – vốn chở phi hành đoàn của NASA lên ISS từ năm 2020.
Cả hai tàu vũ trụ Starship của SpaceX và Starliner của Boeing đều được phát triển với nguồn tài trợ khổng lồ từ NASA, khiến cả hai trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau.
Trung Quốc cạnh tranh sát sao
Trung Quốc ban hành các chính sách và hỗ trợ các khoản đầu tư cần thiết để thực hiện tham vọng trở thành siêu cường không gian vào năm 2045.
Cụ thể, trong sách trắng năm 2022, Bắc Kinh vạch ra một loạt chính sách không gian tập trung vào việc bảo vệ an ninh quốc gia, khuyến khích ngành công nghiệp vũ trụ thương mại nội địa, thúc đẩy đổi mới và đạt được những tiến bộ trong các dự án kinh doanh như dịch vụ vệ tinh, du lịch vũ trụ và khai thác tài nguyên. Cũng trong năm 2022, Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung đầu tiên. Năm 2023, tập đoàn LandSpace Technology đã phóng thành công tên lửa chạy bằng nhiên liệu mê tan vào quỹ đạo.
Tháng 4.2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tái tổ chức Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) sâu rộng nhất trong một thập niên, với trọng tâm là tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong không gian, theo tờ Nikkei Asia. Mới đây, sứ mệnh Hằng Nga 6 của Trung Quốc ngày 2.6 tuyên bố hạ cánh và thu thập mẫu thành công trên vùng tối của mặt trăng, đánh dấu nỗ lực đầu tiên thuộc loại này trên thế giới.
Với những bước tiến vượt bậc trong chương trình không gian của Trung Quốc, phía Mỹ tỏ ra quan ngại. Trong phiên điều trần quốc hội Mỹ gần đây, người đứng đầu NASA Bill Nelson cáo buộc rằng “chương trình không gian dân sự của Trung Quốc là một chương trình quân sự”, theo báo The Guardian.
Ngoài ra, Mỹ cũng tập hợp các đồng minh để đảm bảo Trung Quốc không giành chiến thắng trong cuộc đua không gian. Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết sẽ đưa phi hành gia từ Tokyo lên mặt trăng trong sứ mệnh Artemis của NASA vào năm 2028.
Các đồng minh của Washington cũng thay nhau hủy hợp đồng với Trung Quốc vì lo ngại an ninh. Cụ thể, năm 2020, Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển (SSC) quyết định không gia hạn hợp đồng với trạm mặt đất với Trung Quốc ở Kiruna (Thụy Điển) do lo ngại dữ liệu thu thập tại trạm có thể được sử dụng cho hoạt động tình báo quân sự, vi phạm điều khoản sử dụng của SSC. Sự hợp tác về không gian giữa Cục Quản lý vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại trên và hai bên cũng ngừng hợp tác vào năm 2022.
T.P