Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBạo loạn tại Pháp gia tăng

Bạo loạn tại Pháp gia tăng

Hàng trăm cảnh sát được huy động để trấn áp dòng người biểu tình đang phẫn nộ. Ngay trong ngày 11/6, đã xuất hiện thông tin ông Macron cân nhắc “khả năng từ chức”.

Hàng chục nghìn người dân tại một số thành phố trên khắp nước Pháp đã kéo xuống đường biểu tình trong tối 10/6.


Bạo loạn trên khắp nước Pháp
Tờ Le Monde (Pháp) ngày 11/6 đưa tin, hàng chục nghìn người dân tại một số thành phố trên khắp nước Pháp đã kéo xuống đường biểu tình trong tối 10/6 sau khi Đảng Tập hợp Quốc gia (RN – trước đây là Đảng Mặt trận Quốc gia) theo đường lối cực hữu thắng thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội một ngày trước đó.

Cảnh sát Paris cho biết, khoảng 3.000 người đã tập trung tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris vào lúc 20 giờ ngày 10/6, hô vang khẩu hiểu biểu tình. Cờ Palestine, cùng cờ của các liên đoàn lao động Pháp, như Liên đoàn Công nhân Tổng hợp (CGT) và Liên đoàn Sinh viên Quốc gia Pháp (UNFF), hòa lẫn trong đám đông.

Đáng lưu ý, theo Le Monde, một số chính trị gia Pháp cũng tham gia cuộc biểu tình này.

Sau khi rời khỏi Quảng trường Cộng hòa vào lúc 22 giờ cùng này, hàng nghìn người biểu tình đã tiến về trụ sở của Đảng Xanh – nơi các đảng cánh tả đang họp bàn để đạt được thỏa thuận cho cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 3 tuần tới.

“Mỗi nơi họ (những người biểu tình đi qua), các biển hiệu bầu cử đều bị phá hủy” – Le Monde cho hay – “Bầu không khí trở nên vô cùng căng thẳng ngay trước nửa đêm, cảnh sát đã phải giải tán đoàn người biểu tình bằng lựu đạn cao su”.

Tại thành phố Toulouse, tình hình nghiêm trọng hơn khi có tới 6.200 người tham gia biểu tình. Các vụ xô xát đã nổ ra, người biểu tình đập vỡ cửa sổ của các cửa hàng và đốt thùng rác. Phóng viên của AFP đã ghi nhận ít nhất 2 vụ bắt giữ, cảnh sát phải dùng tới hơi cay để giải tán đám đông.

Tại Marseille – thành phố lớn thứ hai của Pháp – khoảng 2.200 người đã kéo tới tập trung trước trụ sở cảnh sát khu vực, đồng loạt giương cao những khẩu hiểu được viết vội trên các tấm biển.

Hàng nghìn người dân Pháp cũng tập trung biểu tình ở các thành phố Nantes (4.400 người), Rennes (4.000, Lyon (2.800), Grenoble (1.800), Montpellier, Saint-Etienne và Besançon (1.000) và Rouen (800) và đi kèm với các hành vi quá khích như đốt thùng rác dọc các con đường mà họ đi qua.

Lực lượng thực thi pháp luật của Pháp tại các địa điểm này cũng phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.

Theo hãng tin Reuters, các đoạn video được ghi lại tại hiện trường cho thấy dòng người biểu tình tuần hành tại Pháp, ném đuốc và bị cảnh sát truy đuổi.

“Viễn cảnh có một thủ tướng cực hữu trong 3 tuần nữa khiến tôi sợ hãi” – Alice, sinh viên 24 tuổi tham gia cuộc biểu tình cho hay.

Trong khi đó, Alba Bourreau (19 tuổi) – sinh viên chuyên ngành nghệ thuật tham gia “cuộc biểu tình chính trị đầu tiên trong đời” nói: “Chúng tôi đến đây để vận động chống chủ nghĩa phát xít, và vì chúng tôi chán ngấy hình ảnh nước Pháp bầu cử cho phe cánh hữu. Phe cánh tả cũng tồn tại, và chúng tôi đang ở trên đường phố này tối nay”.

Ông Macron nói về khả năng từ chức
Giữa bối cảnh hỗn loạn ở Pháp, tờ Politico cho biết, ngay trong ngày 11/6 đã xuất hiện các thông tin lan truyền rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang cân nhắc “khả năng từ chức”.

Tối cùng ngày, khi trả lời tạp chí Le Figaro, ông Macron cũng nhận được câu hỏi: “Liệu có sẵn sàng từ chức nếu Đảng RN thắng thế trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sắp tới và yêu cầu ông rời đi hay không?”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố sẽ không rời Điện Elysee, bất luận đà tiến của đảng cực hữu hay kết quả cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ra sao.

“Hiến pháp không được viết bởi đảng RN và họ cũng không đại diện cho tinh thần của hiến pháp” – ông Macron nhấn mạnh – “Thiết chế nhà nước Pháp rất rõ. Vai trò của Tổng thống cũng được quy định rất rõ, bất luận kết quả bầu cử thế nào”.

Theo AFP, nếu đảng cực hữu RN giành đa số ở quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử, ông Macron vẫn nắm quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, bao gồm cả chính sách an ninh quốc gia và kinh tế.

Bình luận về kết quả sơ bộ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được công bố ngày 9/6 và tình hình tại Pháp, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, kết quả này chứng minh rằng ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz “không được ai tôn trọng”.

Trước đó, chính phủ liên minh hiện tại của Đức cũng phải đối mặt với thất bại nghiêm trọng trong cuộc bầu cử EP, trong đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz ghi nhận kết quả “tồi tệ nhất lịch sử” trong các cuộc bầu cử toàn quốc.

Ông Medvedev cho rằng, kết quả bầu cử này liên quan đến “chính sách kinh tế và di cư ngớ ngẩn” mà hai nhà lãnh đạo theo đuổi và sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

“Đã đến lúc nghỉ hưu. Về với đống tro tàn của lịch sử!” – ông Medvedev viết trong bài đăng trên mạng xã hội.

Trong khi đó, chủ tịch hạ viện quốc hội Nga Vyacheslav Volodin – kêu gọi ông Scholz và ông Macron từ chức, đồng thời “ngừng ngược đãi người dân của chính họ”.

Quan chức Nga cáo buộc các nhà lãnh đạo các quốc gia EU phản bội lợi ích của người dân để ủng hộ các mục tiêu địa chính trị của Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới