Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: “phép thử” mới?

Biển Đông: “phép thử” mới?

“Phép thử” mới, là quy định của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 15/6, cho phép lực lượng hải cảnh nước này tạm giữ tới 30 ngày người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia.

Người dân Philippines phản đối luật “bắt người”của Trung Quốc, ở Manila ngày 14/6

Theo diễn giải của các chuyên gia quốc tế, những hành vi nêu trên bao gồm việc xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và hải cảnh Trung Quốc có thể giữ người suốt nhiều ngày mà “không qua xét xử”.

Ngay lập tức, dư luận dự đoán, quy định mới này sẽ kích hoạt, làm bùng lên những căng thẳng mới trên Biển Đông.

Với yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra và áp đặt, gần 90% diện tích Biển Đông là của Trung Quốc. Điều đó nghĩa là, chỉ cần quá chân ga máy tàu chút ít, ngư dân các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, và vùng lãnh thổ Đài Loan, có thể thành đối tượng vi phạm, bị Trung Quốc bắt giữ bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, trong thực tế, câu chuyện lại không đơn giản: Đó là lý do không ít nhà quan sát ví quy định mới này của Trung Quốc như một “phép thử”. “Phép thử” đó không dành cho một bên, mà cho tất cả các bên liên quan, tức Trung Quốc và các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Thậm chí, nhìn rộng ra, nó còn liên quan tới các quốc gia phương Tây lâu nay không chỉ tuyên bố mà còn thường xuyên thực thi điều mà họ gọi là “tự do hàng hải” (Mỹ gọi là FONOP) trên Biển Đông.

Bắc Kinh là bên đưa ra quy định cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc “quyền bắt người”, vậy thì “phép thử” với họ là gì?

Vấn đề ở chỗ, đơn phương đưa ra quy định, nhưng Bắc Kinh thừa hiểu họ sẽ vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận và các quốc gia láng giềng, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia…

Trước quy định này, từ nhiều năm trước, hằng năm, Bắc Kinh vẫn đơn phương ban hành lệnh cấm (tất cả các hình thức) đánh bắt cá ở Biển Đông trong thời gian từ tháng 5 tới giữa tháng 8. Khu vực cấm từ Vĩ tuyến 12000’ trở lên phía Bắc (bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ) đến vĩ tuyến 26030’ độ Bắc.

Năm nào cũng vậy, đối lạị, cùng với phản đối, các nước trên, nhất là Việt Nam, Philippines, cùng với động viên cổ vũ, chuẩn bị thêm các phương án bảo vệ ngư dân tiếp tục đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống.

Dù khó khăn hơn, nhưng có thể nói, về cơ bản, lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm của Trung Quốc đã không làm chùn bước ngư dân các nước láng giềng. Đó chưa kể, cấm “người” nhưng chính ngư dân Trung Quốc lại đánh bắt cá trong thời gian lệnh cấm hiệu lực. Sự bất công đó càng khiến dư luận phê phán và chống lại lệnh của Bắc Kinh một cách quyết liệt hơn.

Trong khi lệnh cấm đánh bắt cá chỉ có thể gây khó dễ chứ chưa hẳn cấm được ai, nay lại thêm quy định “tạm giữ”, câu hỏi đặt ra là: liệu Trung Quốc có sẵn sàng bắt người thật, để hứng chịu một làn sóng phẫn nộ và phê phán mới của dư luận và các quốc gia láng giềng hay không? Đó chính là điều Bắc Kinh phải lường tới và cân nhắc.

Về phía các nước liên quan, cho dù gan góc, bản lĩnh tới đâu, quy định mới này vẫn là một phép thử khắc nghiệt. Sự ngang ngược, dám làm tất cả của Trung Quốc, nhất là với ngư dân các nước “bé con con” như Việt Nam, Philippines, là điều Trung Quốc có thể và từng làm, trong đó, vụ “Cỏ Rong” (tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines năm 2019, làm suýt chết 22 ngư dân) là thí dụ cụ thể.

Vậy nên, nếu xảy ra một vụ hải cảnh Trung Quốc bắt người thật, các nước này sẽ phản ứng thế nào? Liệu chính quyền có mạo hiểm cổ vũ ngư dân của mình hành nghề trong các ngư trường truyền thống, nhưng “thuộc chủ quyền của Trung Quốc” (!) (như tuyên bố của Trung Quốc) hay không? Các biện pháp bảo vệ ngư dân có thể được chuẩn bị, nhưng kéo theo đó, rất có thể là những vụ va chạm, xung đột vượt khỏi sự kiểm soát…

Những gì diễn ra trong mấy ngày qua như là một dấu hiệu mới về sự căng thẳng liên quan quy định bắt người của Trung Quốc. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát thông tin: ngày 17/6, một tàu tiếp tế Philippines đã xâm nhập “trái phép” vào vùng biển gần bãi Cỏ Mây ở Biển Đông khiến hải cảnh Trung Quốc đã buộc phải thực hiện “biện pháp kiểm soát theo luật”. Hải cảnh Trung Quốc nhấn mạnh rằng: “Tàu tiếp tế Philippines đã nhiều lần phớt lờ cảnh báo nghiêm túc của phía Trung Quốc, vi phạm “Quy tắc tránh va chạm trên biển quốc tế”, tiếp cận tàu di chuyển bình thường của phía Trung Quốc một cách cố ý và nguy hiểm, không chuyên nghiệp, dẫn tới va chạm”.

Thông tin của lực lượng hải cảnh Trung Quốc không nêu rõ trong vụ việc vừa qua, cái gọi là “biện pháp kiểm soát theo luật” là gì. Nhưng liên kết những sự kiện lại, có thể khẳng định, đó chính là quy định “bắt người” có hiệu lực từ ngày 15/6.

Như vậy, có thể nói: cú “va chạm” ngày 17/6 vừa qua là một chiêu Trung Quốc chủ động gây ra để “thử” mức độ phản ứng của Philippines trước khi tiến hành các động thái quyết đoán mới. Mức độ, tính chất các động thái tiếp theo đó là thế nào, tất nhiên phụ thuộc vào thái độ, phản ứng cả về ngoại giao lẫn trên thực địa của Philippines cũng như các quốc gia láng giềng khác.


T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới