Trung Quốc muốn Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ thuế quan sơ bộ đối với xe điện của Trung Quốc trước ngày 4/7 sau khi cả hai bên đạt được thỏa thuận tổ chức các cuộc đàm phán thương mại mới, theo Global Times.
Mức thuế tạm thời của EU lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất sẽ có hiệu lực vào ngày 4/7 trong khi khối này tiến hành cuộc điều tra về cáo buộc trợ cấp quá mức và không công bằng cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi EU hủy bỏ thuế quan và bày tỏ quan điểm sẵn sàng đàm phán. Trong bối cảnh vẫn bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, Bắc Kinh không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến thuế quan khác, nhưng tuyên bố họ sẽ thực hiện mọi bước để bảo vệ các công ty Trung Quốc nếu điều đó xảy ra.
Cả hai bên đã đồng ý bắt đầu lại các cuộc đàm phán về thuế quan sau cuộc gọi giữa Ủy viên EU Valdis Dombrovskis và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào vào cuối tuần qua.
Kết quả khả quan nhất của các cuộc đàm phán là EU hủy bỏ quyết định thuế quan trước ngày 4/7, Global Times đưa tin vào cuối ngày 23/6, dẫn lời các nhà quan sát.
Tờ báo cho biết, các động thái ngày càng bảo hộ của EU sẽ gây ra các biện pháp đối phó từ Trung Quốc và sự leo thang trong xung đột thương mại sẽ chỉ dẫn đến kết quả “được-thua” cho cả hai bên.
Mức thuế dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 2/11 khi kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp của EU .
Chiến tranh thương mại sẽ nổ ra?
Chính sách thương mại của EU ngày càng trở nên bảo hộ trước những lo ngại rằng mô hình phát triển tập trung vào sản xuất của Trung Quốc có thể khiến nước này tràn ngập hàng hóa giá rẻ khi các công ty Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu.
Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc về trợ cấp không công bằng hoặc vấn đề dư thừa công suất, cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc là kết quả của lợi thế về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng công nghiệp.
Ông Zhang Yansheng, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, cho biết: “Khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Von der Leyen tuyên bố sẽ điều tra các phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc, tôi có cảm giác trực quan rằng đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề địa chính trị”.
Quan hệ thương mại giữa khối 27 nước châu Âu và nền kinh tế số 2 thế giới đột ngột trở nên tồi tệ hơn khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu vào tháng 5/2021 để đình chỉ việc phê chuẩn những gì lẽ ra là một hiệp ước đầu tư mang tính bước ngoặt vì các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Bắc Kinh và Brussels lại xảy ra xung đột vào năm đó khi Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và yêu cầu các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với quốc gia vùng Baltic sau khi Vilnius mời Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô.
Mặc dù Bắc Kinh đang kêu gọi đàm phán nhưng họ cũng chỉ ra rằng họ sẵn sàng có các biện pháp trả đũa nếu Ủy ban châu Âu không lùi bước và họ coi Brussels hoàn toàn chịu trách nhiệm về căng thẳng leo thang.
Tờ Global Times, tờ báo đầu tiên đưa tin rằng Trung Quốc đang xem xét mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, cũng đã đưa tin về cuộc điều tra chống trợ cấp đối với sữa từ châu Âu và thuế đối với ô tô chạy xăng động cơ lớn.
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra gợi ý về các biện pháp trả đũa có thể có thông qua các bài bình luận trên truyền thông nhà nước và các cuộc phỏng vấn với các nhân vật trong ngành.
Ông Jacob Gunter, nhà phân tích chính tại MERICS – một viện nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Có vẻ như Bắc Kinh sẽ tăng thuế lên tới 25% đối với ô tô sản xuất tại châu Âu với động cơ 2,5 lít trở lên”.
Ông nói thêm: “Thịt lợn và sữa đã được Bắc Kinh đặt lên bàn đàm phán và có khả năng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác sẽ bị đe dọa”.
“Về phía EU, có nhiều cuộc điều tra đang diễn ra và có thể nhắm tới nhiều mặt hàng từ thiết bị y tế đến máy quét an ninh sân bay cho đến ống thép…”, ông Jacob cho hay.
T.P