Những tiếng nói cảnh báo xung đột, chiến tranh ở Biển Đông
Trong suốt mấy thập kỷ qua, tình hình Biển Đông tuy diễn biến luôn phức tạp, cọ xát, bất đồng luôn tiềm ẩn, nhiều lúc xảy ra sự việc trên biển rất gay gắt song về cơ bản cục diện hòa bình, ổn định luôn được duy trì. Tuy nhiên, chưa lúc nào như hiện nay, nhất là trong tháng 3-4 của năm 2024 này lại có nhiều tiếng nói cảnh báo về nguy cơ xung đột, thậm chí chiến tranh đang hiện hữu ở Biển Đông như vậy.
Nếu đúng như vậy thì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn. Có không ít phát biểu liên quan của các bên tranh chấp đánh giá về mối nguy cơ đối với hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. Về phía Trung Quốc, ngày 28/3/2024 tại diễn đàn châu Á Bác Ngao Đặc sứ Trung Quốc về biến đổi khí hậu Lưu Chấn Dân kêu gọi các nước Đông Nam Á “nên trân trọng nền hòa bình bền vững ở trong khu vực”; cảnh báo ASEAN giải quyết tranh chấp ở cấp vùng, “không nên lôi kéo các thế lực bên ngoài khiến căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát”. Ông Lưu Chấn Dân tuyên bố “lấy làm tiếc khi thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong năm 2023. Việc Mỹ, Nhật Bản, Philippines thắt chặt hợp tác quân sự có nguy cơ khơi mào một cuộc xung đột mới ở Đông Nam Á”. Ông này khuyến cáo các nước không nên chọn phe, “cần hiểu và trân trọng hòa bình có được trong 30 năm qua ở trong vùng, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc và cần nỗ lực để ngăn xung đột trỗi dậy ở Biển Đông”. Thậm chí ông Thứ trưởng Ngoại giao Trần Hiếu Đông trong phát biểu liên quan tới sự kiện bãi Cỏ Mây tranh chấp với Philippines còn nhấn thêm hàm ý đe dọa “quan hệ hai nước đang đứng trước ngã ba đường, đòi Philippines cần xử lý thận trọng”; “yêu cầu Philippines ghìm cương trước vực thẳm”. Còn ngày 07/4, hãng Fox News đăng bình luận của Gordon Chang, thành viên tại Viện Gatestone bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh đã cảnh báo Thế chiến III có thể nổ ra ở Biển Đông khi Dự án Nghiên cứu Truyền thông Trung Quốc của hãng tin Trung Hoa Nhật Báo đăng bài xã luận có tiêu đề “Manila phải được cảnh báo trước sự khủng khiếp của chiến tranh” của Yang Xiao, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc. Gordon Chang cho rằng nếu xảy ra, khả năng cuộc chiến sẽ bắt đầu ở Philippines hơn là bắt đầu ở Đài Loan hoặc Nhật Bản.
Về phía Philippines có một vài tiếng nói tỏ lo ngại về khả năng xảy ra xung đột, chiến tranh. Ngày 04/4, Nghị sĩ Imee Marcos, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines cho rằng những hành động gần đây của chính phủ Philippines nhằm “chống đối” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đang “đưa đất nước vào con đường nguy hiểm”, kêu gọi Chính phủ nên tránh mọi hành vi có thể đe dọa đất nước, thay vào đó cần đưa ra giải pháp hòa bình và tránh xung đột khu vực. Ông Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel ngày 29/2 còn nói thẳng rằng mối đe dọa căng thẳng hàng hải ngày càng tăng giữa Philippines và Trung Quốc có thể biến thành chiến dịch quân sự là đáng báo động. Chính điểm nóng thực sự ở khu vực là Biển Đông chứ không phải vấn đề Đài Loan. Điều này trùng với ý bình luận của ông Gordon Chang, thành viên tại Viện Gatestone nêu trên. Đáng lưu ý là chính ông cựu Tổng thống Duterte cũng từng phát biểu nếu Philippines không giữ nguyên trạng sẽ có chiến tranh với Trung Quốc.
Các đốm lửa đang nhen nhóm?
Tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông chủ yếu liên quan giữa Trung Quốc với Philippines. Cọ xát giữa Philippines ở Biển Đông gia tăng về mức độ căng thẳng và đang lan rộng. Hiện tại, điểm lại có mấy đốm lửa đang nhen nhóm giữa hai nước này.
Một là, tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây (Nhân Ái) là đốm lửa đang nóng nhất. Ý đồ của hai bên khá rõ và khó có nhượng bộ. Trung Quốc quyết không để Philippines tiếp tế, sửa chữa lại chiếc tàu quân sự mắc cạn; cho rằng Philippines đã lật lọng, mưu đồ gia cố lại chiếc tàu thành căn cứ quân sự, to giọng khẳng định sẽ không bao giờ khoanh tay đứng nhìn điều này xảy ra. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 03/4, về thông tin Philippines sẽ kiên trì tiếp tế cho tàu chiến “mắc cạn” ở Bãi Cỏ Mây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân khẳng định lập trường chủ quyền đối với “Bãi Nhân Ái” (Bãi Cỏ Mây), nói Philippines cần “ngay lập tức chấm dứt các hành vi xâm phạm và khiêu khích”; đe dọa, nếu phía Philippines tiếp tục thách thức giới hạn đáy của Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp kiên quyết, quyết đoán. Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh còn bao gồm các phát biểu dọa dẫm nêu trên của ông Lưu Chấn Dân và ông Thứ trưởng Ngoại giao Trần Hiểu Đông. Ngày 09/4, tờ Wall Street Journal đăng bài bình luận của nhà báo Niharika Mandhana, nhận định Trung Quốc tìm cách chơi trò chơi “mạo hiểm và đầy rủi ro” (Russian Roulette – Cò quay Nga) với Philippines ở Bãi Cỏ Mây. Tác giả cho rằng các cuộc đối đầu này chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm giành quyền thống trị ở Biển Đông. Về phía Philippines, chính quyền Marcos có vẻ không nao núng, không e dè sợ hãi. Trong vụ việc va chạm giữa hai tàu công vụ của Philippines với tàu cảnh sát biển Trung Quốc tháng 3 vừa qua, không còn có việc tàu của Philippines tránh né mà sẵn sàng chấp nhận va chạm với tàu Trung Quốc để hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế, dù bị đâm va, bị bắn vòi rồng làm bị thương ít nhất 4 quân nhân Philippines. Ngày 3/4, NFN Hội đồng an ninh quốc gia PLP Jonathan Malaya nói nước này sẵn sàng đáp trả những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gián đoạn các nhiệm vụ tiếp tế của Manila ở Biển Đông và bảo vệ binh sĩ của mình. Ông tuyên bố: “Chúng tôi cam kết luôn duy trì tàu BRP Sierra Madre ở đó vì vậy bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm can thiệp vào các nhiệm vụ tiếp tế sẽ bị Philippines đáp trả theo cách thức để bảo vệ quân đội của chúng tôi. Ngày 3/4, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya tuyên bố Philipines sẽ “luôn duy trì tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây” và sẵn sàng đáp trả bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm làm gián đoạn các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines ở Biển Đông, bảo vệ binh sĩ Philippines đang đồn trú ở khu vực. Ngày 6/3, Đề đốc Hải quân Philippines Roy Trinidad tuyên bố thẳng thừng, “ranh giới đỏ” đối với Philippines và quân đội Philippines là việc Trung Quốc di dời bất cứ tiền đồn quân sự nào của nước này tại bãi Cỏ Mây và xây dựng bất cứ công trình nào ở Scarborough. Ngày 28/3, Tổng thống Marcos tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hãn và nguy hiểm” của hải cảnh Trung Quốc. Cọ xát ở bãi Cỏ Mây còn liên quan tới vai trò của Mỹ. Ngày 09/4, phát biểu tại Viện Lowy, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Mỹ) cảnh báo các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “một ví dụ về việc nước này đang tìm cách tranh giành không gian lãnh thổ thông qua vũ lực, gây bất ổn cho khu vực”, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình Bãi Cỏ Mây. Tổng thống Mỹ thì lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 tới đầu 2024 có ít nhất hai lần đề cập tới cam kết bảo vệ đồng minh Philippines theo Hiệp ước đồng minh năm 1951.
Đốm lửa thứ hai là bãi Scaborough bị Trung Quốc khống chế từ tay Philippines năm 2012. Cọ xát giữa hai bên giành quyền kiểm soát và kiểm soát lại diễn ra cũng khá nóng từ cuối năm ngoái đến nay khi Philippines cho dỡ bỏ các phao chắn ở khu vực này. Trung Quốc cho lắp lại rồi thường trực tàu ở đó để kiểm soát không cho tàu công vụ, tàu cá Philippines tiếp cận. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã “bám đuôi” tàu nghiên cứu Philippines đang tiến hành khảo sát thủy văn ngoài khơi Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế. Ngày 30/4/2024 vừa qua lại diễn ra màn dượt đuổi giữa tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 21558 với tàu cảnh sát biển Philippines BRP Bagacay suốt nhiều giờ, áp sát nguy hiểm với tàu cảnh sát biển; bắn vòi rồng làm hỏng chiếc ra đa của tàu tiếp tế. Tuyên bố của Đề đốc Hải quân Philippines Roy Trinidad ngày 06/3, cho thấy rõ, “ranh giới đỏ” đối với Philippines và quân đội Philippines là ngoài việc Trung Quốc di dời bất cứ tiền đồn quân sự nào của nước này tại bãi Cỏ Mây còn có việc khôi phục việc tiếp cận bên trong 12 hải lý và xây dựng bất cứ công trình nào ở Scarborough.
Ngoài ra, còn có một loạt sự việc nóng giữa hai bên như: tại đá Sandy Cay (Hoài Ân) Trung Quốc cho máy bay trực thăng “đuổi” các nhân viên khoa học Philippines tiến hành khảo sát trên đá này. Rồi ngày 06/4, Chuẩn Đô đốc Jay Tarriela, Người Phát ngôn Cảnh sát biển Philippines cho hay, ngày 04/4 các tàu của hải cảnh Trung Quốc lại quấy rối các tàu cảnh sát biển, tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản và tàu cá Philippines tại khu vực “Đá Iroquois” (Đá Khúc Giác) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách tỉnh Palawan 237 km về phía Tây Bắc. Phản ứng lại, Người Phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc Cam Vũ nhấn mạnh Trung Quốc có “chủ quyền” đối với “Hấu Đằng Tiêu” (Đá Khúc Giác); khẳng định cách xử lý vụ việc của Bắc Kinh là “chuyên nghiệp” và cáo buộc Philippines “ngụy trang dưới chiêu bài bảo vệ nghề cá để gây bất ổn ở Biển Đông”, “tiến hành các hoạt động bất hợp pháp” ở khu vực.
Các vụ việc căng thẳng nói trên cùng cách hành xử cứng rắn, cưỡng ép, không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc đã đẩy không khí quan hệ hai bên thêm căng thẳng và tác động tới nội bộ Philippines, khiến một bộ phận dân chúng sôi sục biểu tình. Ngày 09/4, một nhóm biểu tình ở Manila (Phi-líp-pin) đã giẫm nát hình nộm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ lên án các hành động “gây hấn” của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rời khỏi Biển Đông, dỡ bỏ các công trình bất hợp pháp, công nhận Phán quyết năm 2016, chấm dứt hành vi quấy rối ngư dân Philippines và các tàu thực hiện nhiệm vụ tiếp tế Phi-líp-pin”.
Một số động thái các bên sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản xung đột?
Một là, về phía Philippines. TTh PLP ra lệnh Ferdinand Marcos Jr. đã có thêm một loạt động thái để ứng phó với tình hình mới, lần này chú trọng hơn việc tăng cường sự phối hợp thống nhất trong các cơ quan về biển là Hội đồng biển quốc gia do Phủ tổng thống điều phối, tăng cường mua sắm vũ khí hiện đại nhằm đối phó với thách thức, sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc. Ông ra lệnh tăng cường phối hợp an ninh hàng hải để đương đầu với một loạt thách thức nghiêm trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc đang leo thang tới cấp độ mới. Sắc lệnh ký hôm 25/3, công bố ngày 31/3 không đề cập tới Trung Quốc song được công bố sau một loạt đối đầu song phương trên biển, cáo buộc lẫn nhau. Sắc lệnh mở rộng, tái tổ chức Hội đồng hàng hải của Chính phủ thành Hội đồng hàng hải quốc gia là cơ quan trung ương xây dựng chiến lược nhằm đảm bảo một khuôn khổ thống nhất, phối hợp hiệu quả cho an ninh và nhận thức hàng hải Philippines. Về trang bị vũ khí, chỉ trong tháng ba và tư năm nay, Philippines đã có hàng loạt động thái tăng cường lực lượng quốc phòng. Thứ nhất, ngày 18/3, Philippines thử nghiệm tên lửa Spike của tập đoàn Rafael dành cho 4 tàu tuần tra cao tốc Shelagh MK5, là vũ khí tầm xa thực sự tầm bắn 25 km, ở khu vực phía Tây Luzon Point, tầm nhìn rõ ràng hướng về Biển Đông. Hai là, cho phép Mỹ đặt bệ phóng tên lửa tầm trung đầu tiên (MRC), còn gọi là hệ thống vũ khí Typhon trên đảo Luzon phía Bắc Philippines vào hôm 11/4, là lần đầu tiên Mỹ triển khai hệ thống vũ khí như vậy kể từ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Mỹ với Liên Xô năm 1987 cấm vũ khí tên lửa trên đất liền có tầm bắn 500-5000km. Ba là, hôm 19/4, lô vũ khí tên lửa BrahMos đã được chuyển giao cho quân đội Philippines, chính thức ra nhập câu lạc bộ nhỏ các nước Đông Nam Á sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới, tăng them sức răn đe đối với Trung Quốc.
Thứ hai, về phía Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 07/3, tham dự cuộc họp với đại biểu quân đội ngày 07/3 nhân kỳ họp lưỡng hội năm nay, đã có phát biểu chỉ đạo: cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa chuẩn bị đấu tranh quân sự trên biển với bảo vệ quyền và lợi ích trên biển, kinh tế biển nâng cao năng lực quản trị biển. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng “tình hình ở Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng hơn do các hành động khiêu khích của Mỹ và các đồng minh”, do Mỹ thúc đẩy nhằm gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc, gây bất ổn khu vực và đe dọa an ninh của Trung Quốc; khẳng định cuộc tập trận của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam (Trung Quốc) là phản ứng trực tiếp trước các cuộc diễn tập chung của 04 nước nhằm “ăn miếng trả miếng”, chứng tỏ “mọi hoạt động quân sự gây rối loạn Biển Đông đều nằm trong tầm kiểm soát”.
Thứ ba, một loạt động thái củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ và Nhật Bản, nhất là sau cuộc gặp Thượng đỉnh 3 bên tại Mỹ lần đầu tiên hôm 11/3, kéo theo một loạt động thái khác trên thực địa như tờ Politico 29/3 thông tin, Mỹ, Nhật Bản, PLP có kế hoạch triển khai tuần tra chung ở Biển Đông vào cuối năm nay. Đây là động thái lớn ở Trung Quốc ở khu vực và có khả năng gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh. Chưa kể, Mỹ và Philippines ngày 22/4 tiến hành cuộc tập trận chung Balikatan khi “sự quyết đoán ngày càng tăng trong khu vực làm dấy lên lo ngại về xung đột” theo bình luận của AFP và Reuter ngày 23/3. Cuộc tập trận với 11 ngàn lính Mỹ và 5 ngàn quân Philippines với nhiều đặc điểm mới đáng chú ý, mang hàm ý chiến lược rõ nét, như lần đầu tiên tiến hành vùng đặc quyền kinh tế nước này, không bó gọn trong vùng 12 hải lý của Philippines như trước; hay lần đầu tiên lực lương tuần duyên Philippines tham gia tập trận với hải quân nước ngoài, có sự tham gia lần đầu tiên của hải quân Pháp. Điều đáng chọc giận Bắc Kinh nhất là việc quân đội Philippines đưa chiếc tàu hàng cũ hết đát duy nhất có xuất xứ mua của Trung Quốc làm bia tập bắn cho cuộc tập trận nói trên.
Cục diện hòa bình ở Biển Đông liệu có bị phá vỡ?
Có nhiều đánh giá, nhận định tích cực nhiều khả năng cục diện hòa bình này khó có thể bị phá vỡ vì các bên đều vấp phải giới hạn khó khăn, không dễ vượt qua để có thể phát động một cuộc xung đột.
Thứ nhất, đối với Trung Quốc, tuy dọa dẫm đe nẹt Philippines rất mạnh mẽ song không cũng không dễ gây chiến vượt tầm chiến thuật vùng xám như lâu nay vì thiếu chính nghĩa, thiếu cơ sở pháp lý, nhất là sau vụ kiện Biển Đông gây hệ lụy rất bất lợi cho Trung Quốc về danh tiếng và cơ sở pháp lý, nhất là trong tình thế khó khăn về kinh tế, về đối ngoại hiện nay dù lâu nay Trung Quốc vẫn coi chúng là mớ giấy lộn. Quan trọng hơn, Philippines lại được Mỹ và đồng minh bảo vệ trong trường hợp bị tấn công, kể cả tàu công vụ, tàu hải cảnh theo Hiệp ước đồng minh quân sự. Sau cuộc gặp Thượng đỉnh 3 bên hôm 11/3, kể cả lực lượng tàu dân binh Trung Quốc cũng sẽ được cho vào phạm vi phòng thủ; như vậy chiến thuật vùng xám của Trung Quốc sẽ không dễ dàng sử dụng như trước. Vì vậy, Trung Quốc một mặt gây sức ép với Manila, mặt khác vẫn phải cố gắng duy trì đối thoại và lôi kéo các nước ASEAN nhằm cô lập Philippines. Tờ Hoàn Cầu ngày 20/4 cố gắng làm xẹp mức độ nghiêm trọng khi cho rằng tình hình Biển Đông cơ bản ổn định, và đổ lỗi cho Mỹ và Philippines thường xuyên gây rối, cố gắng kéo đổ và làm tiêu hao Trung Quốc, sử dung phép thắng lợi tinh thần của ông AQ ở Trung Quốc khi cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ rơi vào đó. Người phát ngôn Trung Quốc có lúc cũng tỏ ra mềm mỏng: “Thái độ của Trung Quốc thời gian mấy tháng gần đây đã tạo không gian và sự mềm dẻo linh hoạt cho Philippines trên vấn đề Biển Đông, với hy vọng rằng tranh cãi hiện nay có thể được giải quyết qua liên lạc, đàm phán, đối thoại”. Nhìn chung, có thể thấy Trung Quốc hiện nay không dễ dàng trong xử lý vấn đề với ông bạn Philippines cứng đầu này bằng vũ lực.
Hai là, về phía Philippines, ngày 08/4, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos kêu gọi Trung Quốc cùng đối thoại để ngăn ngừa các sự cố như va chạm tàu và sử dụng vòi rồng… nhằm tránh gia tăng căng thẳng trên Biển Đông; trong sự việc bãi Cỏ Mây nước này tỏ kiềm chế trong việc nhờ vả vào Hiệp ước đồng minh quân sự với Mỹ. Ngoài ra, tình hình nội bộ Philippines hiện nay cũng rất phức tạp, đấu tranh giữa hai dòng tộc Marcos và Duterte có quan điểm trái ngược nhau trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ và trong vấn đề Biển Đông. Đây cũng là nhân tố “giảm trừ” hạn chế các hoạt động mạnh mẽ của chính quyền Marcos. Philippines tuy rất kiên quyết song mức độ quyết tâm thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền cũng còn khá thận trọng, từng bước thăm dò phá vỡ giới hạn đáy của Trung Quốc; cần thêm thời gian để quan sát.
Ba là, về phía Mỹ, ngày 02/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan, thượng tôn pháp luật và tự do hàng hải ở Biển Đông. Reuters cho biết, sau Hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết sắt đá bảo vệ Philippines trước bất cứ cuộc tấn công nào ở Biển Đông, theo Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước. Giới chức Mỹ cho hay phía Nhật Bản cũng nhất trí cho rằng cần thể hiện sự thống nhất với Philippines – vốn đang phải đối mặt với các cuộc chạm trán thường xuyên với Trung Quốc. Theo The New York Times đánh giá, cuộc gặp này nhằm gửi một thông điệp thẳng thắn tới các hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sự răn đe, thống nhất của Mỹ, Nhật Bản, Philippines sẽ là nhân tố quan trọng nhất kiềm chế Bắc Kinh có hành vi phiêu lưu. Chưa kể, các nước khác như Australia tuyên bố ban hành Chiến lược Quốc phòng năm 2024, trong đó nhấn mạnh cần phải có một kế hoạch nhằm răn đe, ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng đối với Australia ở các vùng biển xa. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles khẳng định Chiến lược nhấn mạnh “những nguy cơ tính toán sai lầm đáng quan ngại” do Trung Quốc phát triển quân sự và căng thẳng Trung – Mỹ. Tuy nhiên, dù tỏ cứng rắn, khẳng định cam kết bảo vệ Philippines song Mỹ cũng chưa muốn đối đầu, muốn quản lý tranh chấp, tránh khả năng xảy ra chiến tranh nóng với Trung Quốc nhất là cuối năm nay sẽ có bầu cử Tổng thống. Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng dù có căng thẳng nhưng Mỹ và Trung Quốc đã tránh được “sự leo thang không kiểm soát”.
Nói tóm lại, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời Nhà khoa học Chính trị Joseph Nye (từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hiệu trưởng Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard) nhận định khó có khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông. Ông cho rằng Nghiên cứu kỹ về lý luận và thực tiễn Ngoại giao của hai nước cho thấy khả năng xảy ra chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương là rất thấp trong những ngày này. Tuy nhiên, cả 3 bên, Trung Quốc, Phi-lip-pin, kể cả Mỹ đều đang đứng trước lựa chọn khó khăn về giới hạn đáy nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ, không dễ thay đổi, nhượng bộ. Việc tìm một giải pháp dung hòa, thỏa hiệp là vô cùng khó khăn thậm chí thực sự bế tắc. Cục diện Biển Đông hòa bình hay không đang thử thách giới hạn đáy của luật pháp quốc tế, của chính trị cường quyền, của liên minh tập hợp lực lượng, của việc một cá nhân nào đó có dám hay không phá vỡ giới hạn đáy của mình và của đối phương như ông Putin trong cuộc chiến Nga-Ucraina. Nhà khoa học Chính trị Joseph Nye cũng có hàm ý nói thêm do những mâu thuẫn giữa Wahington và Bắc Kinh và giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng mang bản chất sinh tồn, vì vậy sự cảnh giác của cộng đồng thế giới đối với các tình hình xung đột ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có khu vực Đông Nam Á sẽ không thừa.
Hoàng Trường Hải