Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững tranh cãi nảy lửa về Thỏa thuận Nga-Triều

Những tranh cãi nảy lửa về Thỏa thuận Nga-Triều

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến Triều Tiên hôm 19/6 vừa qua để lại nhiều ấn tượng. Nhưng “ấn tượng” nhất là hai bên đã ký một Thỏa thuận mà giới phân tích đánh giá là nó ngang tầm với một Hiệp ước.

Thỏa thuận đó có tên là: “Điều khoản phòng thủ chung Nga-Triều Tiên”. Đương nhiên, điều khoản này nằm trong Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Một số nhà phân tích ở Hàn Quốc đã lên tiếng, rằng Thỏa thuận hợp tác này chỉ là tên gọi. Nó giống như một Hiệp ước phòng thủ chính thức. Bởi nó phản ánh những gì mà Nga và Triều Tiên xây dựng trong những năm qua, nhất là trong hai năm 2023-2024. Cái gọi là “điều khoản phòng thủ chung” rất đáng báo động, vì nó đe dọa hòa bình, kích động tâm lý chiến tranh. (Theo ông Jo Bee-yun – Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc).

Điều đáng lo ngại là, đây không chỉ là chuyện nội bộ giữa hai nước mà nó ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ở khu vực Đông Bắc Á. Nó có nguy cơ tạo ra mâu thuẫn giữa hai khối Nga-Trung-Triều và Mỹ-Nhật-Hàn. Ấy là chưa kể đến cái nhíu mày nhăn trán khó chịu của Bắc Kinh khi Bình Nhưỡng ngày càng tiến sát Nga và qua mặt Trung Quốc. Một khi Moscow thể hiện rõ ý đồ muốn đóng vai trò lớn hơn ở Đông Bắc Á thì rõ ràng đụng đến vai trò và lợi ích của Bắc Kinh trong khu vực ngày càng có xu hướng phân hóa. Nhất là khi quan hệ Triều TIên-Hàn Quốc đang trong thời kỳ căng thẳng. Cuộc chiến “bóng bay và loa” vẫn đang tiếp tục với những hành động không thể tưởng tượng, chẳng hạn Hàn Quốc phát hiện có ký sinh trùng trong các bóng bay đựng rác.

Nội dung chính trong Điều khoản phòng thủ chung giữa Nga và Triều Tiên là: Đảm bảo sự hỗ trợ quân sự nếu một trong hai bên bị tấn công, hoặc rơi vào tình trạng chiến tranh. Mặc dù chính quyền Moscow phát đi tín hiệu “đèn xanh” là, vấn đề này “không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào, nhưng ngay sau đó đã vấp phải phản ứng từ Mỹ, Nhật Bản, đặc biệt là Hàn Quốc.

Phía Triều Tiên đương nhiên là cũng bật “đèn xanh” như Nga, coi đây là một Thỏa thuận “mạnh mẽ”, “đột phá”; coi đây là sự mong muốn ổn định chiến lược toàn cầu, nhằm “thiết lập một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng mới”. Đồng thời, “duy trì liên lạc chặt chẽ và tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật”.

Thỏa thuận nêu rõ, trong trường hợp “có nguy cơ xâm lược vũ trang trực tiếp” đối với một trong hai bên thì sẽ ngay lập tức vận hành kênh đàm phán song phương nhằm điều chỉnh lập trường theo yêu cầu cảu bên còn lại. Hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp khả thi để hỗ trợ nhau loại bỏ các mối đe dọa.

Thỏa thuận khẳng định: “ Trong trường hợp bất kỳ bên nào trong hai bên bị đặt vào tình trạng chiến tranh do một cuộc xâm lược vũ trang từ một hoặc nhiều quốc gia, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và những hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện, và ngay lập tức”.

“Cuộc xâm lược vũ trang từ một hoặc nhiều quốc gia”, cái ý này đã đụng chạm nay đến Hàn Quốc và Mỹ, vì xưa nay có ai “gây gổ” với Triều Tiên. Ngay trong ngày 21/6, Hàn Quốc đã “trân trọng kính mời” ngài Đại sứ Nga tại Seoul, ông G.Zinoviev để truyền đạt lập trường cảu Seoul. Hàn Quốc kêu gọi Nga “hành động có trách nhiệm”, không để tác động xấu đến quan hệ Seoul-Moscow.

Mạnh mẽ bày tỏ thái độ, hôm 24/6, ba nước Mỹ-Nhật-Hàn đã ra Tuyên bố chung lên án mối quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Nga gây căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, đến sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, tác động xấu đên hòa bình, an ninh thế giới.

Một câu hỏi đặt ra, sự xáp vô mạnh mẽ của Nga và Triều Tiên ảnh hưởng thế nào đến bức tranh an ninh mơi ở Đông Bắc Á? Nhiều ý kiến của các nhà quan sát cho rằng, sở dĩ có “điều khoản” hỗ trợ nhau khi “có biến” chẳng qua là sự phản ứng trước những hành động gần đây của Phương Tây đối với Nga và Triều Tiên. Xin lưu ý, đây là lần đầu tiên hai bên công bố một điều khoản cụ thể về quốc phòng kể từ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến thận trọng hơn. Đó là, hãy chờ thêm một chút, hãy quan sát thêm sự hợp tác của Triều Tiên và Nga trong thời gian tới để có thể kết luận chính xác mức độ, ảnh hưởng của Thỏa thuận/Hiệp ước này.

Trung Quốc – Người khổng lồ, một láng giềng thân cận lâu nay của Triều Tiên chưa có ý kiến chính thức. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, Thỏa thuận quân sự giữa Nga và Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lớn đến quan điểm của Bắc Kinh nhìn nhận tình hình khu vực.

Theo giáo sư Thời Ân Hoằng, chuyên gia quan hệ quốc tế (Đại học Nhân dân Trung Quốc), Hiệp ước Nga-Triều, cùng với liên minh Mỹ-Nhật-Hàn đã làm trầm trọng thêm nguy cơ “đối đầu, cạnh tranh” trong khu vực. Trung Quốc luôn luôn coi trọng vấn đề làm sao bảo đảm hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó “các thế lực hắc ám” lại luôn luôn gây căng thẳng.

Thế giằng co trong quan hệ ngoại giao vẫn tiếp tục với sự quyết liệt nhưng khôn khéo, trong đó “chiến tranh ngôn từ” đang được sử dụng một cách phổ biến. Nó không sòng phẳng, không có lợi trong một thế giới văn minh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới