Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga ký hiệp ước quan trọng với Iran

Nga ký hiệp ước quan trọng với Iran

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Mátxcơva đang chuẩn bị một hiệp ước quan trọng với Tehran.

Phát biểu ngày 26/6 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova dường như nói đến thỏa thuận hợp tác song phương mà Tehran và Mátxcơva đang đàm phán.

Tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, một thỏa thuận mới phản ánh “sự phát triển chưa từng có” của quan hệ Nga – Iran đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng.

“Tài liệu hợp tác chiến lược có thể phác họa chân trời quan hệ của hai nước trong hơn 20 năm qua”, cố Tổng thống Ebrahim Raisi phát biểu về hiệp ước nền tảng cho quan hệ song phương sau khi gặp Tổng thống Vladimir Putin năm 2022.

Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga gần đây đưa tin thỏa thuận đã tạm dừng do những thách thức mà Iran phải xử lý.

Theo thông tin trên báo chí, hai bên bất đồng vì nội dung mà giới chức Iran cho rằng Mátxcơva ủng hộ lập trường của UAE về vấn đề tranh chấp ba hòn đảo ở Vịnh Ba Tư.

Trong nhiệm kỳ của ông Raisi, nhiều nỗ lực củng cố quan hệ với Nga đã được thực hiện. Hợp tác quân sự phát triển mạnh, bao gồm các cuộc tập trận chung và sản xuất máy bay không người lái. Phương Tây nói rằng Iran đã cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái kamikaze (UAV) để hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cũng trong ngày 26/6, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết đã ký bản ghi nhớ chiến lược về cung cấp khí đốt cho Iran.

Thỏa thuận được ký với Công ty Khí đốt quốc gia Iran trong chuyến thăm của phái đoàn Nga do ông Alexey Miller – Giám đốc điều hành Gazprom, dẫn đầu.

Trong chuyến thăm, ông Alexey Miller có cuộc gặp Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Oudji để thảo luận về những bước ưu tiên trong thực hiện bản ghi nhớ và các hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực năng lượng.

Trong khi đó, báo Mỹ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết, những nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt Nga, Iran và Venezuela đang mâu thuẫn với chủ trương chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden về việc giữ giá nhiên liệu ở mức thấp, nên các biện pháp áp dụng cũng yếu hơn mức mong muốn của một số người trong chính quyền.

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác áp nhiều đợt trừng phạt Nga kể từ khi Mátxcơva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhằm làm suy yếu nguồn tài chính của nước này.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn giữ được sức chống chọi tốt hơn đánh giá của phương Tây, chủ yếu nhờ doanh thu từ dầu mỏ và các nhiên liệu hóa thạch khác. Washington thận trọng với việc nhằm vào ngành năng lượng của Nga quá quyết liệt, vì sợ sẽ khiến giá nhiên liệu mà người tiêu dùng Mỹ phải chi trả sẽ tăng cao.

Các vấn đề kinh tế, bao gồm giá nhiên liệu, thường là quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Giá nhiên liệu tăng cao có thể làm giảm ưu thế của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới