Saturday, November 23, 2024
Trang chủĐiểm tinĐan Mạch hiến kế giúp Việt Nam đạt Net Zero

Đan Mạch hiến kế giúp Việt Nam đạt Net Zero

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam do Việt Nam và Đan Mạch phối hợp xây dựng đã nêu ra 5 kịch bản cùng các khuyến nghị kỹ thuật, chính sách để Việt Nam lựa chọn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Cách rẻ nhất là năng lượng xanh

  • Hơn 80% điện của Đan Mạch hiện nay đến từ năng lượng tái tạo. Những kinh nghiệm nào từ Đan Mạch mà ông thấy có ích cho Việt Nam?
  • Quá trình chuyển đổi xanh của Đan Mạch bắt đầu từ những năm 1970 và 1980, rất lâu trước khi có những tiến bộ ngày nay về công nghệ điện gió, mặt trời và pin lưu trữ. Quá trình này đòi hỏi những nỗ lực đáng kể trong đổi mới và phát triển, với nhiều lần thử nghiệm và thất bại trước khi thành công. Ba trụ cột quan trọng định hình quá trình chuyển đổi năng lượng của Đan Mạch là tích hợp năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và duy trì khung pháp lý ổn định.

Chúng tôi cũng có các biện pháp khuyến khích hấp dẫn nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong các hộ gia đình, tòa nhà, công nghiệp và giao thông vận tải. Đặc biệt, Đan Mạch đã nỗ lực tách rời tiêu thụ năng lượng với tăng trưởng GDP. Nhờ đó, từ năm 1980 đến nay, nhu cầu năng lượng của chúng tôi vẫn không đổi trong khi GDP tăng gấp 4 lần.

Khuôn khổ pháp lý ổn định và lâu dài được đảm bảo bằng các thỏa thuận chính trị rộng rãi cho ngành năng lượng, giảm bớt các chính sách theo kiểu stop-go (chính sách kích – kìm cho phép kích thích các hoạt động kinh tế phát triển nhưng sau đó lại kiềm chế – PV), tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và giảm chi phí của công nghệ xanh.

Ngoài ra các chính trị gia và các nhà làm luật giao cho các cơ quan chức năng lập quy hoạch hệ thống điện ngắn hạn (5-10 năm), trong khi họ tập trung vào các chiến lược dài hạn. Các chiến lược này đảm bảo một môi trường ổn định cho phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời trang bị cho học sinh sinh viên các kỹ năng cần thiết về hệ thống năng lượng tương lai.

  • Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Chính phủ nên đóng vai trò gì và khu vực tư nhân có những cơ hội nào trong quá trình này?
  • Hiện nay điện mặt trời và điện gió trên bờ là những hình thức phát điện rẻ nhất. Do đó, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam đã nhấn mạnh là ngay cả khi không có bất kỳ mục tiêu giảm phát thải nào, cách rẻ nhất để cung cấp điện cho nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam là năng lượng xanh.

Việc Đan Mạch đi xa được như vậy trong chuyển đổi năng lượng không chỉ nhờ nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ thời kỳ đầu mà còn là kết quả của sự cạnh tranh gay gắt. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đan Mạch, đã nhanh chóng chuyển sang hình thức đấu thầu – nơi các nhà đầu tư cạnh tranh để có được mức giá thấp nhất.

Vai trò quan trọng nhất của chính phủ là giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Các chính phủ có thể thực hiện điều này bằng cách cung cấp một danh mục dự án rõ ràng, minh bạch về các điều kiện đấu thầu, tức là lựa chọn dự án và nhà đầu tư cũng như minh bạch về các điều kiện mua điện, tức là khả năng bán một lượng điện nhất định ở một mức giá nhất định.

Để có tiền đầu tư vào ngành năng lượng, đánh thuế những thứ chính phủ muốn cắt giảm là một công cụ rất hiệu quả. Ví dụ, thuế tiêu thụ năng lượng đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng ở Đan Mạch. Chúng tôi cũng cùng doanh nghiệp phát triển các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, việc áp thuế phát thải – không chỉ đối với CO2 mà cả các chất gây ô nhiễm không khí như NO, NO2 và SO2 – cũng như cơ chế mua bán phát thải carbon ở Liên minh châu Âu đã thúc đẩy các công ty và ngành điện giảm phát thải, đầu tư vào công nghệ xanh.

Khuyến nghị nghiên cứu về điện hạt nhân

  • Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phân khúc vận tải hạng nặng để giảm tác động đến môi trường. Kinh nghiệm của Đan Mạch trong vấn đề này ra sao, thưa ông?
  • Chuyển đổi xanh ngành giao thông vận tải là một nhiệm vụ quan trọng và hiện đang được thúc đẩy bởi sự phát triển của các loại xe điện. Về phía chính phủ, tôi cho rằng cần tập trung vào việc đảm bảo các trạm sạc theo tiêu chuẩn quốc tế với chi phí sạc thấp. Trong ngắn hạn, đầu tư vào giao thông công cộng trong nội đô, đường sắt liên thành phố cũng là chìa khóa để tạo điều kiện chuyển đổi hiệu quả.

Ở Đan Mạch, chúng tôi đang ở bước tiếp theo là phát triển nhiên liệu xanh cho tàu biển và máy bay. Những nhiên liệu này chủ yếu được điều chế từ hydrogen xanh, chẳng hạn như amoniac và metanol.

  • Trong Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam, có một khuyến nghị nhắc đến điện hạt nhân. Nhưng ngay cả Đan Mạch hiện nay cũng dừng phát triển điện hạt nhân…
  • Báo cáo không trực tiếp khuyến nghị sử dụng điện hạt nhân ở Việt Nam mà khuyến nghị nên có nghiên cứu chi tiết thêm. Kết quả báo cáo cho thấy sự không chắc chắn đáng kể về tính khả thi kinh tế của điện hạt nhân ở Việt Nam vì nó chỉ xuất hiện ở hai trong số năm kịch bản chính.

Đan Mạch đã dừng phát triển năng lượng hạt nhân vào năm 1985. Nghị viện Đan Mạch sau đó quyết định đưa hạt nhân vào quy hoạch năng lượng. Gần đây, các cuộc thảo luận công khai đã được khơi dậy, một phần do tiềm năng của Lò phản ứng module nhỏ (SMR) đang được phát triển bởi các công ty trong nước. Tuy nhiên, chưa có quyết định mới nào về năng lượng hạt nhân được đưa ra tại Nghị viện Đan Mạch.

Những lo ngại về an toàn và nguy cơ với sức khỏe của điện hạt nhân là có cơ sở và cần được xem xét nghiêm túc, tuy nhiên phải dựa trên số liệu thống kê. Các lò phản ứng hạt nhân hiện đại nhìn chung rất an toàn và không có khí thải.

Điện hạt nhân đòi hỏi đầu tư lớn, có nguy cơ vượt ngân sách và Việt Nam phải cam kết xử lý, lưu trữ các chất thải hạt nhân trong vài trăm năm. Vấn đề thời gian dài, đầu tư lớn cũng như phải xây dựng khung pháp lý, đào tạo chuyên gia vật lý hạt nhân và cán bộ vận hành là những yếu tố cần phải cân nhắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới