Nga giữ quan điểm không can thiệp nhằm đa dạng hóa quan hệ với các nước trong khu vực trong khi duy trì quan hệ đặc biệt với Trung Quốc.
Tiêu đề và ảnh minh họa ngay đầu bài viết trên Lenta.ru
Tiếp tục loạt bài về quan điểm của Chính phủ Nga cũng như giới phân tích Nga về vấn đề Biển Đông, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của tác giả người Nga Vasinly Kashin đăng trên trang Lenta.ru mới đây.
Bài viết có tiêu đề “Biển của các vấn đề”. Cách đặt tít này sử dụng lối chơi chữ “biển” vừa ám chỉ Biển Đông vừa nói lên sự phức tạp của vấn đề được đề cập. Ngay phần mào đầu, tác giả đã đặt câu hỏi: “Nga có thể được lợi gì từ xung đột ở Biển Đông?”. Sau đây là nguyên văn bài viết:
Tâm điểm của chính trị thế giới đang dần dịch chuyển sang châu Á, còn điểm nóng nhất tại khu vực này chính là Biển Đông. Tại đây, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với một vài quốc gia xung quanh. Tình hình càng trở nên căng thẳng bởi một yếu tố đó là Biền Đông đã trở thành một đấu trường cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Bên cạnh những gì đã được thể hiện tại Đối thoại Shangri-La, tham gia vào cuộc xung đột này còn có cả những nước ngoài khu vực như Anh và Pháp. Lenta.ru sẽ thuật lại Đối thoại Shangri-La đã diễn ra như thế nào và quan điểm của Nga đối với tình hình Biển Đông.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh chính của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vừa diễn ra vào đầu tháng 6 tại Singapore, đã ghi nhận việc quốc tế hóa không thể đảo ngược và sự căng thẳng gia tăng của một cuộc xung đột chính trong khu vực. Những tranh cãi lãnh thổ ở Biển Đông đã thu hút cả các quốc gia có vai trò toàn cầu ngoài khu vực, trong đó có các nước Liên minh châu Âu (EU).
Tại khu vực Đông Á đang tích tụ quá trình hình thành mạng lưới liên minh chính thức và không chính thức, trong đó Mỹ là trung tâm còn bất đồng về vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông là chất xúc tác của quá trình này. Trong khi đó, Trung Quốc không hề tỏ bất kỳ dấu hiệu mềm yếu nào cũng như ý định thỏa hiệp về những quan điểm mà họ coi là mang tính nguyên tắc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại thực chất là những đe dọa được che đậy một cách qua loa nhằm vào Trung Quốc và dẫn tới 3 luận điểm quan trọng nhất: Sự vượt trội về quân sự của người Mỹ trong khu vực là không phải bàn cãi và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai; Washington đang xây dựng thành công tại châu Á một mạng lưới đối tác và đồng minh trong lĩnh vực an ninh; Đe dọa cô lập Trung Quốc trong trường hợp tiếp tục chính sách hiện nay.
Các nước liên quan tới tình hình Biển Đông đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) về vụ kiện của Philippines. Manila bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh một loạt bãi, đá và các cấu trúc ở Biển Đông. Đơn kiện của Philippines ban đầu, kể từ khi được đệ trình vào năm 2013, bao gồm 15 điểm khác nhau. Philippines bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với các vùng biển, đáy biển và tài nguyên bên trong “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đưa ra trước đây vốn chiếm tới gần 90% diện tích Biển Đông. Manila cũng cố gắng chứng minh Trung Quốc đang thiết lập các EEZ riêng xung quanh các bãi, đá và các cấu trúc chìm khác ở Biển Đông, mà việc kiểm soát các thực thể này, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, không trao cho Bắc Kinh những quyền đã nêu. Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc bằng các hành động như vậy đang xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines.
Trung Quốc ngay từ năm 2006 đã sử dụng quyền được ghi trong Công ước (Điều 298) để từ chối tham gia tòa trọng tài trong trường hợp các vấn đề chủ quyền được đệ trình lên tòa này. Trong khi đó, quyết định như vậy không có hiệu lực trực tiếp. Phán quyết cuối cùng về tính pháp lý của PCA do chính tòa này đưa ra, thành phần của tòa có thể được lựa chọn và phán quyết vẫn được công bố ngay cả khi bị đơn từ chối tham gia quá trình tố tụng. Tuyên bố của Trung Quốc khi trích dẫn Điều 298 đã cho phép loại bỏ phần lớn các đề nghị của Philippines có liên quan tới vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, ngày 29/10/2015, Tòa đã công nhận có thẩm quyền đối với 7 trên 15 điểm trong đơn kiện của Philippines. Trong số đó, 4 điểm có liên quan tới việc xác định quy chế của các thực thể mà Trung Quốc đang kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và một vài khu vực khác ở Biển Đông.
Philippines yêu cầu công nhận các thực thể này hoặc là các bãi chìm (không có lãnh hải và EEZ), hoặc là các đá (có lãnh hải nhưng không có EEZ). Việc Tòa ra phán quyết về những điểm này không liên quan tới vấn đề Trung Quốc đang kiểm soát các thực thể nhưng đập tan cơ sở pháp lý đối với những yêu sách của Trung Quốc về EEZ bên trong “đường chín đoạn”. 3 điểm còn lại ít quan trọng hơn và liên quan tới việc Trung Quốc vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường và các hoạt động thực thi luật pháp.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận trên Biển Đông
Phán quyết của Tòa đang được mong chờ trong những tháng qua (dự đoán sẽ có lợi cho Philippines) sẽ mở ra một chương mới trong cuộc xung đột ở Biển Đông. Một nửa trong số các phát biểu tại Shangri-La bằng cách này hay cách khác đều đề cập tới sự kiện này. Mỹ và các đồng minh trong khu vực yêu cầu Trung Quốc chấp nhận và thực thi phán quyết của Tòa, một nghĩa vụ bắt buộc chính thức đối với các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Tuy nhiên, quan điểm của người Mỹ bị ảnh hưởng bởi một thực tế là chính nước Mỹ cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn văn kiện pháp luật quốc tế quan trọng bậc nhất này.
Trung Quốc tiếp tục từ chối công nhận phán quyết của Tòa và vẫn cho rằng Tòa không có tính pháp lý cần thiết. Một lý do nữa có lợi cho Trung Quốc là Tuyên bố chung Trung Quốc-Philippines năm 2002 về giải quyết các vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán. Để củng cố quan điểm của mình, Trung Quốc đã huy động tất cả các nguồn lực ngoại giao: Ý kiến của Bắc Kinh về tính không hợp pháp của PCA đã nhận được sự chia sẻ từ chính phủ của khoảng 40 quốc gia, chủ yếu là các các nước không lớn và không có nhiều ảnh hưởng ở châu Phi, Mỹ Latin vốn rất quan tâm tới thương mại với Trung Quốc.
Mỹ với khẩu hiệu “tự do thương mại” và “sự thượng tôn pháp luật” không chỉ lôi kéo các đồng minh trong khu vực với vai trò dẫn dắt của Nhật Bản và Australia, mà còn thu hút cả Anh và Pháp. EU trong nhiều năm qua đã cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng trong vấn đề an ninh khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương. Một thực tế khiến châu Âu suy nghĩ đó là trong khi là đối tác thương mại quan trọng nhất của khu vực, họ lại không đóng bất kỳ vai trò nào trong vấn đề an ninh.
Và châu Âu không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn việc can thiệp vào vấn đề phức tạp nhất và nguy hiểm nhất trong số các vấn đề của khu vực. Phát biểu tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc Anh Michael Fallon và người đồng cấp Pháp Jean Yves Le Drian đã nói về việc châu Âu có lợi ích chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và rất quan tâm tới luật pháp quốc tế và tự do hàng hải. Trọng tâm đặc biệt được nhấn mạnh vào sự hiện diện quân sự trực tiếp của các nước trong khu vực, nơi mà thế giới đã bỏ quên trong những thập kỷ qua.
Người Pháp nhắc tới lực lượng của mình ở những quần đảo thuộc Pháp nằm giữa Thái Bình Dương và ở các đảo trên Ấn Độ Dương, còn người Anh thì nhắc tới thỏa thuận phòng thủ 5 bên (gồm Anh, Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore) và căn cứ ở Brunei. Cả hai ngài bộ trưởng đều khẳng định kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á. Kế hoạch của EU tham gia vào chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc không chỉ về kinh tế-chính trị mà cả về quân sự có thể kéo theo những kết quả bất ngờ đối với Nga. Thứ nhất, năng lực quân sự của EU hoàn toàn bị hạn chế và việc cùng lúc tham gia các cuộc tập trận chung, các hoạt động cơ động và tuần tra ở châu Á-Thái Bình Dương với tăng cường hoạt động quân sự ở Đông Âu sẽ không hề dễ dàng.
Thứ hai, vì những bước đi này, Paris và London sẽ phải hứng chịu sự trừng phạt kinh tế từ phía Trung Quốc. Trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt như vậy thường áp dụng các hình thức phân biệt đối xử của các công ty nhà nước trong quá trình tiến hành mua sắm, loại khỏi các dự án có lợi, thậm chí áp dụng các biện pháp riêng biệt mà không bao giờ nêu những lý do chính trị của các biện pháp này. Do đó, sự trả giá về kinh tế của EU vì ủng hộ chính sách toàn cầu của Mỹ sẽ tăng lên. Điều đó sẽ làm giảm khả năng tiến hành các biện pháp đối đầu mới từ phía EU.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 5/6
Ngoài ra, một mặt trận khác gây áp lực với Trung Quốc là vấn đề Triều Tiên. Thực chất, Trung Quốc bị quy trách nhiệm trước những hành xử của Bình Nhưỡng. Tiếp tục có những lời kêu gọi gia tăng trừng phạt thậm chí là phong tỏa, mà giới chuyên gia gọi là các biện pháp trừng phát thứ cấp, chống lại Trung Quốc cũng như các công ty của Trung Quốc vì hợp tác với Triều Tiên.
Tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc tiếp tục bảo vệ những quan điểm của mình và khẳng định những điểm then chốt. Nhìn chung, cho tới nay Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn cản sự đoàn kết của các nước ASEAN trên phương diện chống Trung Quốc. Quan điểm của đại diện phần lớn các nước thành viên ASEAN tỏ ra mềm mỏng hơn, dễ chấp nhận hơn đối với Trung Quốc so với các quan điểm của Mỹ.
Trong tình huống như vậy, quan điểm hợp lý nhất của Nga là không can thiệp. Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói chung đã không đề cập tới vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, ông đề cập một cách ngắn gọn vấn đề bán đảo Triều Tiên, vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tới chủ đề mang tính toàn cầu là chống khủng bố.
Trước đó, Moscow đã có sự ủng hộ hạn chế đối với Bắc Kinh khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố miệng rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không nên bị “quốc tế hóa” và cho rằng điều đó là có lý do. Quan điểm như vậy hoàn toàn đáp ứng lợi ích phát triển các mối quan hệ đa dạng với tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khi vẫn duy trì mối quan hệ đối tác đặc biệt với Trung Quốc.